
Trong căn nhà nhỏ ở thôn Bình Tiến, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, Bình Thuận, nghệ nhân Lương Thị Hòa lúc nào cũng bận rộn với nhiều sản phẩm gốm được đặt hàng từ mọi miền đất nước. Làm việc không ngơi tay nhưng lúc nào bà cũng sẵn sàng chia sẻ với mọi người về nghề gốm, vì đó là đam mê suốt đời của bà.
Được người bác truyền dạy nghề gốm từ năm 1978, đến nay đã gần 50 năm nghệ nhân Lương Thị Hòa cảm thấy vui khi sản phẩm gốm mỹ nghệ của gia đình bà được nhiều khách hàng ưa chuộng, nhất là khách du lịch. Lượng sản phẩm bán ra cũng khá, nhờ đó thu nhập của gia đình tăng lên.
Bà Hòa chia sẻ, từ lúc chưa chuyển sang làm gốm mỹ nghệ, sản phẩm gốm truyền thống cho thu nhập thấp, chủ yếu lấy công làm lời, nhiều nghệ nhân cùng trang lứa với bà đã bỏ nghề, còn bà vì nặng lòng với nghề, nên duy trì đến ngày hôm nay.
"Năm 2001, có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thành Phần về đây mở lớp dạy làm gốm mỹ nghệ. Đến năm 2006, tỉnh Bình Thuận có mở lớp dạy làm gốm mỹ nghệ tại làng, sau đó cho đi học nâng cao ở làng gốm Bàu Trúc ngoài tỉnh Ninh Thuận, sau đó tôi về làm thì thấy làm được. - Bà Hoà kể.
Tuy tuổi đã cao, nhưng với lòng yêu nghề, tạo ra nhiều dòng sản phẩm gốm mỹ nghệ độc đáo nên nghệ nhân Lương Thị Hòa luôn được Bảo tàng tỉnh Bình Thuận và các khu resort mời đến trình diễn nghệ thuật làm gốm trong những ngày lễ lớn của đất nước để phục vụ du khách.
Mỗi dòng sản phẩm gốm mỹ nghệ do nghệ nhân Hòa làm ra đều mang tính sáng tạo, thổi hồn văn hóa của người Chăm và đa dạng mẫu mã như: rùa long quy, linga yoni, tháp nước Bình Thuận, tháp Chăm, bình hoa, thuyền thúng, con cá… Mỗi sản phẩm gốm của gia đình bà làm ra có kích cỡ vừa và nhỏ, có thể cho vào túi xách, hay ba-lô, rất tiện cho du khách…

Gắn bó với nghề làm gốm gần 50 năm, nghệ nhân Lương Thị Hoà là một trong những người làm gốm truyền thống lâu đời ở làng gốm này. Đây cũng là nghề tạo nguồn thu nhập chính cho gia đình bà từ nhiều năm nay.
Từ thời các vua chúa trước đây đến đời sống hiện nay, sản phẩm gốm không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình và trong văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm. Bảo tàng hiện đang lưu giữ và trưng bày hơn 1.500 hiện vật, trong đó có các sản phẩm gốm Chăm cổ từ nhiều thế kỷ và sản phẩm gốm truyền thống sử dụng hàng ngày. Ngoài tổ chức gian hàng trình diễn làng nghề, Bảo tàng còn thường xuyên mời các nghệ nhân đến biểu diễn, hướng dẫn cách làm gốm cũng như tổ chức cho du khách tham quan, trải nghiệm nghề làm gốm tại làng gốm Bình Đức.
Nói về Nghệ nhân Lương Thị Hoà, bà Lư Thái Tuyên, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận cho biết: "Nghệ nhân Lương Thị Hoà gắn bó với nghề gốm gần 50 năm, ngoài việc sáng tạo, tìm tòi mẫu mả mới, bà còn biết diễn giải những công đoạn làm gốm cho du khách nghe. Vì vậy, mà đơn vị thường xuyên mời bà tham gia đứng lớp truyền dạy nghề làm gốm tại Trung tâm Trưng bày văn hoá Chăm; biểu diễn cách làm gốm tại Khu di tích tháp Pô Sah Inư. Việc làm của bà đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm ở đây."

Tuy được truyền dạy nghề làm gốm từ cha ông nhưng hiện nay làng nghề phải đối diện với nhiều áp lực khiến cho số hộ gia đình làm nghề bị giảm dần. Càng về sau những nghệ nhân có tiếng với nghề gốm Chăm thưa thớt dần.
Đó cũng là sự trăn trở của nghệ nhân Lương Thị Hoà. Bà tâm sự: Có những đợt không có lớp, hoặc trẻ học được vài buổi rồi bỏ, bà buồn lắm. Nhưng bà nghĩ có thể lớn thêm vài tuổi nữa chúng mới hiểu và thích gốm, khi đó quay lại học cũng không muộn. Tuy nhiên, đến lúc đó e rằng bà không còn sức để truyền dạy.
Niềm tự hào của bà hiện nay là sản phẩm gốm của gia đình đã được địa phương chọn và công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, đó cũng là động lực để cho bà tiếp tục gắn bó với nghề. Bà Hoà tâm sự: "Tôi mong muốn có nhiều sức khoẻ để làm ra nhiều sản phẩm gốm được gắn sao OCOP để nó vươn xa hơn nữa, có thể xuất ra nước ngoài.
Nghệ nhân Lương Thị Hòa đã và đang góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm ở tỉnh Bình Thuận, đưa sản phẩm gốm ra thị trường trong và ngoài nước với mong muốn được nhiều người biết đến gốm của người Chăm Việt Nam hơn nữa./.
Viết bình luận