Nhạc cụ của người Chăm biểu trưng hình thể con người
Thứ năm, 00:00, 16/11/2017 Việt Phú BT CT+2 ảnh Việt Phú BT CT+2 ảnh
VOV4.VN- Nhạc cụ truyền thống của người Chăm thường có 3 bộ: bộ gõ, bộ hơi và bộ dây. Nhưng bà con chủ yếu dùng bộ gõ, gồm trống Paranưng, Ginăng và bộ hơi là kèn Saranai. Trong các lễ hội có sự tham gia của cộng đồng như mùa tết Rija Nưga, Katê hoặc trong lễ nhập Kud, hay là mừng đôi lứa trong ngày cưới thì không thể thiếu những nhạc cụ truyền thống này.

 

Không đơn thuần chỉ là nhạc cụ, mà với người Chăm, trống ginăng, paranưng, kèn saranai được ví như con người, có linh hồn, là biểu tượng của niềm tin vào một cuộc sống đủ đầy, tránh những tai ương, bất trắc.

Ông  Lưu Văn Thính, ở thôn Hoài Ni, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Trống Ginăng dựng lên tượng trưng cho hai cái chân còn cái Paranưng tròn tượng trưng cho mình. Saranai có 7 lỗ tượng trưng cho cái đầu, hai mắt, hai mũi, hai lỗ tai và một cái miệng. Những nhạc cụ này là biểu tượng hình thể con người. Nếu mình đánh trống mà không thổi kèn là không có hồn, giống như con người không có hồn, không có hơi thở, cho nên kèn saranai là hơi thở, nhịp thở của con người”.

Trống Paranưng của người Chăm. Ảnh: VP

Mỗi nhạc cụ gắn liền với một bộ phận trên cơ thể của con người. Nhạc cụ gắn bó mật thiết trong cuộc sống người Chăm, khi vui vẻ của những lễ hội, mừng đám cưới hoặc cất lên trong lễ tang ma, nhập Kud.

Những chất liệu để tạo nên trống Paranưng hay Ginăng đều có sẵn, như da trâu, da dê, mây, gỗ. Nhưng việc chọn những nguyên vật liệu này đòi hỏi người có kinh nghiệm. Ông  Lưu Văn Thính cho biết, người thợ thường dùng gỗ có âm vang và mặt trống dùng bằng da trâu hoặc dê.

Khi đã chọn được da trâu rồi thì công đoạn chọn gỗ để đẽo thân trống cũng khá công phu, thời điểm chặt gỗ và phơi gỗ được tính toán kỹ càng, thường là cả một tháng trời. Chọn cây phải chọn đúng tuần trăng thì mối mọ không ăn. Đục đẽo và phơi cũng phải đúng thời điểm, nếu làm nhanh quá, chơi một thời gian sẽ bị nứt hoặc nếu dày quá thì âm thanh không kêu.

Kèn Saranai, một trong 5 hợp âm trong dàn nhạc Chăm. Ảnh: VP

Với bộ hơi, mà đặc trưng là kèn saranai, đòi hỏi những nguyên liệu đặc biệt. Theo ông Đa Năng Thịnh, năm nay gần 80 tuổi, ở  thôn Hoài Ni, thì chiếc kèn mà ông đang sử dụng được làm bằng ngà voi. Hiện nay để làm được chiếc kèn bằng ngà voi như vậy là không hề đơn giản. Nhưng có được sừng trâu hay ngà voi thì âm thanh của saranai sẽ hay hơn rất nhiều so với thân gỗ. Nếu không có ngà voi hay sừng trâu thì gỗ cũng có thể làm được saranai, theo ông Lưu Văn Thính thì gỗ cây me chua cũng rất tốt.

Ông Lưu Văn Thính cho rằng, làm xong các nhạc cụ chưa phải đã đủ mà còn đòi hỏi phải thuộc hết 72 nốt nhạc hay những bài trống, bài múa của dân tộc, đến lúc đó mới gọi là một nghệ sỹ hoặc một nghệ nhân Chăm. 

 

Việt Phú/VOV4

Việt Phú BT CT+2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC