
Những năm gần đây, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong hàng ngàn hội viên trong tỉnh. Từ đó đã có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được ra đời, góp phần giải quyết việc làm và thay đổi diện mạo nông thôn Trà Vinh.
Điển hình như chị Kim Thị Sô Đây, một phụ nữ Khmer ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, đã sáng tạo ra loại mứt đặc biệt từ cơm dừa sáp và nhiều loại thức uống đông lạnh từ loại dừa đặc sản này. Hiện mỗi tháng, chị Sô Đây cung ứng 300kg mứt với giá 400.000 đồng/kg, thu về 15 triệu đồng lợi nhuận, cùng sản phẩm dừa sáp đông lạnh lãi thêm 4 triệu đồng. Nhờ Hội Phụ nữ hỗ trợ, tháng 7/2024, cả hai sản phẩm của chị được công nhận OCOP 3 sao, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.

Không dừng lại ở đó, chị Sô Đây còn thành lập Tổ hợp tác trồng dừa sáp, thu mua nguyên liệu từ chị em trong vùng, giúp bà con có đầu ra ổn định. Hiện chị đang thử nghiệm nước dừa sáp đường phèn hoa đậu biếc, hứa hẹn tiếp tục ghi dấu ấn trên hành trình khởi nghiệp.
Chị Kim Thị Sô Đây chia sẻ: “Tôi nhận thấy may mắn được sinh ra tại nơi rất dồi dào đặc sản dừa sáp, nhưng nếu chỉ bán những trái thô thì giá trị không cao nên tôi quyết tâm tạo ra sản phẩm để có giá trị gia tăng cao hơn, đó là mứt dừa sáp. Còn nước dừa tôi chế biến thành thạch dừa ướp lạnh và nhiều loại thức uống khác để cung ứng cho thị trường”.

Một tấm gương khác là chị Sơn Thị Đa Ni, cũng là phụ nữ Khmer, ở xã Bình Phú, huyện Càng Long. Với vốn kiến thức Thạc sĩ kỹ thuật hóa học, chị Đa Ni biến thân và lá nghệ – thứ thường bị bỏ đi sau thu hoạch thành nhang nghệ thơm dịu, không hóa chất độc hại. Ban đầu chỉ làm để dùng trong gia đình, nhưng nhận thấy tiềm năng, chị mạnh dạn mở rộng sản xuất. Năm 2023, nhang nghệ của chị đạt OCOP 3 sao, và từ đó đến nay mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng sau 3 năm khởi nghiệp. Ngoài ra mô hình còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương, góp phần cải thiện đời sống.

Chị Sơn Thị Đa Ni cho biết, với kiến thức có được, chị rất hiểu những tác hại của hóa chất nên muốn làm nhang nghệ từ lá nghệ nhà trồng. Ban đầu ít người mua, nhưng nhờ Hội Phụ nữ hướng dẫn quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, trên sàn thương mại điện tử, sản phẩm nhang nghệ tiếp cận khách hàng tốt hơn.
“Trước đây có người chị trong mang loại nghệ trắng từ Cầu Kè. Loại nghệ này cả củ và lá đều có hương thơm. Đặc biệt mang khói sinh ra từ loại nghệ này đi phân tích thì không xuất hiện loại chất gây hại như CO, SO2, NO2…Ngoài ra còn có chứa chất diệt khuẩn nên giúp loại bỏ vi khuẩn gây ngứa mũi. Rất nhiều người bị dị ứng khói của nhiều loại nhang trên thị trường nhưng với nhang nghệ thì không. Hiện rát nhiều tiệm Spa đặt mua nhang này.” - Chị Sơn Thị Đa Ni kể.

Sự mạnh dạn và sáng tạo của chị Sô Đây, chị Đa Ni không chỉ đến từ ý chí cá nhân, mà còn nhờ sự hỗ trợ thiết thực từ Hội LHPN và các ngành chức năng tỉnh Trà Vinh. Năm 2024, Hội huy động 94 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng để hỗ trợ vốn, đồng thời triển khai Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (939) với nhiều hoạt động tư vấn, đào tạo, kết nối thị trường. Nhờ đó, phụ nữ nông thôn được tiếp cận nguồn lực, xây dựng thương hiệu và tự tin bước vào con đường khởi nghiệp. Theo bà Nguyễn Thị Thu Nga, Giám đốc Dự án thúc đẩy tinh thần kinh doanh phụ nữ nông thôn Trà Vinh, Đề án sẽ tiếp tục hỗ trợ chị em kết nối thị trường, đặc biệt là kỹ năng ứng dụng công nghệ số.
Bà Nguyễn Thị Thu Nga cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện các hoạt động nâng cao, thay đổi nhận thức của chị em phụ nữ kinh doanh ở tuyến nông thôn. Trong bối cảnh kinh doanh mới hiện nay là xu hướng về công nghệ số, là nó đang giúp thay đổi các hoạt động kinh doanh, giúp sản phẩm của chị em tiếp cận thị trường với khách hàng mục tiêu được nhanh chóng và thuận lợi hơn. Các hoạt động của dự án là hướng đến việc giúp cho chị em phụ nữ tự tin và mạnh dạng hơn trong kinh doanh của họ”.

Từ dừa sáp, nghệ trắng đến những sản phẩm OCOP 3 sao, phụ nữ Trà Vinh, đặc biệt là phụ nữ dân tộc Khmer, đang viết nên câu chuyện khởi nghiệp đầy tự hào. Sự mạnh dạn, chịu khó và sáng tạo của họ, cùng bàn tay nâng đỡ của Hội LHPN và các ngành trong tỉnh, đã biến nông sản quê nhà thành nguồn lực kinh tế bền vững, giúp vùng nông thôn Trà Vinh ngày càng phát triển và giàu bản sắc./.
Viết bình luận