Thưa già Bhờ Ríu Pố. Già trồng sâm Ba Kích từ khi nào ạ ?
NV: Tôi trồng sâm Ba Kích này từ năm 2006, đến nay cũng khá lâu rồi. Trước khi Tiến sĩ Ngô Trại, cán bộ thuộc Viện dược liệu Trung ương đến đây nghiên cứu thì bà con ở đây cũng không ai biết về cây sâm này cả. Tiến sĩ Ngô Trại rủ tôi cùng đi vào rừng để tìm cây sâm Ba Kích này. Đi 3 ngày mới tìm thấy và ông nói về giá cả của cây sâm. Cây sâm này mộc trên rừng nhiều lắm, nhưng bà con đâu có biết giá trị của nó đâu mà trồng. Về sau bà con chỉ biết mang gùi lên rừng đi đào rồi bán cho các quán thôi.
- Vợ chồng tôi cũng thế, cứ tìm đào sâm Ba Kích này rồi bán nhưng về lâu dài cũng sẽ hết thôi. Tôi hiểu cái cây này nó quý lắm, lại có giá trị kinh tế cao nữa, thế nên vợ chồng tôi trồng thử xem thế nào. Sau 3 tháng trồng thử thì thấy có nhiều cây sống được, nẩy mầm ở các đốt thân cây. Càng về sau thì càng phát triển tốt hơn. Sau 3 năm, tôi mới đào thử xem thấy cũng có củ, có rể. Sau đó gia đình tôi triển khai trồng với diện tích lớn hơn. Hiện gia đình trồng được cũng gần 6-7 ngàn gốc. Tôi trồng ở nhiều dạng, trồng bằng thân, bằng rể, bằng quả nữa. Cả 4 cách trồng đều được cả.
PV: Ban đầu, già Pố trồng sâm Ba Kích là để dùng trong gia đình hay xác định làm mô hình phát triển kinh tế ?
NV: Ngay từ đầu, gia đình tôi trồng Ba Kích là muốn làm kinh tế để xóa đói nghèo. Thứ 2, đây là một loại cây quý cần giữ gìn và phát triển. Sau khi gia đình tôi trồng thành công thì huyện cũng đã nhân giống để tạo điều kiện cho bà con trồng và phát triển mô hình này. Cây này mình bán rất dễ, trồng cũng không khó, đầu ra thì dễ rồi, công dung của nó cũng rất tốt cho cả già, trẻ, gái, trai. Mình trồng vừa bảo vệ, nhân giống vừa làm kinh tế luôn.
PV: Thế lúc đầu, khi già trồng sâm Ba kích bà con có nói gì không?
NV: Có chứ. Bà con bảo vợ chồng tôi điên rồi hay sao mà đi trồng loài cây hoang dại này, sao mà được. Tôi nói, nếu có điên thì để vợ chồng tôi điên trước. Chỉ mong sau này nếu được thì bà con xóm làng làm theo chúng tôi. Cây này vừa xóa đói giảm nghèo vừa sử dụng trong gia đình được, có thể tiếp đón bạn bè. Sau khi gia đình tôi trồng được 4-5 năm thì rất nhiều bà con cũng bắt chước trồng theo.
PV: Hiện nay, gia đình mình trồng được bao nhiêu héc ta ba kích rồi già Pố ?
NV: Gia đình tôi đã hết đất để trồng rồi, chỉ trồng được 1,3 ha thôi. Nếu còn đất canh tác, mặc dù 2 vợ chồng già rồi nhưng vẫn sẽ tiếp tục trồng cây Ba Kích nữa. Bây giờ, không tìm đâu ra đất để trồng nữa. Nhà mình trồng đến 7 nghìn gốc rồi.
PV: Giá một ký sâm Ba Kích hiện nay già bán bao nhiêu vậy ?
NV: Hiện nay, giá sâm Ba Kích tươi đã lên 500 ngàn đồng/kg, chưa rửa đất đâu đó, đào xong lên cân luôn. Người ta đến tận rẫy để mua nhưng mình không muốn bán. Bởi vì, mình ngâm với rượu rồi bán có lợi hơn. Cứ mỗi ký sâm mình ngâm được 2 bình rượu. Mỗi bình bán được 500 ngàn đồng. Hai bình thì đã được 1 triệu đồng rồi. Trừ mối quan hệ thân thiết, quen biết lắm thì mới bán ký tươi thôi. Nếu không quen biết chi thì mình không bán đâu, mình để ngâm với rượu.
PV: Nguồn thu nhập mỗi vụ từ trồng sâm Ba Kích được bao nhiêu ạ, già có thể tiết lộ cho bà con cùng biết được không ?
NV: Nói chung là từ khi gia đình mình trồng Ba Kích thì xóa được đói nghèo. Ngày trước mình cũng nghèo, ba mẹ có để lại được cái chi đâu. Trồng được Ba Kích thấy xóa đói nghèo rất nhanh. Bây giờ, trung bình trồng tầm 3 năm thì cứ 1 bụi mình được 1 ký. Mỗi năm mà mình khai thác tầm 2 nghìn gốc, đợt sau lên 3 nghìn gốc. Mình khai thác tới đâu thì trồng lại tới đó. Mỗi lần khai thác vườn Ba Kích cũng được khoảng 120 triệu đến 150 triệu đồng.
PV: Trông bao nhiêu năm thì sâm Ba Kích cho khai thác có hiệu quả nhất thưa già?
NV: Tôi thấy, từ lúc mình trồng tới khi cho thu hoạch tầm 3 năm. Nếu gia đình mình có việc cần lắm thì 2 năm cũng có thể cho khai thác rồi. 2 năm thì nó cũng đã lớn tầm như chiếc đũa rồi. Còn nếu muốn đạt được hiệu quả cao nhất thì từ 3 năm trở lên là khai thác tốt nhất.
PV: Vậy, kỹ thuật trồng cây Ba Kích có khó không già Pố ?
NV: Trồng dễ lắm, giống như mình trồng khoai lang ấy. Mỗi năm mình chỉ cần làm cỏ một lần, dù mình không kịp làm cỏ nó cũng không dễ chết đâu. Cây này sức sống cạnh tranh với cây khác cũng rất mạnh. Mình mang cuốc ra đào đất trồng giống dây khoai lang vậy. Cứ mỗi chỗ cách nhau khoảng 1 mét.
PV: Già có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm cần chú ý khi trồng cây sâm Ba Kích này cho bà con được biết ?
NV: Theo kinh nghiệm của vợ chồng tôi thì cần chú ý những điểm sau: Ba Kích là giống cây ưa râm nên mình phải trồng dưới tán cây lớn để nhờ bóng mát, nắng nóng nó sẽ chết. Thứ 2 là nếu trồng bằng dây thì bỏ ngọn non đi, lấy tầm 2/3 thân dây trở về dưới gốc để trồng. Tôi cũng trồng thử đoạn trên ngọn nhưng chết hết. Thứ 3, khi bón phân thì không bón phân nóng, đừng lấy phân trâu bò, lợn để bón nó sẽ bị nóng làm cây chết. Tốt nhất là lấy cây hay thảm thực vật mục nát để bón cho nó. Mỗi chỗ mình trồng từ 4-5 cọng, đừng trồng ít quá, ít cũng được nhưng nó lên chậm lắm. Nhớ là không được trồng ngược đầu, phần đầu vùi xuống đất phần ngọn lên trên, nếu trồng ngược lại thì nó sẽ bị chết. Nếu trồng vào mùa nắng thì phải tưới nước 1-2 lần/ ngày, còn nếu trồng mùa mưa thì không cần tưới, nó sẽ tự phát triển rất tốt.
Mình trồng bằng dây hì sẽ thu hoạch nhanh và chắc củ hơn là trồng bằng quả và rể. Cây sâm Ba Kích giống như là cây khoai lang ấy. Nếu mình trồng bằng quả thì ít nhất cũng 4-5 năm nó mới cho thu hoạch được./.
PV: Vâng, xin cảm ơn bác đã chia sẻ kỹ thuật trồng cây sâm Ba Kích với bà con thính giả của chương trình./.
Viết bình luận