Trao đổi: “Kỹ thuật nuôi gà kiến lai”
Thứ ba, 00:00, 27/10/2020

Thực hiện: Jumi Sĩ

Khách mời: Bà Doãn Thị Tuyết, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

----------

 Nhiều năm nay, tại huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam có nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân xoá đói giảm nghèo. Trong đó, nuôi gà kiến lai là một trong những mô hình hiệu quả được nhiều hộ đồng bào Cơ Tu triển khai thực hiện. CM Cùng nhau bàn cách làm ăn hôm nay, PV A Viết Sĩ có cuộc trao đổi với bà Doãn Thị Tuyết, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam về quy trình kỹ thuật nuôi gà kiến lai. Bà con và các bạn cùng theo dõi !

(Bà Doãn Thị Tuyết-Gíam đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Giang)

          PV: Xin chào chị Doãn Thị Tuyết ! Theo tôi biết thì gà kiến lai là giống gà mới đối với bà con huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Vì sao địa phương lại chọn gà kiến lai mà không phải là gà ta hay con vật khác để người dân triển khai thực hiện ?

Bà Doãn Thị Tuyết: Nuôi gà kiến lai là mô hình do Chương trình phát triển tầm nhìn thế giới hỗ trợ hộ gia đình có trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ em suy dinh dưỡng và gặp nhiều khó khăn. Trong đó có cả hỗ trợ sinh kế cho người dân về chăn nuôi để phát triển kinh tế. Sau thời gian nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nhận thấy mô hình nuôi giống gà mới này, nên chính quyền địa phương quyết định phát triển giống gà kiến lai cho bà con.

PV: Gà kiến lai có gì khác so với các giống gà khác không?

Bà Doãn Thị Tuyết: Gà kiến lai này khá giống với gà của người dân địa phương nơi đây. Tuy nhỏ nhưng rất khoẻ và chắc thịt, sức đề kháng rất tốt, ít bị dịch bệnh... tỷ lệ sống rất cao, khoảng 80-90%. Gà kiến trưởng thành có thể nặng 2-3 ký hơn gà địa phương và đẻ trứng nhiều hơn.

PV: Vậy giống gà kiến lai này được lấy từ đâu và bắt đầu triển khai từ năm nào, thưa bà ?

Bà Doãn Thị Tuyết: Mô hình này bắt đầu triển khai đến người dân từ năm 2018, đến nay cũng đã 3 năm rồi. Đối với giống gà kiến này thì được lấy từ dưới đồng bằng nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình tầm nhìn thế giới. Vì giống gà này trên địa phương chưa có nên đều lấy từ dưới đồng bằng lên.

PV: Việc chăm sóc cũng như thức ăn cho gà kiến lai này có gì khác với các giống gà khác ?

Bà Doãn Thị Tuyết: Nhìn chung mô hình nuôi gà không khó so với các mô hình khác. Đối với gà kiến lai, từ 1 ngày tuổi đến 30 ngày tuổi chủ yếu cho ăn bột thông thường. Tùy theo giai đoạn mà có cách chế biến thức ăn cho phù hợp. Khi gà con cứng cáp hơn, bà con có thể tận dụng thêm những thức ăn vốn có tại vườn nhà như gạo, bắp và bổ sung các loại rau, như thân chuối băm nhỏ trộn đều với rau cho gà ăn bổ sung dinh dưỡng... gà kiến phát triển rất nhanh. Bà con chú ý nước uống phải luôn có sẵn và sạch sẽ để hạn chế dịch bệnh.

PV: Yêu cầu về chuồng trại đối với giống gà này như thế nào, thưa bà ?

Bà Doãn Thị Tuyết: Đối với hộ gia đình có đất vườn rộng thì nên chăn nuôi thả vườn để gà có không gian đi lại kiếm ăn. Cách nuôi như thế này gà sẽ chắc thịt hơn. Chuồng gà nên làm cao ráo và thoáng, được che chắn kỹ càng, tránh ánh nắng trực tiếp cũng như mưa gió. Đặc biệt cần chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ, nước uống luôn có sẵn, trang bị điện sáng vào ban đêm cho gà phát triển tốt.

(Hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi gà)

PV: Giống gà kiến này nuôi khoảng bao lâu mới cho đẻ trứng ?

Bà Doãn Thị Tuyết: Nếu chăm sóc tốt thì khoảng 5 đến 6 tháng gà kiến đẻ trứng lứa đầu tiên. Giống gà kiến tuy nhỏ nhưng số lượng trứng đẻ rất nhiều từ 15 – 20 quả / lần đẻ, nhiều hơn so với giống gà khác.

PV: So với giống gà khác, gà kiến lai có ưu và nhược điểm cần chú ý khi nuôi, thưa bà ?

Bà Doãn Thị Tuyết: Sau thời gian theo dõi các mô hình, giống gà kiến này có hệ miễn dịch rất tốt, ít bị bệnh và phù hợp với thời tiết, khí hậu ở huyện Nam Giang. Thức ăn cũng dễ tìm, luôn có sẵn trong vườn nhà nên rất thuận lợi. Còn nhược điểm chủ yếu do cách thức nuôi của bà con mình thường ít để ý, chăm sóc tốt cho gà. Ví dụ như chuồng trại không được sạch sẽ, mưa gió không đảm bảo,... nên dễ phát bệnh, chuồng thấp gà dễ bay, nhảy ra ngoài và chết. Nên bà con cần lưu ý.

PV: Với mô hình phát triển gà kiến lai, bà có điều gì muốn chia sẻ gì đến bà con ?

Bà Doãn Thị Tuyết: Thông qua chương trình PT Tiếng Cơ Tu- Đài TNVN, tôi luôn mong bà con cố gắng phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế, ổn định đời sống tại địa phương. Đặc biệt, với mô hình nuôi gà kiến lai thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ bà con phải tận dụng và mạnh dạn đầu tư để sau này cuộc sống được cải thiện, ổn định hơn. Gà kiến lai tuy mới nhưng nuôi rất dễ, ít bị dịch bệnh nên bà con an tâm. Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích những hộ thoát nghèo, nên chúng ta nhất quyết phải thoát nghèo bền vững./.

PV: Vâng! Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này./.

(Cán bộ Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp trao gà cho người dân)

         

Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC