KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC ĐẲNG SÂM
Thứ năm, 08:36, 25/02/2021
Đẳng sâm là cây bản địa, phân bố nhiều tại vùng vúi cao của tỉnh Quảng Nam, nơi có khí hậu mát, lạnh quanh năm. Theo tài liệu dược liệu cổ truyền, đẳng sâm là loài dược liệu quý, có tác dụng bồi bổ cơ thể, chữa bệnh, giúp phục hồi sinh lực, giải tỏa stress, chống lão hóa, tăng cường miễn dịch. Trên thị trường hiện nay, nhu cầu sử dụng đẳng sâm rất lớn. Vì thế, Đẳng sâm trở thành cây xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào miền núi Quảng Nam. CM “Bàn cách làm ăn” hôm nay, mời bà con và các bạn ​nghe cuộc trao đổi của PV Đài TNVN với ông Alăng Lơ, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Ch'Ơmvề kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Đẳng sâm cho năng suất cao.

 

Alăng Lợi

PV. Xin chào ông Alăng Lơ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ch’ơm. Ông là một trong những người tiên phong trong việc nghiên cứu và phát triển cây đẳng sâm bản địa.

Thưa ông, hiện nay có rất nhiều hộ đồng bào Cơ Tu khởi nghiệp từ cây dược liệu, đặc biệt là Đẳng sâm này. Theo ông, việc khởi nghiệp từ cây dược liệu này cần những điều kiện gì ?

Vâng! Nếu muốn trồng đẳng sâm chất lượng, củ to, giàu chất dinh dưỡng đầu tiên phải chọn đất, chọn vị trí làm vườn,sau đó đến khâu chọn giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc. Nói chung trồng loại cây này cần phải có lòng kiên nhẫn, tỉ mỉ.

PV: Ông có thể nói rõ hơn việcchọn địa điểm và đất trồngđẳng sâm như thế nào?

Đẳng sâm thích nghi ở những vùng có khí hậu mát mẻ quanh năm như ở khu 7 ( vùng cao của huyện Tây Giang). Đất trồng là đất đồi núi độ cao 900m – 2200m, tầng đất dày, giàu mùn, thoát nước tốt, thoáng khí, có ánh nắng mặt trời. Khu đất trồng không có nguy cơ gây ô nhiễm. Đặc biệt, loại sâm này không trồng được khu vực đất trũng dễ bị thối củ.

Ông vừa chia sẻ, Đẳng sâm là cây ưa thoáng và ánh nắng mặt trời. Vậy, loại cây này có thể trồng xen canh với các loại cây trồng khác, hoặc trông dưới tán rừng không, thưa ông?

Riêng loại sâm này đặc biệt không ưa với bóng râm, dưới tán rừng. Loại sâm này bắt buộc phải là rẫy sạch, đất tươi xốp, thoáng. Thậm chí trong rẫy sâm mà có cỏ dại hay các loại cây khác mọc xen vào thì sâm sẽ không bao giờ phát triển được. Nếu có thì chỉ có thân dây và lá thôi chứ không có củ.

Vậy khâu chọn và làm đất để trồng Đảng sâm có gì đặc biết không?

Sau khi chọn được vị trí thích hợp như tôi vừa chia sẻ, chúng ta bắt đầu tiền hành làm đất. Theo kinh nghiệm của bà con Cơ Tu ở Ch’Ơm, huyện Tây Giang, đất chuẩn bị trồng đẳng sâm phải được phát dọn sạch sẽ, không khuyến khích dùng máy cắt cỏ bởi vì máy cắt cỏ chỉ cắt phần ngọn. Nên chúng ta cần phải nhổ, dọn và đốt sạch tất cả cỏ và thực bì. Và nhiều người hướng dẫn lên luống. Thực ra, chúng tôi đã thử làm cách này nhưng không mang lại hiệu quả. Chúng ta trồng theo cách truyền thống vì có lý do:

Loại sâm này nếu như xới đất lên luống và cắm chái sâm dễ bị thối củ. Hoặc nếu lên cây thì sâm sẽ không đẻ nhánh con được mà chỉ phát triển mỗi cây mẹ rồi thôi.

Thứ hai, bởi Đẳng sâm thuộc thân dây như khoai lang, nên phải trồng để nằm và cho dây bò trên mặt đất thì việc phát triển cây và củ tốt hơn rất nhiều.

PV: Khi chọn giống cần chú ý điều gì?

 Khi chọn sâm giống chúng ta cũng chọn từ củ mẹ chất lượng. Chọn các củ con mới bằng đũa, dài, màu trắng. Củ mà có màu đỏ đỏ cũng là loại đẳng sâm nhưng được gia nhập từ Lào, chất lượng không tốt bằng sâm mình màu trắng giàu dinh dưỡng.

Thời vụ trồng loại cây sâm này vào thời điểm nào tốt nhất, thưa ông?

Sâm này trồng thích hợp vào mùa mưa, khi thời tiết mát mẻ, đảm bảo đất đã đủ ẩm, thông thường từ tháng 4 đến tháng 5 dương lịch; có một số vùng mua mưa sớm hơn vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 thì vẫn có thể trồng được. Nếu trồng vào mùa mưa liên miên sâm sẽ bị úng. Còn chế độ tưới tiêu phần lớn ở vùng núi Quảng Nam mình đều nhờ vào thời tiết là chủ yếu. Mật độ trồng 4 cây/1 mét vuông.

Vậy cách chăm sóc loại cây trồng này có khó không ạ?

Cách chăm sóc Đẳng sâm phải thật sự kiên trì. Trong quá trình trồng tuyệt đối không để cỏ dại mọc chen, phải thường xuyên đi thăm nom, nhổ tất cả các cây cỏ. Thường một năm phải ít nhất 3 đợt làm cỏ cho vườn sâm. Sau khi dãy cỏ chúng ta không nên đốt mà để nguyên như vậy và vun dồn lại chỗ gốc sâm để cỏ tự phân hủy.

Từ khi trồng đến khi thu hoạch mất bao lâu và theo ông  thì thời điểm nào thu hoạch tốt nhất?

Thời gian có thể thu hoạch đẳng sâm là từ 7 tháng đến 2 năm từ khi trồng. Nếu bà con để qua 3 năm, củ sâm sẽ bị thối hoặc bị xốp, hàm lượng dinh dưỡng sẽ giảm đi rất nhiều.

Thời điểm thu hoạch tốt nhất là vào mùa thu, khoảng tháng 8 năm nay đến tháng 1 năm sau (dương lịch). Lý do, là khoảng thời gian này cây sâm trụi lá, tập trung nuôi củ. Vì thế hàm lượng dinh dương trong củ sâm rất cao, nặng ký.

PV: Cách bảo quản và chế biến đẳng sâm sau thu hoạch như thế nào?

 Với công dụng của đẳng sâm theo như các nhà khoa học thì việc bảo quản và chế biến cũng là điều chúng ta cần lưu ý.

Củ sâm sau khi thu hoạch về, chúng ta có thể rửa sạch và sử dụng tươi vẫn tốt hơn rất nhiều. Củ sâm có thể ngâm rượu, nấu cao, nấu canh, ngâm mật ong... đặc biệt lá đẳng sâm mà nấu canh, nấu cháo rất ngon và mát.

PV: Vâng, cảm ơn ông Alăng Lơ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ch’Ơm đã chia sẻ kinh nghiệm về cách trồng và chăm sóc đẳng sâm của mình. Chúng tôi hy vọng, sau những chia sẻ của ông Lơ sẽ giúp một phần nào đó cho các hộ nông dân có ý tưởng phát triển mô hình loại dược liệu này. Chúc ông Lơ và toàn thể bà con một năm mới thành công./.

Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC