GẶP GỠ VÀ TRÒ CHUYỆN VỚI NGƯỜI SƯU TẦM VÀ DỊCH SONG NGỮ CHUYỆN CỔ TÍCH CƠ TU
Với tâm nguyện gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Cơ Tu, bà Lê Thị Mai Chanh, Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đã dành nhiều tâm huyết cho việc sưu tầm và dịch ra tiếng Kinh những câu chuyện cổ tích cổ. 8 câu chuyện cổ tích Cơ Tu mà bà vừa soạn thảo hầu như chưa được sưu tầm. Mới đây, những câu chuyện của bà đã được Hội đồng nghiệm thu thành công và được đánh giá về mặt giá trị. Kim Cương, PV Chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu, Đài TNVN đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện với bà Lê Thị Mai Chanh.
PV: Xin chào Cô Lê Thị Mai Chanh !
Được biết, 8 câu chuyện cổ tích được cô sưu tầm trong 3 năm từ 2009 – 2011, vừa được Hội đồng nghiệm thu thành công. Khi sưu tập và dịch ra tiếng Kinh 8 câu chuyện cổ tích này, cô nhằm mục đích gì ?
Bà Chanh: Ý của tôi khi sưu tầm các câu chuyện cổ tích này là để khi có điều kiện sau này thì in ra bảo lưu truyền lại cho con cháu. Trúng dịp người ta đi sưu tầm và xin lại mong muốn bảo lưu nên tôi đưa cho họ thôi. Họ trả tiền cộng tác viên cho tôi. Chứ chừ mình cũng không có điều kiện để in ra sách. In thành sách cũng tốn kém lắm chứ ! Hôm nghiệm thu có cả ông Tri Hùng ( Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam) đến và nói, đây là những câu chuyện có giá trị, huyện nên sưu tầm và bảo lưu lại.
PV: Đi sưu tầm và viết lại bằng tiếng Kinh rồi dịch ra tiếng Cơ Tu cô gặp nhiều khó khăn lắm không ?
Bà Chanh: Đi sưu tầm và viết lại chuyện cổ tích này khó lắm chứ ! Mất thời gian, khó viết nữa. Viết bằng tiếng Kinh thì dễ rồi. Khó nhất là khi mình dịch sang tiếng Cơ Tu, vì tiếng Cơ Tu ít, diễn giải khô khăn lắm. Chỉ có đoạn hát của câu chuyện là hay nhất thôi. Khi mình dịch và viết tay bằng tiếng Cơ Tu đã khó, đánh máy nữa thì càng khó hơn. Vì trong máy tính mình không có phần mềm cài đặt đánh bằng chữ Cơ Tu.
PV: Được biết, cách kể chuyện cổ tích của người Cơ Tu mình nhiều yếu tố khó và khác với cách kể chuyện cổ tích của người Kinh. Vậy, cái khó nhất trong cách kể chuyện cổ tích Cơ Tu như thế nào thưa cô ?
Bà Chanh: Đoạn hát của câu chuyện cô tích Cơ Tu là khó nhất. Tùy theo chất giọng của người kể mà câu chuyện kể đó hay hay dỡ. Ví dụ như câu chuyện cổ tích “Chàng Rắn”có đoạn hát khóc thường người yêu là hay nhất.
PV: Cô thử hát một đoạn câu chuyện cổ tích nào đó của mình sưu tầm cho thính giả cùng nghe ?
Bà Chanh: Ví dụ như trong câu chuyện cổ tích “A Zen - A Chơi”, đoạn 2 con chim sẻ và chim cu đi gọi A Zen - A Chơi đi mua trâu chuẩn bị cưới vợ ấy, nó gọi như thế này….(hát)…đoạn này hát rất là hay.
PV: Cô có để ý thấy, có nhiều câu chuyện nó gần gần giống nhau lắm ?
Bà Chanh: Thì nhiều câu chuyện nó chỉ giống nhau 1 đoạn. Như chuyện “chàng Rắn”. Đoạn đầu thì nó giống với các câu chuyện khác, còn đoạn dưới nó lại không giống nhau. Tính dị bản của mỗi vùng.
PV: Hiện 8 câu chuyện cổ tích Cơ Tu mà cô sưu tầm và dịch đã được nghiệm thu rồi, thời gian tới cô có tiếp tục đi sưu tầm và dịch nữa không ?
Bà Chanh: Thời gian này cô đang bận việc gia đình. Khi nào rãnh thì cô lại đi tìm sưu tầm tiếp.
PV: Vâng, xin cảm ơn cô về buổi trò chuyện hôm nay. Chúc cô và gia đình sức khỏe và ngày càng sưu tầm nhiều chuyện cổ tích hơn nữa để con cháu sau này được biết./.
Viết bình luận