Trao đổi: “Phát triển kinh tế nhờ mô hình chăn nuôi tổng hợp”
Thứ ba, 10:23, 23/11/2021
Nhiều năm nay, tại huyện vùng cao biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân xoá đói giảm nghèo vươn lên làm giàu tại địa phương. Trong đó, mô hình chăn nuôi tổng hợp là một trong những mô hình hiệu quả được nhiều hộ đồng bào Cơ Tu triển khai thực hiện. Chuyên mục “Bàn cách làm ăn” hôm nay, PV A Viết Sĩ có cuộc trao đổi với bà Bhling Thị Vấp, thôn Tr’lêê, xã A Tiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam về kinh nghiệm chăn nuôi tổng hợp.

PV: Xin chào bà Bhling Thị Vấp! Từ khi nào bà có ý định phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp?

Bà Bhling Thị Vấp: Năm 2018 gia đình tôi bắt đầu nuôi gà, vịt nhưng chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình chứ chưa có ý định phát triển như bây giờ. Đến tháng 11 năm 2020 thì mới nuôi thêm lợn. Cuộc sống ổn định hơn rất nhiều.

PV: Vì sao bà lại quyết định phát triển mô hình chăn nuôi mà không phải là mô hình trồng trọt hay gì khác?

Bà Bhling Thị Vấp: Từ nhỏ mình đã có ý định sau này sẽ làm mô hình chăn nuôi vì thấy đất vườn rộng, khí hậu lại rất thích hợp. Nhưng vì điều kiện khó khăn nên bây giờ mới thực hiện được. Mình thấy phát triển chăn nuôi tổng hợp như gà, vịt, lợn... thích hợp và không tốn nhiều thời gian. Nguồn thu nhập mang lại cũng ổn định hơn. Nhờ mô hình này mà giờ cuộc sống gia đình cũng khá lên, đã thoát nghèo.

PV: Nguồn giống chăn nuôi được lấy từ đâu, thưa bà?

Bà Bhling Thị Vấp: Hầu hết tất cả nguồn giống mình lấy từ bà con địa phương, của người Cơ Tu mình. Vì con vật trên này dễ thích nghi và có sức đề kháng tốt hơn mà tiêu thụ cũng dễ hơn. Chứ mình không lấy từ dưới đồng bằng. Đối với đàn gà, vịt ban đầu mình chỉ nuôi lác đác vài con. Sau một thời gian nhân rộng và phát triển thì nay đã lên đến hàng nghìn con. Lợn thì nuôi sau, mình chỉ nuôi lợi rừng lai thôi, lúc đỉnh điểm cũng gần 50 con. Bây giờ gia đình phát triển cả con giống để xuất bán cho bà con.

PV: Đối với chăn nuôi kết hợp thì việc chăm sóc như thế nào, có gì khác so với chăn nuôi nhỏ lẻ?

Bà Bhling Thị Vấp: Nói chung mô hình chăn nuôi tổng hợp không quá khó hay đòi hỏi gì nhiều về thời gian lẫn chi phí. Đối với đàn gà, vịt thì mình thả vườn không nuôi nhốt nên sức đề kháng rất tốt không bị dịch bệnh. Ngoài thức ăn tự kiếm thì cho ăn thêm gạo, sắn, cây chuối... Đối với lợn thì phải vệ sinh sạch sẽ chuồng trại thường xuyên, không để hôi thối, ban đêm cần trang bị điện sáng. Mùa nắng nên cho lợn tắm và uống nước thường xuyên. Vì là lợn rừng lai nên sức đề kháng rất tốt. Ngoài cho ăn cám, lá môn thì mình cho ăn thêm các loại rau củ như rau lang, rau muống, cây chuối, cỏ voi... phát triển rất tốt.

PV: Những khó khăn và thuận lợi trong việc chăn nuôi tổng hợp là gì, thưa bà ?

Bà Bhling Thị Vấp: Khó khăn nhất là vào mùa mưa bão, việc tìm kiếm thức ăn rồi giữ ấm cho đàn gà, vịt, lợn rất vất vả. Mưa nhiều thì gây lụt, sạt lở cũng ảnh hưởng đến trang trại chăn nuôi. Như đợt mưa bão năm ngoái làm hư chuồng trại và cuốn trôi hàng trăm con gà lẫn vịt, gây thất thu rất nhiều. Ngược lại mùa nắng thì rất dễ chịu và thoải mái. Khí hậu, đất đai thoáng mát, rất thích hợp cho việc chăn nuôi. Vì chủ yếu giống từ bà con địa phương nên sức đề kháng rất tốt, không bị dịch bệnh.

PV: Theo tôi được biết thì trang trại của bà không chỉ xuất bán theo lứa mà còn bán cả con giống đúng không ạ?

Bà Bhling Thị Vấp:  Đúng vậy, với lợn rừng lai thì khi con mẹ đẻ được khoảng 2 tháng thì mình có thể bán cho bà con, chứ mình không bán theo kiểu tràn lan, mất uy tín. Còn với gà, vịt thì không chỉ bán lấy thịt mà mình còn bán cả giống con và trứng nữa. Có ngày bán hơn 100 quả trứng tại chợ “5 ngàn”. Bà con rất ưa chuộng giống vật nuôi địa phương nên rất thuận lợi cho việc mua bán sản phẩm của mình.

PV: Tổng thu nhập từ việc chăn nuôi tổng hợp mỗi năm bao nhiêu? Cuộc sống thay đổi thế nào kể từ khi có mô hình này?

Bà Bhling Thị Vấp: Với mô hình chăn nuôi tổng hợp thật sự mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Trung bình một năm có thể kiếm hơn 100 triệu đồng. So với trước đây chỉ quanh quẩn bên nương rẫy thì từ khi bắt tay vào mô hình này thấy cuộc sống gia đình ổn định hơn rất nhiều. Không còn nghèo đói như trước đây nữa, giờ có cái ăn cái mặc đầy đủ. Mình cũng thường xuyên chia sẻ với bà con về kinh nghiệm chăn nuôi. Bà con ai cần thì mình sẵn sàng giúp đỡ, chỉ mong bà con cùng nhau vươn lên thoát nghèo bền vững.

PV: Trong tương lai, bà có dự định phát triển mô hình này cũng như những mô hình khác như thế nào?

Bà Bhling Thị Vấp: Hiện tại gia đình chủ yếu đầu tư vào việc chăn nuôi tổng hợp này chứ chưa có ý định gì khác. Nếu có vốn thì chắc chắn sẽ mở rộng thêm nữa. Vì mình thấy phát triển mô hình này rất tốt so với trồng trọt hay làm nương rẫy, thu nhập cũng ổn định. Có sức khoẻ và nguồn vốn, gia đình sẽ đầu tư mạnh thêm về mô hình này.

PV: Vâng! Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này. Chúc cho mô hình tổng hợp của gia đình mình ngày càng phát triển./.

 

 

 

         

Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC