HỒN SÁO Y SAN
Nhạc nền (bản nhạc bằng sáo vỗ, do Y San thể hiện) Giai điệu mà chúng ta đang nghe là âm thanh của cây sáo vỗ do Y San Alêô, chàng trai Ê đê của núi rừng Đắc Lắc thể hiện.Âm nhạc đến với Y San rất tự nhiên, bởi lẽ tuổi thơ của anh đã thấm đẫm âm thanh của những nhạc cụ dân tộc làm từ quả bầu, ống tre nứa cùng với không khí lễ hội rộn ràng. Buôn Niêng, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc, là nơi Y San Alêô chào đời. Mỗi độ xuân về, người nghệ sỹ tài hoa lại nhớ những cái tết tuổi thơ ở buôn làng với đầy ắp không gian của cồng chiêng, của lễ hội. Đó hẳn là bầu sữa ngọt ngào đã nuôi dưỡng nên một hồn sáo Y San. Anh kể:
“Với đồng bào Ê Đê mình ở buôn làng những ngày tết cổ truyền xưa thì không khí lễ hội, sinh hoạt văn hóa văn nghệ rất là vui nhộn. Thứ nhất là đồng bào vừa thu hoạch xong nên có nhiều lễ hội, như sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, chúc mừng sức khỏe, chúc mừng thành quả lao động trong một năm rồi cầu chúc cho mùa màng bội thu. Từ những sinh hoạt ấy, mình rất mê những nhạc cụ bộ hơi, từ đó mình tập luyện các nghệ nhân và tiếng sáo của mình được khán thính giả rất yêu mến.”
Năm 1976, Y San được tuyển vào làm diễn viên múa Đoàn văn công nhân dân Đắc Lắc, nay là Đoàn ca múa dân tộc Đắc Lắc. Anh vừa biểu diễn vừa tham gia học các lớp nhạc cụ dân tộc. Đến năm 2001, Y San chính thức đi học lớp biên đạo múa ở trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Quân đội và tốt nghiệp với tấm bằng giỏi. Nhưng tên tuổi Y San được công chúng yêu mến lại không phải diễn viên, biên đạo mà là cây sáo vỗ. Đây là một nhạc cụ dân gian được nghệ sỹ ưu tú Vũ Lân cải tiến. Nó được kết hợp từ nguyên lý phát âm và thủ pháp diễn tấu của hai nhạc cụ là đinh puốt và ky pá. Khác với cây sáo trúc, sáo vỗ không có lỗ bấm để tạo ra các nốt nhạc. Sáo vỗ chỉ là một ống nứa thẳng, dài chừng 35 cm, đầu thổi của sáo vỗ có lưỡi gà, cách sử dụng là đánh môi ở đầu thổi, cuối ống sáo thì dùng bàn tay vỗ, vuốt, bịt, chặn, để tạo ra âm thanh là những nốt nhạc làm say đắm lòng người. Và sáo vỗ đến với Y San như được nâng lên ở tầm cao mới, có hồn vía và điêu luyện.
Nghệ sỹ ưu tú Vũ Lân, nguyên Phó chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Đắc Lắc nhận xét:
“Nghệ sỹ Y San, bằng tâm hồn dân tộc của mình đã đón nhận cây sáo vỗ này là một nhạc cụ tuy là sáng tạo mới nhưng lại khai thác được từ chính những nhạc cụ dân gian cổ truyền của người Ê đê. Chính bằng cái cảm xúc, bằng cái tâm hồn dân tộc của mình thì Y San trong quá trình diễn tấu cây sáo vỗ này với nhiều bản nhạc khác nhau đã thổi được cái âm hưởng của âm nhạc dân gian Tây Nguyên nói chung vào cây sáo này và càng làm khẳng định cái tính năng của sáo như khả năng biểu cảm của nhạc cụ rất độc đáo này.”
(Nhạc nền sáo vỗ)Âm thanh cây sáo vỗ xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu liên hoan cồng chiêng và đua voi Tây Nguyên năm 1995, từ đó đến nay độc tấu sáo vỗ đã vang lên trên các sàn diễn trong và ngoài nước. Cách diễn tấu của sáo vỗ có nét giống với cây đinh puốt và những động tác vỗ thì giống cây ki pá. Khi sáo vỗ cất lên, dù là ở bên núi, dưới mái nhà dài, hay trên sân khấu hiện đại, người nghe đều cảm thấy bồi hồi, xao xuyến. Và điều thú vị là cây sáo vỗ lan tỏa rất nhanh, phong cách biểu diễn của Y San đã thu hút sự lắng nghe và lòng ngưỡng mộ của lớp trẻ, nhiều bạn trẻ đã học thổi sáo vỗ.
Nguyễn Hoàng, ở xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc bày tỏ:
“Cháu rất thích cây sáo vỗ này mỗi khi thổi thì nó vang lên tiếng như tiếng chim. Cháu rất hay thổi cho bạn bè nghe”.
Ông Y Bun Kbuar, một công chúng yêu mến sáo vỗ ở buôn Krông B, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc nói:
“Tôi rất vui mừng khi mà đông đảo bà con ở buôn làng lắng nghe giai điệu âm thanh của cây sáo vỗ. Chúng tôi sẽ tổ chức cho thanh thiếu niên biết gõ, đánh, thổi các loại nhạc cụ truyền thống”.
Trong những năm gần đây, nghệ sỹ Y Sanh và cây sáo vỗ cùng với Đoàn ca múa dân tộc Đắc Lắc đã vượt qua dãy Chư Yang Sin đến các nước trong khu vực và cả Âu, Mỹ để tham dự các cuộc giao lưu văn hóa, các liên hoan văn nghệ dân gian, nhạc cụ dân gian thế giới và đã đem về cho nghệ sỹ diễn tấu và đoàn nhiều huy chương quý giá. Nhưng điều mà nghệ sỹ ưu tú Y San trăn trở lại là lo sợ sự đánh mất các giá trị văn hoá ở ngay tại chính những buôn làng, nếu như mọi người không bắt tay ngay vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị này.
Nghệ sỹ ưu tú Y San tâm sự:
“Để cho nhạc cụ dân tộc tồn tại mãi mãi, phát triển nó lên, và phù hợp với bây giờ, tôi nghĩ rằng đây là trách nhiệm lớn của các cấp ngành, cần phải gắn bó với nhau, làm sao tiếng chiêng, tiếng sáo, tiếng Đinh puốt, Đinh năm, T’rưng, Đinh puốt pah…muốn cho mọi người biết đến thì chúng ta cần nuôi nấng lên, phải bảo tồn và truyền đạt lại cho các em. Nếu chúng ta không làm tốt thì dứt khoát nó sẽ mai một”.
(Nhạc nền) Âm thanh cây sáo vỗ của Y San là sự cất cánh từ suối nguồn của nền văn hóa dân gian bản địa. Sáo vỗ cùng với rất nhiều nhạc cụ dân tộc khác với sự thể hiện khéo léo, điêu luyện của những nghệ sỹ tài hoa như Y San đang tự tin bước vào sự hòa nhập và mở rộng giao lưu với các nền văn hóa khác trong khu vực cũng như trên toàn thế giới./.
(Nhạc nổi)#(Băng quảng bá không nền nhạc- Nam nữ xen kẽ)“Đây là Chương trình Phát thanh tiếng Cơ Tu của Đài TNVN- Tại sao bạn không gọi điện để yêu cầu một bài hát bạn thích hay góp ý, nhận xét cho chương trình của chúng tôi? Xin mời hãy gọi đến số máy 0511.38.38.567 trong giờ làm việc. Chúng tôi luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của các bạn!”
Viết bình luận