Kỹ thuật nuôi cúi lúi (dúi)
Thứ ba, 10:04, 26/04/2022
Nuôi cúi lúi đang là một hướng đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân miền núi. Cúi lúi được xếp vào loại đặc sản nhờ thịt ngon, mát và giàu đạm. Tuy nhiên để mô hình này thành công, chúng ta cần phải nắm rõ kỹ thuật nuôi cúi lúi cũng như hiểu rõ được tập tính sinh trưởng của loài động vật này. Alăng Lợi, PV Chương trình PT tiếng Cơ Tu- Đài TNVN đang có mặt tại một trại nuôi cúi lúi với hơn 50 con của anh Alăng Ứi, thôn Ban Mai, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Để hiểu hơn về mô hình nuôi cúi lúi, sau đây, là cuộc trao đổi của PV Alăng Lợi với anh Alăng Ứi ở thôn Ban Mai, xã Ba, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam về kỹ thuật nuôi cúi lúi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

                                                                (Alăng Lợi)

Xin chào anh Alăng Ứi, được biết, anh là một trong số ít hộ thanh niên nuôi cúi lúi ở xã Ba này, vì sao anh lại chọn mô hình này để khởi nghiệp ạ?

Alăng Ứi:Thực ra, tôi đã thử làm nhiều mô hình rồi mà không thành công. Sau khi đọc nhiều bài báo trên mạng, tìm hiểu thực tế, tôi nhận thấy mô hình nuôi cúi lúi rất dễ nuôi và có khả năng phát triển được ở vùng núi này. Tôi đã quyết định phát triển mô hình này.

Mới đầu triển khai mô hình này, anh có gặp khó khăn và thuận lợi gì?

Alăng Ứi: Tuy con vật này khá dễ nuôi, nhưng mới đầu tôi cũng gặp không ít khó khăn. Thật ra, những kinh nghiệm mà tôi đọc và tìm hiểu trên mạng chưa đủ để tôi nuôi cúi lúi thành công. Từ thực tế, tôi vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm nuôi cúi lúi và đến bây giờ đã có thể tự tin chia sẻ kinh nghiệm.

Như vậy, khi nuôi cúi lúi, chúng ta chú ý đến điều gì đầu tiên?

Alăng Ứi: Đầu tiên là  xây chuồng, rồi đến chọn giống sau đó rồi mới đến khâu chăm sóc.

Anh có thể nói rõ hơn về cách xây chuồng cho cúi lúi thế nào là an toàn?

Alăng Ứi: Xây chuồng đơn giản thôi. Có thể dùng thùng phuy, đúc ống bi để nuôi. Ai có điều kiện thì xây bằng gạch cho vững chắc. Việc xây chuồng bằng gạch, mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm. Tuy nhiên, khi xây chuồng cho cúi lúi cần chú ý một điều là: Nếu mình xây chuồng nền lát bằng gạch thì nên kê lên cao từ mặt đất đến nền chuồng khoảng 10-20cm. Làm như vậy để tránh bị ẩm mốc tránh được dịch bệnh lây lan phát sinh và mình cũng dễ vệ sinh chuồng trại.

Vệ sinh chuồng trại cho con vật này thì sao thưa anh?

Alăng Ứi: Con vật này không bị hôi như nhiều con vật khác nên chỉ cần 2-3 ngày vệ sinh chuồng 1 lần và luôn để chuồng thoáng và khô ráo.

Con cúi lúi là con vật nuôi được nhiều nông dân thuần dưỡng từ động vật hoang dã, vậy tìm nguồn thức ăn để nuôi con vật này có khó không ạ? 

Alăng Ứi: “Cúi lúi là con vật nuôi được thuần dưỡng từ động vật hoang dã nên nguồn thức ăn rất dễ kiếm, có sẵn trong tự nhiên như các loại cỏ, các loại củ, quả như khoai, sắn, rễ tre, nứa, mía… Mỗi ngày cho ăn 1- 2 lần, thậm chí 1 đến 2 ngày cho ăn 1 lần cũng không sao. Tuy nhiên nguồn thức ăn cần được làm sạch sẽ để tránh dịch bệnh, đặc biệt là bệnh tụ huyết trùng.”

Như tôi được biết, thường thì con vật nuôi hoang dã có sức đề kháng rất cao. Vậy con cúi lúi thì sao, có hay bị dịch bệnh không?

Alăng Ứi: Lúc tôi mới bắt đầu nuôi vì chưa có kinh nghiệm nên con cúi lúi bị chết nhiều vì dịch bệnh đấy. Nó bị bệnh mà tôi không biết nên bị chết gần hết luôn.

Làm thế nào để nhận biết cúi lúi bị bệnh?

Alăng Ứi: Thật ra cũng dễ nhận biết thôi. Thứ nhất là mình phải để ý đến phần của con vật. Bình thường phân của cúi lúi khô, bột. Khi nhìn thấy phân của nó hơi nhão hoặc thậm chí đi chảy có nghĩa là con vật đó đang bị bệnh đường ruột. Thứ hai, quan sát mũi của con vật bị chảy nước có nghĩa con vật đó đang bị viêm phổi. Cho nên chúng ta thường xuyên thăm nuôi, quan sát để phát hiện dịch bệnh, chữa trị kịp thời.

Khi gặp những trường hợp bị mắc bệnh đường ruột hay bị phổi, chúng ta nên xử lý thế nào?

Alăng Ứi: Thì xử lý cho uống thuốc thôi. Nếu bị phổi thì mua thuốc cảm cúm dành cho em bé với liều lượng cũng như vậy. Còn nếu bị đường ruột có 2 nguyên nhân: Thứ nhất là do cho ăn quá nhiều mía, thứ hai là do nguồn thức ăn bị dơ bẩn. Ví dụ như bẻ măng, hay chặt mía vào mùa mưa thì nên rửa sạch rồi để ráo mới cho cúi lúi ăn, nếu không đây là nguyên nhân dễ bị tụ huyết trùng, viêm đường ruột gây nên cho con vật.

Nếu con vật bị bệnh đường ruột, sau khi cho uống thuốc 1-2 ngày, không cho con vật ăn, hoặc nếu cho thì cho những thức ăn mềm, dễ tiêu như củ, quả, đặc biệt không cho ăn mía, ăn măng, rễ cây…

Vậy cúi lúi thường có trọng lượng bao nhiêu, nuôi bao lâu thì có thế xuất bán thưa anh Alăng Ứi?

Alăng Ứi: Cúi lúi khoảng được 8 tháng là trưởng thành, nhưng khoảng 4-5 tháng có thể xuất chuồng. Đây là thời điểm thịt ngon nhất.Với giá bán thị trường hiện nay giao động từ  350-500 nghìn/kg.

Cơ sở của anh không chỉ cung cấp cúi lúi thịt còn cung cấp cúi lúi giống, anh có thể chia sẻ thêm cách chăm sóc và phát triển con giống cúi lúi như thế nào ạ?

Alăng Ứi: Khi con cúi lúi trưởng thành tức là đến kỳ sinh sản. Lúc đó sẽ thả cúi lúi đực vào giao phối chừng 20-25 ngày, lúc kiểm tra cúi lúi mẹ có bầu thì tách ra để tránh trường hợp cúi lúi đực đè hoặc cắn con. Cúi lúi con ở với mẹ 45 ngày tự ăn khỏe cần tách ra, chăm cúi lúi mẹ khỏe mạnh để chuẩn bị đến kỳ giao phối tiếp. 1 năm cúi lúi có thể đẻ được 3 đến 4 lứa, mỗi lứa từ 1- 4 con. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho cúi lúi mẹ, chúng ta chỉ cho cúi lúi đẻ  2 lứa một năm. Ngoài ra, người nuôi cần đánh số chuồng dúi, ghi chép thời gian giao phối để theo dõi, tách cúi lúi đực và cúi lúi con riêng để tránh trường hợp giao phối cận huyết...  

Vâng, cảm ơn anh Alăng Ứi về những chia sẻ kinh nghiệm nuôi cúi lúi của mình. Hy vọng bà con và các bạn sẽ có những kiến thức bổ ích từ mô hình này. Chúc anh Alăng Ứi và bà con luôn khỏe mạnh và thành công!

 

 

Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC