Trao đổi: “Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chuối Nam Đông”
Thứ ba, 00:00, 04/08/2020
Bà con và các bạn thân mến! Ngoài các loại cây trồng như cây cam, dứa, ổi... thì cây chuối được huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định là một trong những cây trồng chủ lực góp phần tăng nguồn thu nhập và nâng cao đời sống người dân. Vì vậy, trong thời qua, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Nam Đông đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, triển khai và nhân rộng mô hình trồng chuối. PV A Viết Sĩ có cuộc trao đổi với anh Lê Sĩ Đổi, Cán bộ Nông lâm nghiệp xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế về kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc cây chuối.

PV: Xin chào anh Đổi! Theo tôi được biết thì trước đây ở Nam Đông chủ yếu trồng cao su, dứa, ổi và cam... Vì sao đến bây giờ lại quyết định trồng chuối?

Anh Lê Sĩ Đổi: Trước đây, trên địa bàn huyện Nam Đông trồng rất nhiều loại cây ăn quả, cây lâu năm. Khí hậu, đất đai cũng phù hợptrong việc phát triển cây ăn quả. Nhưng sau một thời gian, nhân thấy một số cây trồng như cao su, keo, ổi không mang lại hiệu quả cao nên theo chủ trương của huyện người dân đã mạnh dạn đầu tư vào việc trồng chuối, đến bây giờ phát triển và mang lại thu nhập khá tốt cho bà con.

PV: Việc chọn giống như thế nào để cây chuối phát triển tốt, thưa anh?

Anh Lê Sĩ Đổi: Đối với nguồn giống thì khá khan hiếm, huyện có hỗ trợ một phần nhưng chủ yếu là người dân tự tìm giống sẵn có trên địa bàn huyện. Thường chọn giống phải chú ý kích thước cây chuối, cao khoảng 1 mét đến 1,2 mét là tốt nhất và trồng dễ phát triển hơn. Chứ chọn cây nhỏ quá hay to quá phát triển rất kém, cây dễ chết.

PV: Yêu cầu đất trồng và khí hậu đối với giống chuối này như thế nào ạ?

Anh Lê Sĩ Đổi: Hầu như trên địa bàn huyện Nam Đông trồng các loại cây ăn quả đều thích hợp và chịu được với khí hậu trên đây. Đặc biệt với cây chuối có thể trồng đất bằng hay đồi núi đều phát triển rất tốt. Hiện tại, có nhiều loại chuối được trồng tại Nam Đông như: Chuối tiêu, chuối lùn, chuối mốc, chuối tiên... đều phát triển rất tốt.

PV: Thưa anh! Quy trình trồng chuối như thế nào? Có gì khác so với trồng cam hay trồng dứa?

Anh Lê Sĩ Đổi: Đối với trồng chuối thì có quy trình rõ ràng.Cũng giống như trồngcam hàng cách hàng là 3 mét, cây cách cây khoảng 2 mét đến 2,5 mét và độ sâu là 60x60. Trồng đúng quy trình thì cây chuối mới phát triển tốt và cho năng suất cao. Chứ như trước đây bà con chưa nắm bắt kỹ thuật trồng mà trồng theo quán tính thì cây không phát triển đều, thậm chí dễ bị chết. Bà con cần phải lưu ý.

PV: Chế độ chăm sóc cây chuối sau khi trồng như thế nào, thưa anh?

Anh Lê Sĩ Đổi: So với các loại cây trồng khác trên địa bàn thì cây chuối trồng và thích nghi rất tốt. Sau khi trồng chúng ta bón phân thường xuyên, nhất là phân chuồng, phân xanh và ít vôi trộn đều rồi bón. Ngoài ra, người Cơ Tu ở Nam Đông trước khi trồng cũng xem ngày tốt để trồng chuối phát triển và ra buồng to, cho trái nhiều và đều. Thường các ngày 18 âm lịch là trồng tốt nhất, trên này họ còn gọi ngày đó là ngày “Anh Em”, trồng các loại cây ăn quả đều cho ra trái rất nhiều. Sau khi trồng phải tưới nước hàng ngày, qua tháng thứ hai thì 2 ngày tưới một lần. Khoảng 5, 6 tháng là chuối cho ra buồng đầu tiên.

PV: Trong một năm cây chuối có thể cho thu hoạch được bao nhiêu lứa, thưa anh?

Anh Lê Sĩ Đổi: Năm đầu trồng thì khoảng 8, 9 tháng là có thể thu hoạch, sớm nhất là 6 tháng. Qua những năm tiếp theo thì một năm có thể thu hoạch được 3 lần, trung bình 4 tháng là thu hoạch một lần đều đều như vậy. Nên bà con có nguồn thu nhập đều từ cây chuối và không lo cái đói đeo bám như trước kia nữa.

PV: Từ khi chuyển đổi cây trồng, đầu tư vào việc trồng cây chuối anh thấy cuộc sống bà con thay đổi như thế nào?

Anh Lê Sĩ Đổi: Từ khi bà con mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, đầu tư vào việc trồng chuối thì cuộc sống thay đổi rất nhiều. Một hécta trồng khoảng 1 ngàn cây và nếu tính theo buồng chuối thì cứ mỗi một buồng bán được khoảng 50 đến 70 ngàn đồng, bà con có thu nhập hàng ngày. So với trước đây chưa trồng chuối thì bà con không cónguồn thu thường xuyên và ổn định. Cây chuối được xem là một trong những cây chủ lực của huyện Nam Đông cùng với cam và dứa. Thương hiệu ngày càng được biết đến nhiều và việc tiêu thụ cũng rất dễ dàng nên cuộc sống bà con ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn.

PV: So với trồng cây cam hay dứa thì trồng chuối có những thuận lợi hay khó khăn gì?

Anh Lê Sĩ Đổi: Thuận lợi nhất đối với trồng chuối ở Nam Đông là khí hậu, đất đai rất phù hợp, cây chuối thích nghi rất tốt. Việc chăm sóc cũng không quá khó khăn và mất nhiều thời gian. Hiệu quả mang lại cũng ổn định hơn. Đối với khó khăn, trước tiên cây giống hiện tại rất khan hiếm, cho dù có cũng không đạt yêu cầu chất lượng như mong muốn. Gặp mưa bão cây dễ bị gẫy đổ nên phải làm cây chống đỡ rất vất vả. Ngoài ra, cây chuối cũng hay gặp sâu bệnh, đặc biệt bệnh sung là khó điều trị nhất.

PV: Thưa anh! Là cán bộ Nông lâm anh có những chia sẻ gì đối với bà con đang tham gia mô hình trồng chuối?

Anh Lê Sĩ Đổi: Đối với chính quyền địa phương luôn vận động, khuyến khích bà con đặc biệt là các bạn trẻ đang thất nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển các cây ăn quả như chuối, cam, dứa... ngay tại địa phương. Hiện tại, theo chủ trương Nông thôn mới thì các hộ nghèo đầu tư vào việc trồng chuối được hỗ trợ 70% giống và 30% phân bón vật tư. Hiện xã cũng đã liên kết với các doanh nghiệp thu mua hàng nông sản cho bà con nên rất thuận tiện. Trồng chuối mang lại thu nhập ổn định và thường xuyên cho bà con, nên hãy cứ mạnh dạn, khó khăn gì chính quyền địa phương sẽ cùng tháo gỡ./.

PV: Vâng! Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này./.

 

         

Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC