Nghi lễ cắt tóc và đặt tên cho con của người Chăm Islam An Giang
Thứ hai, 17:35, 05/12/2022 Lâm Thanh Lâm Thanh
VOV4.VOV.VN - Theo phong tục của người Chăm Islam ở An Giang, khi đứa trẻ sinh ra được 7 ngày cho đến 40 ngày, gia đình sẽ làm Lễ cắt tóc và đặt tên cho con.
Đồng bào Chăm Islam hát mừng sau nghi lễ cắt tóc và đặt tên cho con.

Nghi lễ cắt tóc và đặt tên cho con là một nghi lễ đặc biệt của người Chăm Islam. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều phải thực hiện nghi lễ này. Người Chăm Islam lấy tên của 25 vị thánh để đặt tên cho đứa trẻ và tên này sẽ theo đứa trẻ đến suốt đời, không được thay đổi. Nếu có thay đổi phải sửa soạn lễ vật tương đương như lúc đặt tên ban đầu để đãi khách mới được đổi tên.

Vì người Chăm Islam tin rằng, sau khi tận thế đến ngày phán xét cuối cùng, họ sẽ được gọi dậy bằng tên thánh đó. Nếu tín đồ Hồi giáo mang một tên khác, họ sẽ vĩnh viễn không được thánh Ala gọi tới. Chính vì thế đây là một nghi lễ không thể thiếu đối với một đứa trẻ của đồng bào dân tộc Chăm Islam được sinh ra.

Tùy vào hoàn cảnh gia đình mà nghi lễ này được tiến hành sớm hay muộn. Nhưng đứa trẻ thực hiện nghi lễ này tính từ khi sinh ra đến khi thực hiện nghi lễ thì không quá 03 tuổi.

Lễ vật có thể là gà, bò, dê, cừu. Tuy nhiên theo quan niệm của đồng bào Chăm Islam,đối với gà, bò lễ vật sẽ là 1 con, còn nếu chủ gia chọn lễ vật là dê, cừu phải 02 con đối với nam, 1 con đối với nữ. Lý giải về điều này, là do 01 con bò sẽ có 7 phần, còn dê, cừu chỉ có 3 phần.

Thời gian diễn ra thường từ 9 giờ hoặc 13 giờ trưa tùy theo chủ gia lựa chọn. Chủ nhà sẽ mời những vị Giáo cả (Hakim), chức sắc, chức việc trong làng và dòng họ, xóm làng đến tham dự và chứng kiến Lễ cắt tóc và đặt tên cho con của mình.

Đến ngày thực hiện Nghi Lễ cắt tóc và đặt tên cho con, chủ gia sẽ tiếp đón các vị Giáo cả, chức sắc và những người đàn ông, phụ nữ trong làng đến dự và từng người một tặng cho đứa trẻ những món quà nhỏ như áo quần sơ sinh, tiền lì xì, xà phòng,…

Đứa trẻ được thay quần áo mới và bà của đứa trẻ sẽ chuẩn bị khăn, dầu thơm và cây kéo để trên một chiếc mâm nhỏ để thực hiện nghi lễ.

Trong gian phòng khách của gia đình, trước mâm lễ gồm cây kéo, chai dầu thơm, vị giáo cả cùng chức sắc tiến hành làm lễ. Cạnh bên là chủ gia bế đứa trẻ. Vị Giáo cả sẽ thì thầm những câu kinh nhằm cầu nguyện cho đứa trẻ. Tiếp đó, vị Giáo cả sẽ hỏi chủ gia tên của đứa trẻ được đặt là tên gì? Rồi ông công bố cho toàn thể mọi người có mặt được biết.

Sau đó, vị Giáo cả dùng kéo cắt một đoạn tóc tượng trưng của đứa trẻ và sức dầu thơm lên người đứa bé. Tiếp đến, những người đàn ông tham dự cũng làm tương tự nhưng không cắt tóc mà chỉ lấy tay sờ vào đầu đứa trẻ.

Trong truyền thống, nếu có thể cạo đầu đứa trẻ họ sẽ lấy phần tóc đó đem cân với vàng hoặc bạc, rồi quy đổi ra tiền và đem tiền đó phân phát cho những người cơ hàn. Mục đích chia sẻ niềm ân sủng mà thượng đế ban cho. Nhưng nghi thức này nay chỉ còn hiện diện ở một số gia đình.

Kết thúc nghi lễ, mọi người mọi sẽ cùng nhau cầu nguyện với mong muốn đứa trẻ được phúc lành, bình an, nhiều điều may mắn.

Vừa qua, lễ cắt tóc, đặt tên của người Chăm Islam ở An Giang được tái hiện tại làng văn hóa với không khí trang trọng.

Lâm Thanh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC