Trao đổi: “Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam sành”Thực hiện: Jumi SĩKhách mời: Anh Lê Sĩ Đổi, Cán bộ Nông lâm nghiệp xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Thứ ba, 00:00, 30/06/2020
Bà con và các bạn thân mến!Ngoài cây cao su, cây keo, thì cây cam được huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định là một trong những cây trồng chủ lực góp phần vào tăng nguồn thu nhập và giảm nghèo bền vững. Vì vậy, trong thời qua, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Nam Đông đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, triển khai và nhân rộng mô hình trồng cam. Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc nên cây cam phát triển tốt, thương hiệu cam Nam Đông ngày càng được nhiều người biết đến. Trong chuyên mục “Cùng nhau bàn cách làm ăn” hôm nay, PV A Viết Sĩ có cuộc trao đổi với anh Lê Sĩ Đổi, Cán bộ Nông lâm nghiệp xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế về kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc cây cam sành. Mời bà con và các bạn cùng nghe.

PV: Xin chào anhLê Sĩ Đổi!Theo tôi biết thì ở Nam Đông trước đây chủ yếu trồng cao su, dứa, chuối... Vì sao đến bây giờ lại quyết định trồng cam?

Anh Lê Sĩ Đổi:Trước đây một số hộ gia đình cũng đã trồng nhưng chưa tập trung và đầu tư nhiều, chủ yếu trồng cho có vậy thôi. Từ khi có chủ trương của huyện về xây dựng và phát triển thương hiệu cây cam Nam Đông thì bà con nhận thấy nhiều thuận lợi từ đất đai đến đầu ra sản phẩm nên đã mạnh dạn đầu tư và chuyển đổi dần sang trồng cam. Đầu năm 2019, 15 hộ đầu tiên trên địa bàn xã đã bước đầu trồng hơn 1 hécta cam, mỗi hộ tối thiểu trồng 1 ngàn mét vuông.

PV: Vậy giống cam mình lấy ở đâu? Việc lựa chọn giống như thế nào để cây cam phát triển tốt, thưa anh?

Anh Lê Sĩ Đổi: Đối với giống cam này thì ban đầu Nhà nước hỗ trợ cho người dân, về sau phòng Nông nghiệp có chiết cành và cấy ghépđể cung ứng cho bà con. Còn việc chọn giống cũng khá khắt khe, nếu không chọn giống tốt thì cây rất dễ bị sâu bệnh. So với chọn giống cam  thì việc chọn giống chuối hay dứa dễ dàng hơn. Với kinh nghiệm thì bà con luôn tìm những cây thân to, có lá xanh tươi, rễ nhiều thì trồng dễ phát triển hơn.

PV: Yêu cầu đất trồng và khí hậu đối với giống cam này như thế nào ạ?

Anh Lê Sĩ Đổi: Cam sành có thể trồng trên nhiều loại đất, nhiều kiểu khí hậu khác nhau. Nếu trồng ở vùng trũng cần đắp mô, đào mương. Trồng ở vùng cao phải đào hố đánh bồn để tiện cho việc tưới nước và giữ ẩm vào mùa khô. Chỉ cần bón phân và tưới thường xuyên là cây phát triển rất khoẻ.

PV: Thưa anh! Quy trình trồng cam sành như thế nào? Có khác gì so với trồng dứa hay chuối?

Anh Lê Sĩ Đổi:Từ khi chiết cành và cấy ghép xong thì khoảng 3 tháng, cây cao khoảng 20 phân và có ra 3, 4 lá là có thể trồng. Quy trình trồng cam sành cũng như trồng chuốithôi, hàng cách hàng là 60x60, độ sâu cũng 60x60. Sau khi đào hố xong là bón mỗi hố 30-40kg phân chuồng hoai mụcvà bón vôi bột. Trộn đều các thành phần chung với đất rồi lấp hố, tưới đẫm nướckhoảng 1 tháng sau bới đất lại và trồng. Làm đúng quy trình cây dễ mọc và phát triển rất tốt.

PV: Chế độ chăm sóc cây cam sau khi trồng như thế nào, thưa anh?

Anh Lê Sĩ Đổi:Cam là loại cây ưa nước nên bạn cần cung cấp đủ nước cho cây phát triển nhất là vào mùa khô hoặc giai đoạn cây đang ra hoa, quả. Trong giai đoạn nửa tháng sau khi trồng phải tưới ít nhất một ngày một lần. Còn từ tháng thứ 2 trở đi, khoảng 2, 3 ngày tưới một lần. Thường xuyên làm cỏ dại để giúp cho gốc cây thông thoáng tránh được mầm bệnh hại. Và tỉa cây loại bỏ những cành già, yếu để cây tập trung sức nuôi những cành khỏe mạnh khác.

PV: Khoảng bao lâu cây cam bắt đầu ra hoa và cho trái đầu tiên?

Anh Lê Sĩ Đổi:Từ khi trồng khoảng 3, 4 năm mới cho ra hoa và trái. Từ năm thứ 5 trở đi trái sẽ càng ra nhiều hơn. Việc thu hoạch phải đúng thời vụ để tạo cho cây phân hóa mầm hoa tốt, thu hái quả vào những ngày râm mát, tránh ảnh hưởng đến cây, giảm chất lượng về sau.

PV: So với trồng cây dứa, chuối thì trồng cam có những thuận lợi hay khó khăn gì?

Anh Lê Sĩ Đổi:Cái khó nhất đối với trồng cam là việc phòng trừ sâu bệnh. Sau khi trồng phải chăm sóc tỉ mỉ, bón phân, tưới nước, cắt tỉa cành... phòng tránh dịch bệnh cho cây. Hiện mới đăng ký thương hiệu cam Nam Đông nên đầu ra chưa có, bà con gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Trồng dứa với chuối dễ dàng hơn. Khó khăn như thế, nhưng trồng cam lại rất nhiều thuận lợi tại Nam Đông. Từ đất đai, khí hậu đều rất tốt để cây phát triển và chất lượng.

PV: Từ khi chuyển đổi cây trồng, đầu tư vào việc trồng cây cam anh thấy cuộc sống bà con nơi đây thay đổi như thế nào?

Anh Lê Sĩ Đổi:Trước đây, bà con chỉ chú tâm trồng dứa và chuối rồi keo, cao su... Vài năm trở lại đây vì thấy hiệu quả kinh tế không cao nên bà con chuyển sang trồng cây cam. Theo tôi biết, ở nhiều địa phương khác trồng 1 hécta cây cam này thu về gấp 2, 3 lần so với trồng chuối hay keo. Sau khi trừ chi phí có thể thu về 200 triệu trong một năm trên một hécta. Vì hiệu quả kinh tế cao nên xã đặc biệt quan tâm, triển khai đến bà con mạnh dạn đầu tư vào việc trồng cam.

PV: Anh có những chia sẻ gì đối với bà con, đặc biệt là các bạn trẻ muốn khởi nghiệp tại quê nhà?

Anh Lê Sĩ Đổi:Đối với bà con và đặc biệt là các bạn trẻ đang thất nghiệp, chưa có việc làm ổn định…, các bạn hãy cứ tự tin, chịu khó và mạnh dạn đầu tư vào việc tăng gia sản xuất ngay chính tại địa phương mình. Địa bàn huyện Nam Đông có rất nhiều điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu nên các bạn không quá lắng cây không phát triển. Không trồng keo, cao su thì trồng dứa, chuối và đặc biệt là cam. Bây giờ hộ gia đình nào có được khoảng 0,5-1 hécta cam là có thu nhập ổn định, cuộc sống sẽ khá giả./.

PV: Vâng! Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này./.

 

         

Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC