Sáo ôi, nhạc cụ độc đáo của dân tộc Mường
Thứ hai, 00:00, 18/09/2017 Thu Hòa biên tập chương trình Thu Hòa biên tập chương trình
VOV4.VN - Trong hệ thống nhạc cụ bằng hơi của người Mường, nổi bật nhất là cây sáo Ôi. Sáo Ôi được sử dụng ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, như lễ hội, lễ cưới, ngày tết... Đó là tiếng sáo của nghĩa tình.

  • Nhạc cụ độc đáo của người Mường

 

Sáo Ôi (hay còn gọi là “Kháo Ôi”, ống Ôi) là một loại sáo dọc có 4 lỗ, 2 lỗ có khoảng cách thưa, 2 lỗ cách nhau dày hơn được tạo nên từ một ống nứa tép.

Để làm một cây sáo Ôi, phải công phu, tỉ mỉ ngay từ lúc chọn cây nứa như ý. Theo ông Đinh Xuân Hiên, dân tộc Mường, ở xã Huy Thượng, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, cần lựa chọn một cây nứa sành, mọc ở đằng Đông và ngọn của nó cũng hướng thẳng về phía Đông, không được cụt ở phần ngọn. Thân cây có đường kính 1,5 cm, hơi ngả màu vàng óng, chiều dài của ống từ đốt này tới đốt kia từ 68-70 cm.

"Mình phải chọn nứa đạt tiêu chuẩn, nứa phải bánh tẻ thì mới đảm bảo giữ được âm của nó. Thường cũng chăm chút nó một tý, xem ống trong có mạng nhện không, nếu nó ướt quá thì không được, nên cứ để ở chỗ cầu thang, cho nó khô ráo, nó cứ bền mãi thôi mà" - nghệ nhân Đinh Xuân Hiên chia sẻ.

Sáo Ôi - nhạc cụ độc đáo của người Mường. Ảnh: baomoi.com

Đặc trưng của sáo ôi là 4 lỗ, nhưng lại có 5 hàng âm là: đồ, mi, pha, son, si. Cũng có người gọi đó là 5 cao độ: nốt Hò, nốt Sự, nốt Sang, nốt Xê, nốt Cống. Quan sát nghệ nhân trẻ Đinh Đức Thịnh, ở Tân Lạc, Hòa Bình, chơi sáo, có thể thấy người chơi không thổi ra âm thật của cây sáo mà sử dụng hệ thống bồi âm. Lỗ chính giữa được khoan phía dưới ống (dùng ngón cái để bấm), 3 lỗ còn lại nằm phía trên ống, 1 lỗ để thông hơi ở trên đốt.

Công đoạn cuối cùng, dùng lá chuối bịt kín lỗ dùi phía đầu thổi để cho hơi không thoát ra ngoài, mà thông thẳng từ ống trên xuyên qua đốt xuống ống dưới, phát ra âm thanh. Khi thổi, người ta dùng 4 ngón tay để bấm và điều chỉnh các lỗ theo độ vang cao thấp của cây sáo.

Tùy từng hoàn cảnh khác nhau, người chơi sáo ôi thổi nhanh hay chậm, vui hay buồn, lúc nhẹ nhàng sâu lắng, lúc rộn ràng tươi vui. Sáo ôi được sử dụng nhiều nhất trong những đêm trăng thanh gió mát, tiếng sáo bên cửa lúc trầm, lúc bổng. Khi thủ thỉ tâm tình giãi bày nỗi niềm với người yêu thương, lúc lại thong thả khoan thai đợi mùa về.

Sáo ôi ngày càng có vị trí và được biết đến nhiều hơn. Trong các trường nghệ thuật, sáo ôi được đưa vào giảng dạy chính khóa. Trên sân khấu chuyên nghiệp, sáo ôi đã mang về cho chủ nhân rất nhiều giải thưởng qua trình diễn độc tấu, đệm hát các bài dân ca Mường, cho kể chuyện và những điệu múa giàu tính nội tâm tự sự.

Không chỉ được tổ chức, kết cấu trong dàn nhạc dân tộc, sáo ôi đã được nâng lên một tầm cao mới, có thể biểu diễn các tác phẩm trong và ngoài nước. Mới đây, sáo ôi trở thành cây solo chính trong dàn nhạc giao hưởng trong tác phẩm “Bóng núi không tan” của nhạc sỹ Tống Hoàng Long, tác phẩm “Hòa tấu sáo Trúc, sáo ôi cùng dàn nhạc giao hưởng” của nhạc sỹ Trần Ngọc Dũng.

 

  • Tiếng sáo của nghĩa tình

 

Có rất nhiều giai thoại quanh nguồn gốc của cây sáo ôi, nhưng được lưu truyền và biết đến nhất là chuyện về lòng hiếu thảo của người con út đối với cha và nghĩa tình của vua Dần dành cho 2 người vợ.

Chuyện xưa kể rằng: Có một gia đình sinh được 6 anh em trai, người em út bị câm. Khi bố mất các anh đều khóc lóc và than vãn nức nở, còn người em không thể khóc và nói nên lời được. Để giãi bày sự đau khổ của mình, người em út đã lấy cây nứa khoét thành 4 lỗ và thổi, tiếng sáo kêu thật thảm thương, tha thiết, xót xa.

Dù xuất xứ của sáo ôi là để bày tỏ lòng xót thương trước vong hồn người cha, nhưng người Mường lại không sử dụng sáo ôi trong đám ma, mà chủ yếu thổi trong các dịp lễ tết, đám cưới, hội hè. Nghệ nhân Đinh Xuân Hiên lý giải: người Mường không muốn lưu lại nỗi buồn, họ muốn nỗi buồn bay đi theo gió, chỉ ở lại niềm vui.

Dân tộc Mường còn lưu truyền xuất xứ cây sáo ôi từ một nhân vật thần thoại trong sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”. Chuyện kể rằng, Đức vua Dần là người cai quản xứ Mường Vang, lấy nàng Ngần, nàng Ngà về làm vợ. Một lần, vua Dần làm 2 người vợ phật ý nên cả 2 nàng bỏ về nhà mẹ đẻ. Ít lâu sau, vua Dần đi đón vợ nhưng cả 2 nàng Ngần, Nga đều không chịu về.

Trên đường trở về nhà, đi qua bụi nứa tép, sẵn có dao trên người, vua Dần chặt một cây nứa ngồi làm sáo để thổi. Tiếng tha thiết, réo rắt của cây nứa như thấu hiểu tâm trạng sâu lắng của người chồng dành cho vợ. Từ đó, cây sáo ôi được coi là cây sáo của nghĩa tình.

Nếu như sáo trúc thổi ngang, âm thanh vang xa thì trái lại, sáo ôi thổi dọc, âm thanh êm ái hơn nhiều. Cũng như tình yêu của chàng trai người Mường, không mãnh liệt như tiếng khèn của chàng trai người Mông, mà tế nhị, nhẹ nhàng. Tiếng sáo chỉ cất lên ở ngoài cổng, hy vọng đến tai cô gái trong nhà.

Không phải tự dưng mà người ta gọi sáo ôi là “tiếng gọi của tình yêu”, bởi âm thanh của cây sáo sáng nhưng không gắt, như tiếng gió thì thầm, như lời kêu gọi trong lòng: bạn ơi…em ơi…yêu ơi…thương ơi…nhớ ơi… Cả nam, nữ đều gọi nhau là “ôi” “ơi” như các câu hát: Lời chi họ ví bạn ơi (Ôi hời)/ Lý chi họ rằng bạn ạ (Ôi hà)… Lời tỏ tình da diết khiến các cô gái Mường đứng ngồi không yên, muốn gặp cho được chàng trai thổi giai điệu ngọt ngào ấy. Và cây sáo đã là chứng nhân cho bao câu chuyện tình yêu của các cặp trai gái người Mường.

Nghệ nhân Đinh Xuân Hiên kể: Ngày xưa, ông thường độc tấu và đệm sáo ôi cho hát đang, bộ meẹng, ví đúm vào các dịp lễ hội. Rồi khi tan buổi diễn, đêm khuya, ông lại ngồi bên dòng suối hoặc tựa lưng vào cột nhà sàn suốt đêm thâu, gửi đến người mình yêu giai điệu đằm thắm, nỉ non. Có lẽ thương nỗi buồn man mác trong tiếng sáo ấy mà bà đến với ông. Và hạnh phúc đến tận bây giờ, sau gần 50 năm.

  

 

 

Thu Hòa/VOV4

Thu Hòa biên tập chương trình

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC