
Trên đường từ TP Hạ Long (Quảng Ninh) đi Hà Nội theo QL18, có một cánh rừng thông xanh mát, thân cao vút thẳng tắp. Rừng thông Yên Lập (phường Minh Thành, TX Quảng Yên) là nơi ngày 2/2/1965, tức ngày Mùng 1 Tết Ất Tỵ, Bác Hồ đã dừng chân nghỉ ngơi trong chuyến thăm nhân dân Quảng Ninh. Người đi một vòng quanh bìa rừng, lên tới đỉnh đồi, hỏi han quan tâm đời sống nhân dân, ngành lâm nghiệp của địa phương, các loại cây được trồng, tỷ lệ sống... Chỉ vào rừng thông, Bác khen khu rừng đẹp, rồi lại chỉ vào những khu đất còn trống, bảo không nên để lãng phí. Người căn dặn: "Không được phá rừng, phải trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc".

Rừng thông nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm nay đã là một khu rừng đặc dụng, thắng cảnh đẹp thu hút khách tham quan, đồng thời cũng là một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống. Từ rừng thông Yên Lập, phong trào trồng cây gây rừng đã lan tỏa mạnh mẽ khắp các địa phương, trong các tầng lớp nhân dân các dân tộc Quảng Ninh. Tiêu biểu như cánh rừng gần 32ha của gia đình anh Triệu Tiến Lộc ở xã Tân Dân, TP Hạ Long. Rừng có khoảng 200 cây lim với tuổi đời gần 60 năm, hàng nghìn cây dó bầu, sến, dẻ… do chính bố anh, ông Triệu Tài Cao trồng từ năm 1968 theo lời Bác Hồ phát động Tết trồng cây.

Noi gương "già Cao" trồng rừng cho con cháu mai sau, người dân khắp vùng không chỉ chăm lo, giữ rừng giữ đất mà còn không ngừng mở rộng trồng thêm các loại cây lâu năm. Bà Trịnh Thị Hoan, người dân xã Tân Dân chia sẻ: "Chúng tôi là người dân ở đây mong là luôn gìn giữ rừng để môi trường trong lành, mát mẻ. Chúng tôi cũng luôn truyền đạt lại cho các cháu, luôn bảo vệ rừng xanh, sạch, đẹp."
![]() |
Hàng năm, cùng với cả nước, tỉnh Quảng Ninh đều phát động Tết trồng cây mỗi đầu xuân với nhiều trọng tâm, trọng điểm. Với diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm khoảng 70% diện tích tự nhiên (gần 435 nghìn ha), Quảng Ninh đã có nhiều chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững, duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định 55%, đứng thứ 14 cả nước. Đặc biệt, Nghị quyết 19-NQ/TU năm 2019 là Nghị quyết chuyên đề về rừng đặt mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên, hướng tới tăng loài cây bản địa, cây gỗ lớn, đưa rừng trở thành một lĩnh vực kinh tế bền vững.
Xuân Ất Tỵ 2025, 60 năm sau lời dặn của Bác, nhân dân Quảng Ninh ngày một thêm quyết tâm "trồng cây, gây rừng". Sau cơn bão số 3 Yagi lịch sử tháng 9/2024, diện tích rừng tại Quảng Ninh bị suy giảm nặng nề với trên 128 nghìn ha bị gãy đổ, thiệt hại trên 5.000 tỷ đồng. Những ngày đầu xuân này, các cấp ngành và người trồng rừng càng thêm hối hả, khẩn trương để thực hiện mục tiêu tái thiết, khôi phục sản xuất, đưa tỷ lệ che phủ rừng trở lại trên 42%. Trong năm 2025, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu trồng rừng tập trung đạt gần 32 nghìn ha rừng phòng hộ và sản xuất, gấp 2,4 lần so với năm 2024.
Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh khẳng định: "Chúng tôi sẽ quyết tâm cùng với các địa phương để trồng lại rừng bằng những loại cây bản địa, cây gỗ lớn, cây có giá trị kinh tế cao, thời gian sinh trưởng dài để góp phần phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, theo đúng mục tiêu Nghị quyết đã đặt ra."

Viết bình luận