Nhức nhối nạn tảo hôn tại huyện nghèo Đắk Glong
Thứ năm, 11:57, 15/12/2022 Nam Trang/ VOV Tây Nguyên Nam Trang/ VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN - Mặc dù các cấp chính quyền đã thực hiện nhiều giải pháp, nhưng vấn nạn tảo hôn vẫn diễn ra dai dẳng ở vùng dân tộc thiểu số tại huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Căn nhà của gia đình em Ma Thị Dũng, dân tộc Mông, sinh năm 2005, nằm sâu hun hút cuối thôn 4, xã Đăk Som, huyện Đắk Glong. Bên góc bếp nhỏ, mới 17 tuổi mà Dũng lưng địu con nhỏ chưa tròn 1 tháng, 1 tay bế con lớn hơn 1 tuổi, 1 tay đang chêm củi nấu cơm. Vì đang trong thời gian nghỉ cữ nên em không phải đi rẫy, ở nhà lo cơm nước cho gia đình. Sau khi bé thứ 2 đầy tháng, cả 3 mẹ con sẽ lên rẫy. Hai bé sẽ được để trong chòi, còn hai vợ chồng thì phải lo cuốc rẫy, hái cà.

Ma Thị Dũng kể Em từ Cao Bằng vào đây làm cho chị gái rồi gặp được chồng em, hai đứa thích nhau rồi gia đình cho cưới thôi. Cưới về thì có thai rồi đẻ thôi. Bây giờ thấy cũng vất vả, cuộc sống khó khăn, nhưng biết làm sao được.

Ra Chel, dân tộc Mạ, ở bon B’dơng, xã Đắk Som đã sớm làm mẹ khi lấy chồng từ thuở 15. Em bỏ học năm lớp 7 để đi làm thuê, rồi quen bạn trên mạng. Sau thời gian nói chuyện qua lại, hai đứa dắt nhau về ra mắt gia đình và khăng khăng đòi cưới. Dù đã làm vợ, làm mẹ, nhưng Ra chel vẫn là một đứa trẻ vô lo vô nghĩ, cuộc sống dựa hoàn toàn vào bố mẹ: Cuộc sống thì cơm gạo áo mẹ lo, bỉm sữa cho con cũng mẹ lo. Khi tụi con có thì tụi con mua, còn không có thì xin mẹ.  Con cũng học hỏi về kiến thức làm vợ làm mẹ qua mạng, nhưng chỉ biết sơ sơ thôi, còn lại cũng bà ngoại nuôi.

Ngày con đưa bạn trai về nhà nằng nặc đòi cưới, chị Ma Bảo, mẹ của RaChel buồn lắm, khuyên bỏ không được. Cấm cản quyết liệt thì sợ con nghĩ dại, chị đành đồng ý cho 2 đứa sống với nhau.

Chị Ma Bảo tâm sự, người mẹ như tôi là khóc cũng nhiều rồi. Cũng đau lòng, sao con tôi còn nhỏ mà tôi chấp nhận việc cho nó lập gia đình, cho nó kết hôn sớm thế này. Bây giờ tôi nuôi hai đứa chúng nó, rồi lại nuôi cháu, tôi khóc nhiều. Người làm mẹ như tôi cho con lấy chồng sớm rất là khổ.

Ở xã nghèo Đắk Som, tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra khá phổ biến dù chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn. Địa hình cách trở vùng sâu vùng xa, nhận thức của người dân còn hạn chế và thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản là những lý do khiến vấn nạn tảo hôn tồn tại dai dẳng.

Ông Trần Văn Đáp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đắk Som cho biết: Nguyên nhân chủ yếu do tình hình đại dịch COVID-19 kéo dài dẫn đến các em học sinh nghỉ học nhiều. Sự tiếp cận pháp luật chưa đầy đủ, do hủ tục, quan niệm của họ của người Mông nên họ chưa nhận thức được hệ quả tảo hôn. Do đó, tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã vẫn diễn ra phức tạp. Để tiếp cận từng hộ gia đình thì do địa bàn rộng quá nên chúng tôi cũng chưa được sâu sát lắm nên việc tuyên truyền chưa đảm bảo, chưa được tốt.

Đó cũng là những lý do khiến nạn tảo hôn còn diễn biến phức tạp tại huyện nghèo Đăk Glong. Hầu hết các trường hợp tảo hôn chính quyền chỉ biết khi chuyện đã rồi. Chỉ riêng 9 tháng của năm 2022, huyện ghi nhận 14 cặp tảo hôn. Đây là số liệu được lấy từ Phòng Tư pháp Đăk Glong sau khi người dân đến làm giấy khai sinh.

Huyện Đăk Glong  hiện có 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có nhiều dân tộc di cư từ phía Bắc vào, sống rải rác ở các vùng sâu, vùng xa nên rất khó để tiếp cận. Công tác truyền thông tuy được triển khai thường xuyên nhưng hiệu quả mang lại chưa như mong muốn. Để khắc phục tình trạng này, cần sự phối hợp các ban ngành đoàn thể đổi mới hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân:

Ông Đặng Văn Hướng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đắk Glong cho biết, để giám thiểu vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống Phòng Dân tộc huyện xây dựng các chương trình kế hoạch để cụ thể hóa Quyết định 498 của Chính phủ trong thực hiện tảo hôn hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục hôn nhân gia đình và đổi mới cách tuyên truyền cho phù hợp với các dân tộc. Thứ ba là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước thực hiện nghiêm pháp luật về hôn nhân gia đình và các biện pháp ngăn ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Đắk Glong.

Nạn tảo hôn vẫn luôn là “bài toán khó” của các huyện nghèo có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Đăk Glong, tỉnh Đắk Nông. Muốn giảm thiểu tiến đến xóa bỏ tình trạng này, không phải chuyện một sớm một chiều, cũng không thể chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mà còn phải tạo sinh kế, tạo việc làm, hỗ trợ sản xuất, giáo dục giới tính…, nhất là với trẻ vị thành niên. Điều này, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội với nhiều giải pháp đồng bộ./.

Nam Trang/ VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC