
Gia đình chị Tạ Thị Máy ở xóm Nà Coóc, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn đang tất bật làm nền, chuẩn bị vật liệu để dựng ngôi nhà mới từ số tiền 60 triệu đồng xóa nhà tạm, nhà dột nát chính quyền hỗ trợ. Ngôi nhà cũ nền đất và tường ghép tạm bợ bằng những tấm gỗ không đủ để ngăn cái lạnh mùa đông miền núi đá, nhưng thuộc diện hộ nghèo, không đủ đất canh tác nên vợ chồng chị cố gắng lắm cũng chỉ thu nhập đủ nuôi 2 con. Bởi vậy, căn nhà "3 cứng" ngăn được gió lùa, sương giá là niềm mơ ước của cả gia đình. Chị Máy cho biết: “Tôi sẽ làm căn nhà rộng 54m2, xây tường gạch đơn giản lên, rồi láng xi măng nền cho sạch sẽ để ở. Tôi rất vui, hạnh phúc vì được hỗ trợ làm nhà, trước đây kinh tế gia đình tôi khó khăn quá nên không làm được."

Ngoài phần đối ứng và góp thêm của gia đình, chính quyền xã Bộc Bố cũng huy động cán bộ, người dân trong thôn hỗ trợ thêm ngày công để san đất, chuyển vật liệu, hỗ trợ thêm chút đồ đạc trong nhà. Ông Chu Thanh Huấn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm cho biết: Đợt này, xã Bộc Bố có 60 hộ được hỗ trợ làm nhà mới. Vùng cao còn khó khăn nên trên tinh thần “ai có gì giúp nấy”, mọi người đều chung tay cùng chính quyền để các hộ khó khăn có được căn nhà kiên cố, khang trang.
“Xã phân công trực tiếp từng cán bộ phụ trách các nhà trong số 60 hộ đó, đồng thời sẽ huy động tất cả nguồn lực có thể, kể cả nhân công, nhân lực. Không có tiền thì giúp bằng ngày công, xã cũng huy động thêm nhân lực từ hội đoàn thể, dân quân xã, bà con nhân dân cùng giúp đỡ…”, ông Huấn nói.
Khó khăn nhất với Bắc Kạn hiện nay là nguồn kinh phí dự kiến lên đến 272,5 tỉ đồng để hỗ trợ gần 5.000 hộ. Bắc Kạn đã xác định được 141 tỉ đồng từ các nguồn như Chương trình MTQG giảm nghèo và Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS; Nguồn tiết kiệm chi thường xuyên 5% từ ngân sách tỉnh và các huyện, thành phố… Ngoài ra, địa phương này dự kiến có thêm gần 64 tỉ đồng từ chương trình hỗ trợ người có công với Cách mạng; Nguồn quỹ vì người nghèo, nguồn tiết kiệm chi thường xuyên của tỉnh và từ một số doanh nghiệp, địa phương khác hỗ trợ... Dù vậy, địa phương vẫn còn thiếu khoảng 70 tỉ đồng. Đây là một con số rất lớn với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn.

Bà Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Tỉnh giao các đơn vị, địa phương phân loại rõ từng nhóm hỗ trợ, nhóm có đối ứng của gia đình, hỗ trợ của anh em, họ hàng, cộng đồng, nhóm nữa không thể có đối ứng có thể dùng mẫu nhà lắp ghép. Đồng thời, về tiến độ, các đơn vị phải bám cơ sở, bám nắm từng hộ, đặt tiến độ theo từng tháng, từng quý rất rõ ràng thì mới chỉ đạo được. Về nguồn vốn còn thiếu, tỉnh đang xin Trung ương cho phép chuyển một phần từ quỹ cứu trợ sang hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát, đồng thời sử dụng nguồn tiết kiệm chi thường xuyên 5% từ tỉnh đến cơ sở và sẽ tiếp tục huy động sự ủng hộ của cộng đồng, sự hỗ trợ của Trung ương… để thực hiện."
Tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu trước mắt trong 2025 sẽ xóa 4.917 nhà tạm, nhà dột nát, trong đó có hơn 4.100 nhà được làm mới. Địa phương đã lên kế hoạch hoàn thành theo từng tháng với từng huyện, xã; giao nhiệm vụ cho từng cán bộ phụ trách ở cơ sở trong việc đôn đốc thực hiện và đang tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, tạo sự lan tỏa rộng khắp cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau./.
Viết bình luận