Xin chào chị Ríah Pon! Cảm ơn chị đã dành thời gian trò chuyện với Chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu, Đài TNVN hôm nay.
Thưa chị Ríah Pon! Là một trong số ít người đi đầu trong phát triển mô hình nuôi heo cỏ địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chị có thể cho biết tại sao chị lại chọn mô hình nuôi heo cỏ này để phát triển kinh tế; và nuôi loại heo cỏ này theo chị có khó không ạ?
Ríah Pon:
Theo bản thân tôi, tôi thấy nuôi heo này không khó, chỉ cần chú ý và làm siêng chịu khó thì sẽ được. Trước đây gia đình tôi đã từng nuôi heo cỏ, nhưng thả rông là chủ yếu. Nhưng năm 2007, tôi nuôi heo từ dưới xuôi lên hiệu quả cũng được nhưng thịt không được ngon bằng heo đen của mình. Đến năm 2013, khi bắt tay vào mô hình chăn nuôi heo cỏ theo chuồng trại, tôi tìm hiểu một vài thông tin về loài heo này. Tôi thấy, đây là một trong những giống heo có sức đề kháng tốt, không kén thức ăn, dễ nuôi, dễ thích nghi với mọi điều kiện sống. Chỉ cần mình chăm chỉ, chịu khó là làm được hết.
Theo như chị vừa chia sẻ, loại heo này dễ nuôi, dễ thích nghi với điều kiện sống. Nguồn thức ăn và cách chăm sóc chắc cũng không khó lắm phải không ạ?
Ríah Pon: Về thức ăn, nếu như nuôi heo giống dưới xuôi thì lấy hèm rượu làm thức ăn là chủ yếu. Nhưng nếu muốn heo cỏ khỏe mạnh và thịt ngon thì nên cho heo cỏ ăn thức ăn sống như sắn, rau lang, đu đủ…, hèm rượu trộn với cám, không cần nấu chín. Đặc biệt không dùng các chất kích thích. Đặc biệt là loại heo hay chạy nhảy nên làm chuồng trại phải rộng rãi, thoáng mát.
Bà con Cơ Tu mình xưa nay chủ yếu nuôi heo thả rông, nhỏ lẻ. Như vậy, khi mình nuôi chuồng trại với số lượng lớn thì làm thế nào để chăm sóc tốt, phòng tránh được dịch bệnh, đàn heo phát triển đều, thưa chị?
Riah Pon: Nuôi chuồng trại lại rất tiện cho việc theo dõi đàn heo trong việc phòng chống dịch bệnh. Hàng ngày buổi sáng cho ăn nếu phát hiện ra con nào có biểu hiện bỏ ăn, chán ăn là cách li ngay. Nếu là bệnh đơn giàn thì tự mua thuốc về chữa trị. Còn nếu trường hợp gặp dịch như tụ huyết trùng, tai xanh, cúm … thì nhờ đến thú y.
Theo chị, nuôi loại heo cỏ này, khâu nào nào là quan trọng và cần lưu ý nhất ở điểm gì?
Ríah Pon: Đầu tiên và vệ sinh chuồng trại. Nếu chuồng trại vệ sinh không sạch sẽ dễ gây ra dịch bệnh. Thứ hai nữa là thức ăn. Nếu thức ăn không đảm bảo chất dinh dưỡng đàn heo cũng không phát triển được. Và bà con cũng cần lưu ý đến nguồn nước. Nguồn nước cho heo cũng cần chọn nguồn nước sạch sẽ, mình dùng cho mình thế nào thì cho heo như vậy. Nếu cho heo uống nước đục chắc chắn không tránh được các bệnh tật khác.
So với chăm sóc heo thịt, heo nái đặc biệt là heo đang mang thai thì nuôi loại heo cỏ này có gì khác nhau không thưa chị?
Ríah Pon: Có chứ. Riêng với con heo nái và đặc biệt trong thời gian mang thai thì phải nấu chín thức ăn riêng cho heo nái. Nấu chín cả ba bữa. Thức ăn phải đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng để nuôi con trong bụng. Khi đẻ cũng cần để ý và theo dõi rất kỹ. Đỡ đẻ cho heo cần chuẩn bị: dao, bao tay, kéo, chỉ, thuốc sát trùng (thuốc tím). Sau đó lau chùi sạch sẽ chỗ heo đẻ, và bật điện thường xuyên trong mấy ngày để giữ ấm cho heo mẹ và heo con mới đẻ. Sau đó, tiến hành cưa răng heo con để khỏi cắn vú mẹ trong lúc bú.
Xem ra việc chăm sóc và nuôi heo theo tôi cũng không phải là dễ. Nhưng nếu cần cù, chăm chỉ và lưu ý vào việc chăm sóc thì chắc chắn sẽ thành công đúng không ạ. Vâng thưa chị, hiện nay, việc chăn nuôi hay làm bất cứ việc gì cũng chú trọng đến vấn đề môi trường. Chị nuôi heo cỏ với số lượng lớn như vậy liệu có cách gì để xử lý nước thải từ chuồng trại, đảm bảo môi trường xung quanh?
Ríah Pon: Sắp tới, gia đình tôi sẽ phối hợp với Hội nông dân xây dựng hầm bình Biogas vừa có lửa phục vụ nấu nướng cho gia đình vừa đảm bảo môi trường sống xung quanh./.
Vâng xin cảm ơn chị với cuộc trò chuyện hôm nay. Tôi hy vọng rằng, những thôn tin mà chị Riah Pon vừa chia sẻ sẽ giúp bà con những ai đang triển khai mô hình nuôi heo cỏ này. Chúc bà con và các bạn thành công./.
Viết bình luận