Thực hiện: Jumi Sĩ
Khách mời: Anh Clâu Thái Ngọc, thôn Pr’ning, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.
Bà con và các bạn thân mến! Những năm gần đây, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi phát triển mạnh ở các huyện miền núi Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang của tỉnh Quảng Nam. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Gia đình anh Clâu Thái Ngọc, người Cơ Tu ở thôn Pr’ning, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam là một trong những hộ vươn lên làm giàu từ cây ba kích tím. Trong Chuyên mục “Cùng nhau bàn cách làm ăn” hôm nay, PV A Viết Sĩ có cuộc trao đổi với anh Clâu Thái Ngọc về kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc cây ba kích tím ở vùng đất Tây Giang. Mời bà con và các bạn cùng nghe.
PV: Chào anh CLâu Thái Ngọc! Được biết, anh tốt nghiệp Đại học Quy Nhơn chuyên ngành quản lý Nhà nước sao anh không vào làm cơ quan nhà nước mà lại chọn khởi nghiệp từ trồng cây ba kích?
Anh Clâu Thái Ngọc: Hồi mới tốt nghiệp đại học, tôi cũng có nộp hồ sơ xin việc làm nhưng không được. Mọi người cũng biết bầy giờ ngày càng tinh giản biên chế nên tìm việc càng khó hơn. Một phần tôi thấy trên đây có nhiều tiềm năng phát triển cây ba kích, đất đai màu mỡ, đất đồi và độ che phủ đầy đủ....rất thích hợp nên tôi quyết định trồng và phát triển cây ba kích đến bây giờ.
PV: Anh bắt đầu trồng sâm Ba kích từ khi nào?
Anh Clâu Thái Ngọc: Năm 2017 tôi học xong đại học và bắt đầu mày mò tìm hiểu trồng cây ba kích. Lúc đầu ươm thử thất bại, đến 2, 3 lần sau ươm vẫn thất bại vì chưa biết quy trình ươm trồng thế nào. Tôi vẫn không từ bỏ, cố gắng tìm hiểu, học hỏi về quy trình kỹ thuật... và rồi tôi cũng đã thành công.
PV: Quy trình ươm cây Ba kích như thế nào? Nguồn giống mình lấy ở đâu, thưa anh?
Anh Clâu Thái Ngọc: Trước khi ươm cần tìm những cây phát triển khoảng 1 mét trở lên rồi cắt một đoạn thân cây, không nên cắt gần ngọn vì non quá khi ươm không nảy mầm được. Khi ươm kết hợp dùng phân và tưới nước thường xuyên để kích thích ra rễ. Đối với giống thì ban đầu có nhà nước hỗ trợ, về sau mình tự nhân giống. Ở trên Tây Giang thì cây ba kích mọc tự nhiên cũng nhiều, mình tìm rồi về ươm trồng tại nhà, rất thuận lợi.
PV: Cây sâm Ba kích yêu cầu về đất trồng như thế nào, có khắt khe lắm không?
Anh Clâu Thái Ngọc: Cây ba kích không quá ưa nước, nên không thích hợp để trồng những vùng đất đầm lầy, gần khe suối. Nhưng cũng không thích hợp ở vùng đất cứng, khô cằn hay trong rừng già... cây cũng khó phát triển được. Ba kích chỉ thích hợp với đất tơi xốp, có lớp phủ trên mặt đất, tránh ánh nắng trực tiếp. Tưới đều là cây rất dễ phát triển.
PV: Anh có biết cụ thể kỹ thuật trồng cây ba kích?
Anh Clâu Thái Ngọc: Cây Ba kích trồng theo hố, theo khóm. Mà mỗi hố trồng được một cây với độ sâu khoảng 40x40, hàng cách hàng 70x70. Nếu những chỗ đất đẹp, thích hợp cho cây dễ phát triển thì có thể trồng với khoảng cách gần hơn, có thế là 50x50. Chọn đất tốt và trồng đúng quy trình là cây phát triển rất đều, rất nhanh và chất lượng.
PV: Việc chăm sóc cây ba kích như thế nào ?
Anh Clâu Thái Ngọc: Nếu trồng trên đất rừng thì chủ yếu làm cỏ, phát dọn sạch sẽ khoảng 3-4 lần trong một năm. Và trồng trên đất rừng thì không cần bón phân, vì bón phân sẽ kích thích nhiều loại cây khác cùng phát triển không tốt cho cây ba kích, chỉ cần phát dọn cỏ và vun đắp đất, thân cây mục vào là cây có thể phát triển tốt. Còn trồng tại đất vườn thì chăm sóc kỹ hơn, bón phân và tưới nước thường xuyên. Nếu không cây cũng rất dễ héo khô, nhất là mùa nắng nóng kéo dài như lúc này.
PV: So với trồng cây Đẳng sâm hay cây cam bản địa thì trồng cây Ba kích có những khó khăn hay thuận lợi gì?
Anh Clâu Thái Ngọc: Cái khó khăn nhất hiện nay là nguồn giống. Mặc dù có ươm trồng nhưng chưa đạt được như ý muốn, chất lượng cũng chưa cao. Đòi hỏi người trồng phải chịu khó trong việc chăm sóc, nếu không thì cây không phát triển, thậm chí chết đi. Ở huyện Tây Giang diện tích đất rộng, đất màu mỡ mà khí hậu mát mẻ, dễ chịu... rất thuận lợi cho việc trồng cây ba kích. Cây cũng không bị sâu bệnh mà việc tiêu thụ cũng rất dễ, thuận tiện cho bà con phát triển và nhân rộng hơn nữa.
PV: Trong tương lai, anh có dự định mở rộng thêm đất trồng cũng như trồng thêm các giống cây khác nữa không?
Anh Clâu Thái Ngọc: Chắc chắn rồi! Tôi sẽ ươm nhiều giống cây ba kích và mở rộng diện tích trồng hơn nữa. Dự định của tôi sẽ kết hợp với các hộ gia đình còn nhiều đất rẫy để trồng, tôi trực tiếp thu mua rồi chia đều với nhau, để cùng nhau phát triển ổn định đời sống. Sắp tới đây không chỉ ươm giống và mở rộng diện tích trồng mà còn tự sản xuất ra rượu ngâm ba kích vốn đã có thương hiệu ở Tây Giang. Tôi nghĩ mình sẽ thành công.
PV: Vâng! Cảm ơn anh Ngọc về cuộc trò chuyện này. Chúc anh ngày càng thành công hơn nữa!
Viết bình luận