Qua những câu chuyện của các bạn trong môi trường sư phạm, những chuyến đi thực tế của sinh viên, cô gái trẻ dân tộc Tày Nông Thị Thắm ở xã Minh Tiến, huyện Lục Yên (Yên Bái) càng thêm hiểu sự vất vả, thiệt thòi của các cháu vùng cao.
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, cô quyết định thi tuyển lên vùng cao Trạm Tấu “gieo chữ” và được bố trí về Trường Bán trú Tiểu học và THCS Bản Mù, nay là Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Khấu Ly, xã Bản Mù và gắn bó từ đó đến nay.
Dù đã biết trước khó khăn, nhưng cô Thắm cũng không lường hết được sự vất vả thực tế của bà con và học sinh nơi đây, khi nhiều em đến lớp trong tình trạng “3 thiếu” (thiếu đồ dùng học tập, thiếu quần áo ấm, thiếu sự quan tâm của bố mẹ). Con đường đến lớp thì nhỏ hẹp, lắm dốc nhiều cua, vào mùa mưa lại càng thêm khó đi; 6 đến 8 cô cùng ở và sinh hoạt chung trong một phòng công vụ chật hẹp; dê, lợn ngang nhiên đi vào trường, vào lớp học; chưa kể nhiều em trong tình trạng sẵn sàng bỏ học.
Sau 12 năm gắn bó, điều cô cũng như các đồng nghiệp cảm thấy hạnh phúc nhất là ý thức, nhận thức của học sinh, phụ huynh đã thay đổi rất nhiều; cơ sở vật chất được Đảng, nhà nước và địa phương quan tâm xây dựng, nay cơ bản đáp ứng được điều kiện dạy và học.
Cô Thắm chia sẻ, ở nơi xa này vào dịp lễ tết không có những bó hoa tươi hay những món quà cao cấp, nhưng ở đây có một niềm an ủi lớn đó chính là học sinh luôn dành cho các thầy cô tình cảm chân thành nhất. Các em có những món quà rất giản đơn như những bông hoa rừng, vài quả sơn tra, hay những bó rau cải hái từ vườn nhà để tặng thầy cô. Sau nhiều năm gắn bó, điều hạnh phúc nhất của cô là sự tin tưởng của phụ huynh, học sinh, và khi các em ra trường đã biết định hướng tương lai.
Hơn 10 năm trước, cô gái người Thái Lường Thị Chài cũng có mặt tại xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu để “gieo chữ” cho các em thơ tại Trường Mầm non Hoạ My.
Ngày đầu đến đây co Lài thực sự cảm thấy sợ vì mọi cái đều khác xa sự tưởng tượng của một sinh viên vừa ra trường như cô. Ngoài việc đi lại khó khăn, cơ sở vật chất của trường lớp thiếu thốn, gia cảnh học sinh đa phần nghèo khó… thì việc bất đồng ngôn ngữ giữa giáo viên với học sinh và phụ huynh là trở ngại lớn nhất, nhiều lúc như không thể vượt qua. Nhưng chính những ánh mắt ngây thơ, những đôi dép không đồng màu, những búi tóc đôi lúc dính đầy hạt cây, hoa cỏ của các em thơ đến lớp và sự động viên của các đồng nghiệp, cô đã quyết tâm gắn bó và học ngôn ngữ dân tộc Mông để giao tiếp với học sinh.
Hiện tại, cô Lài đã nói, hiểu được khoảng 80% ngôn ngữ dân tộc Mông, và được phân công lên giảng dạy tại điểm Păng Dê, cách điểm chính khoảng gần 10km. Điểm này có 36 cháu học lớp ghép ở độ tuổi từ 3 đến 5 và 100% là dân tộc Mông. Để đến được điểm này, những hôm mưa lũ thì phải đi bộ 3km, do vậy cô thường ở luôn tại điểm trường.
Khi được hỏi về niềm vui riêng, cô Chài cười và cho biết: Mình ở trên bản lâu quá nên đến giờ phút này vẫn chưa có anh nào chịu lên bản cùng mình. Với cô, hạnh phúc nhất là mỗi ngày đều có mặt đông đủ 36 cháu khoẻ mạnh đến điểm trường.
Cô Chài chia sẻ, đối với tôi món quà lớn nhất trong những dịp lễ là sự có mặt đông đủ của học sinh tại lớp. Ước mơ lớn nhất của tôi là tất cả học sinh của mình đều biết giao tiếp bằng tiếng phổ thông và được đi học tiếp lên cao.
Với thầy giáo Đặng Quốc Hùng - người cũng đã có hơn 14 năm giảng dạy tại xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu: thầy cảm thấy hạnh phúc nhất là được chứng kiến sự đổi thay không ngừng, từ hệ thống trường lớp, đường, điện đến thay đổi nhận thức, ý thức của phụ huynh, học sinh trong suốt hơn 14 năm qua.
Thầy Đặng Quốc Hùng cho biết điều làm bản thân tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là đã góp phần gieo được con chữ ở vùng cao. Mặc dù không được bằng các bạn trường sư phạm khi ra trường được công tác ở vùng thuận lợi, tuy nhiên ở vùng khó khăn này có những động lực khác dành lại cho mình, đó chính là tình cảm của phụ huynh coi như người thân trong gia đình, học sinh coi như là cha mẹ, anh em ruột thịt… món quà đó là vô giá.
Hiện nay, huyện vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái có gần 770 thầy cô giáo, nhân viên làm việc trong ngành giáo dục tại 27 đơn vị trường, 398 nhóm, lớp học với 11.800 học sinh. Hầu hết các thầy, cô giáo xa quê, xa gia đình, làm việc trong môi trường khó khăn, thiếu thốn.
Song với sự nỗ lực khắc phục khó khăn của mỗi thầy, cô giáo, những năm gần đây, tỷ lệ học sinh chuyên cần luôn ở mức rất cao, bình quân khoảng 96%. Đây thực sự là món quà ý nghĩa đối với mỗi thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người ở nơi rẻo cao Tây Bắc./.
Một số hình ảnh về niềm hạnh phúc của người thầy vùng cao
Viết bình luận