
Đắk Lắk: Khai thác tiềm năng đất đai cho tăng trưởng bền vững
Đất đai là nguồn tài nguyên quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk. Với diện tích hơn 13.000 km2 ở trung tâm vùng Tây Nguyên và có thổ nhưỡng đặc thù, việc quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ đất sẽ giúp Đắk Lắk đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cùng cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025.

Huyện Krông Búk, với diện tích tự nhiên hơn 35.700 ha, trong đó hơn 90% diện tích đất nông nghiệp, coi lợi thế hàng đầu của mình là phát triển các loại cây công nghiệp. Ông Nguyễn Hải Đông, Bí thư Huyện ủy Krông Búk, cho biết: "Địa phương đang thuê các chuyên gia tư vấn triển khai các bước để đảm bảo với yêu cầu chung của tỉnh, của Trung ương. Khi đạt được công tác này thì việc kêu gọi đầu tư cũng như về xây dựng hạ tầng, bán đất, cấp đất cho người dân sẽ đảm bảo. Nếu đạt được vấn đề này thì chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội và chỉ tiêu trên 8% hy vọng sẽ đạt".
Ea Súp là huyện có quỹ đất lớn nhất Đắk Lắk với tổng diện tích đất tự nhiên lên đến 176.000 ha. Tuy nhiên, đây lại là một trong những huyện nghèo nhất tỉnh, một phần lý do quan trọng là lãng phí tài nguyên đất khi có hàng chục nghìn ha kê đọng trong các dự án và bị người dân lấn chiếm. Để khắc phục vấn đề này, huyện đang tích cực thực hiện các biện pháp thu hồi đất bị lấn chiếm, tạo ra quỹ đất sạch, thu hút các doanh nghiệp có năng lực đầu tư.
Ông Đỗ Xuân Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy Ea Súp, khẳng định: "Có thể khẳng định là dư địa về đất đai để phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện Ea Súp là rất lớn. Do đó, huyện Ea Súp tha thiết mời gọi các nhà đầu tư đến với Ea Súp tiếp quản những diện tích mà chúng tôi dự kiến thu hồi này để quản lý, đầu tư sản xuất, phát triển nông lâm nghiệp theo quy hoạch và theo quy định của pháp luật".
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của nguồn lực đất đai trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết: "Tỉnh đang thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực này. Trong đó, công tác thu hồi đất bị lấn chiếm cần thực hiện quyết liệt, cùng với đó là rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất được triển khai đồng bộ, đảm bảo phù hợp với từng vùng và định hướng phát triển chung của tỉnh".
Yên Bái: Quyết tâm đạt mức tăng trưởng 8,2%
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 25/02/2025 về mục tiêu tăng trưởng trong 2025 đạt 8% trở lên, tỉnh Yên Bái đã đề ra các nhóm giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 8,2%.

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Yên Bái đã xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế, báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh để ban hành các nghị quyết chỉ đạo, điều hành. Trong đó, đề ra 02 kịch bản tăng trưởng: kịch bản tăng trưởng đạt 8,2% theo mục tiêu được Chính phủ giao và kịch bản tăng trưởng trong điều kiện thuận lợi, phấn đấu năm 2025 đạt 10,5%, cao hơn 2,3% so với mục tiêu Chính phủ giao.
Ông Trần Thanh Chương, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Yên Bái, cho biết: "Để hoàn thành mục tiêu năm 2025, kịch bản tăng trưởng của tỉnh Yên Bái đã được điều chỉnh phù hợp, trong đó các chỉ tiêu kinh tế - xã hội xác định phải đạt cao hơn so với mục tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh giao đầu từ năm. Cụ thể như: tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản đạt 6,9%; công nghiệp và xây dựng đạt 14,51%; dịch vụ đạt 9,64%... Đặc biệt thu ngân sách đạt trên 7.000 tỷ đồng, cao hơn 1.500 tỷ so với kế hoạch; tổng vốn đầu tư phát triển phấn đấu huy động khoảng 28.000 tỷ, cao hơn kế hoạch 6.000 tỷ đồng...".
Theo đánh giá của UBND tỉnh Yên Bái, 2 tháng qua, một số chỉ tiêu thực hiện đã đạt khá so với kịch bản và cao hơn so với cùng kỳ như: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; số lượt khách du lịch; giá trị xuất khẩu hàng hóa; thu ngân sách; tổng vốn đầu tư phát triển...
Đến nay, bên cạnh những nhà máy đang đẩy nhanh sản xuất, trên các cánh đồng đã được cải tạo sau lũ, lúa ngô đã xanh lại, báo hiệu một năm thuận lợi, nhiều kết quả khả quan.
Doanh nghiệp Yên Bái nỗ lực phục hồi sản xuất
Các doanh nghiệp tại Yên Bái đang nỗ lực phục hồi và phát triển sản xuất. Ông Hoàng Văn Quân, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và đầu tư Vikomito Việt Nam, cho biết: "Năm 2025, công ty chúng tôi đặt mục tiêu tiếp tục duy trì sự ổn định và phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%. Kết hợp với một số nhà máy để chạy tàu biển riêng, đi đường riêng. Tiếp đến là đầu tư thêm để khai thác nguồn nguyên liệu. Về đơn hàng gỗ tấm thì công ty chúng tôi có đơn hàng đến tận đầu năm 2026. Đa dạng mẫu mã, kiểu dáng khác nhau để đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường khó tính".
Với quyết tâm cao độ và những giải pháp đồng bộ, các địa phương vùng DTTS đang nỗ lực hết mình để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2025, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Viết bình luận