Giúp phụ nữ dân tộc thiểu số ngăn ngừa bạo lực gia đình
Thứ hai, 08:37, 19/12/2022 VOV Miền Trung VOV Miền Trung
VOV4.VOV.VN - Bạo lực giới và bạo lực gia đình chưa bao giờ là chuyện cũ đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sự cam chịu, nín lặng của chị em ở vùng cao đã khiến nạn bạo hành trong nhiều gia đình không dễ gì xóa bỏ.

Vốn là 1 cô gái xinh đẹp của thôn Chơnet, xã A Ting, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, K. được rất nhiều trai làng để mắt nhưng cuối cùng cô nên duyên với chàng trai làng bên. Về nhà chồng khi mới 17 tuổi, xinh đẹp, hiền lành những tưởng cuộc sống của K. sẽ ấm êm, hạnh phúc. Thế nhưng, K. gặp phải người chồng vũ phu. Chồng cô có thể “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ bất cứ lúc nào. Thấy K. nói chuyện với người lạ: đánh; nói gì không vừa ý chồng: đánh, đôi lúc cô không làm gì cũng bị đánh vô cớ… Nhiều lần, chồng quấn tóc dập đầu cô xuống đất bị trọng thương rồi dửng dưng bỏ mặc vợ đau đớn, con thơ gào khóc, bỏ đi ra khỏi nhà.

Đau đớn, tủi nhục, đã 2 lần cô tìm đến cái chết nhưng được dân làng đi tìm đưa về. K. tâm sự, có lần cô tìm về nhà bố mẹ đẻ để cầu cứu nhưng cha bảo, con gái đã lấy chồng là con người ta, vợ chồng có gì về nhà giải quyết:

K. ngậm ngùi kể, chồng em đánh em suốt mười mấy năm. Hàng xóm không biết vì em làm thinh, không kêu, không khóc, không nói. Cũng có lần em về nhà ngoại rồi nhưng ông ngoại nói, lỡ rồi về nhà chồng đi. Không còn nghĩ gì nữa, 2 lần em đi tự tử, cả làng đi tìm, họ kêu miết em mới về. Cách đây mấy năm em sinh con thứ 3, chồng đi họp ở Gươl mọi người nhắc nhở nên giờ cũng đỡ rồi.

Sự nhẫn nhịn, chịu đựng trong im lặng của K hay quan niệm con gái lấy chồng là con người ta xảy ra khá phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc Cơ Tu, tình trạng bạo lực gia đình nơi đây cứ đeo bám chị em. Cả xã A Ting, huyện Đông Giang có 4 thôn, hầu như thôn nào cũng có 1 vài trường hợp phụ nữ bị bạo hành. Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và nhắc nhở nên tình trạng này đã giảm.

Chị Đinh Thị Hồng Nghiệp, Chủ tịch Hội LHPN xã A Ting, huyện Đông Giang cho biết, trước đây, cả xã A Ting xảy ra rất nhiều trường hợp bị bạo lực gia đình, nhưng các chị rất ngại báo. Chủ yếu là nhờ các chị cán bộ Chi, Tổ hội nắm được, báo về xã và xã phối hợp với các ban, ngành đi tuyên truyền về công tác bạo lực gia đình tại thôn, thành lập CLB bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình. Nhờ đó, trước đây các thôn 1 năm xảy ra ít nhất 5 trường hợp bạo lực gia đình nhưng giờ giảm rõ rệt.

Những trường hợp phụ nữ bị bạo lực gia đình phần lớn rơi vào những gia đình đông con, kinh tế khó khăn, chồng thường xuyên uống rượu, say xỉn… Mặt khác, chính quan niệm của chị em khi đã lấy chồng là phải chăm lo, gánh vác công việc lớn bé trong nhà; thậm chí có người cho rằng, chồng có quyền đánh vợ mỗi khi ghen tuông, ra ngoài không xin phép, bỏ bê con cái, cãi lại chồng…

Trước vấn nạn bạo lực gia đình, những năm gần đây, Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Ban Dân tộc và miền núi tỉnh triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu, hướng tới “nói không với bạo lực gia đình”. Qua đó, nhiều nơi đã có những cách làm hay, tập trung xây dựng gia đình “Bình đẳng, tiến bộ, ấm no, hạnh phúc”; xây dựng hội, nhóm, câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình tại các thôn; tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng ứng xử khi bị bạo hành; thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục thông qua già làng, người có uy tín, hay qua tọa đàm, đối thoại…

Bà Lê Thị Xuân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: Hội Phụ nữ huyện tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ năng về phòng chống bạo lực gia đình. Các thôn, bản thành lập các câu lạc bộ, tổ, nhóm phòng chống bạo lực gia đình với sự tham gia của các già làng, người có uy tín, cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ kịp thời có mặt, hòa giải khi xảy ra bạo lực gia đình. Nhờ đó đã hạn chế được bạo lực gia đình.

Cùng với những cách làm linh hoạt, sát thực tế tại từng địa phương, việc triển khai Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025” tại các huyện miền núi cao Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My ở tỉnh Quảng Nam cũng đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Hội Liên hiệp Phụ tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung tuyên truyền về các Luật liên quan đến bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, Luật hôn nhân - gia đình…đến tất cả phụ nữ vùng sâu, vùng xa; tăng cường giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách này. Qua đó, giúp phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức, tiếp cận đẩy đủ cơ hội phát triển, góp phần xóa bỏ bạo lực gia đình, tiến tới xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, ấm no, hạnh phúc.

Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ tỉnh Quảng Nam cho biết, Hội Liên hiệp Phụ tỉnh tiếp tục xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền pháp luật từ tỉnh đến cơ sở với nhiều hình thức đa dạng/ tập trung xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực gia đình. Ngoài ra, chúng tôi thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ; cử cán bộ tham gia các CLB tư vấn pháp luật, các tổ hòa giải... để giải quyết các đơn thư liên quan đến bạo lực gia đình; đồng thời kịp thời kiến nghị các ngành chức năng xử lý, giải quyết./.         

VOV Miền Trung

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC