VEL BHƯƠL K'COONG CH'NGAI CR'CHĂL VÁIH THỦY ĐIỆN
Thứ sáu, 00:00, 28/02/2014
                                                    X'ră: BTV  A LĂNG DUY

                     1344248108138754_574_574.jpg

                          1981997_760476543964193_740013980_n.jpg



IMG_4787.JPG

IMG_2088.JPG

IMG_4756.JPG

IMG_4754.JPG




IMG_4799.JPG





IMG_4809.JPG

IMG_1647.jpg



IMG_4746.JPG



IMG_4815.JPG


1888506_283320135154616_848899383_n.jpg

1797570_283320161821280_48972101_n.jpg


 

“LÀNG VÙNG CAO THỜI THỦY ĐIỆN”

---

 

# (Sĩ) Tôi là A Viết Sĩ. (Và tôi là A Lăng Lợi)

Chào đón bà con và các bạn đến với  Chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu của  Đài Tiếng nói  Việt Nam. Chúc bà con và các bạn ngày cuối tuần vui vẻ khi đến với Chương trình phát thanh của chúng tôi!

# (Lợi) Nào! Hãy bắt đầu chương trình hôm nay bằng làn điệu babooch Cơ Tu vui tươi- bài “ Điện sáng vùng cao”, do Nhạc sĩ Bhriu Huy Hoàng sưu tầm làn điệu và đặt lời, A Rất Cúc hát:

-         Bài hát Cơ Tu “Điện sáng vùng cao”

# (Sĩ trên nền nhạc dạo lời 2) Thưa bà con và các bạn!

Núi rừng bây giờ đã có điện thay sao. Có điện, điều kiện sản xuất thuận lợi hơn, người vùng cao tiếp cận với những phương tiện sinh hoạt tiện nghi, hiện đại, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng được cải thiện.

# (Lợi)Trong hơn hai mươi năm qua, tăng trưởng kinh tế ở nước ta cũng làm cho nhu cầu về năng lượng phát triển nhanh. Thủy điện từ lâu đã được tính đến như một nguồn năng lượng rẻ tiền và ít gây ô nhiễm. Hiện thủy điện cung cấp đến 36% sản lượng điện cho cả nước với 226 công trình đang vận hành. Chỉ riêng bốn tỉnh miền Trung : Quảng Nam, Quảng Ngãi,Thừa Thiên Huế, Phú Yên và hai tỉnh Tây Nguyên là Kon Tum, Đắc Nông đã có gần 150 dự án thủy điện đã, đang và sẽ được triển khai. Riêng tại tỉnh Quảng Nam, hệ thống sông Thu Bồn- Vu Gia phải gánh đến 62 dự án thủy điện đã được phê duyệt, với tổng công suất lên tới hơn 1.600MW. Tỉnh Quảng Nam mới có 9 công trình thủy điện đã xây dựng xong. Còn lại, hơn 50 dự án thủy điện đã được phê duyệt nhưng đang dang dở.

#(Sĩ)Tuy nhiên, việc xây dựng tràn lan các nhà máy thủy điện đã dẫn đến những hiểm họa khôn lường. Tại nhiều hội nghị, hội thảo, các chuyên gia đã thừa nhận một thực tế: Những cánh rừng bị phá hủy tan nát khiến lũ ngày càng hung hãn, hiện tượng “lũ chồng lũ” xuất hiện, môi trường sinh thái thay đổi làm biến mất nhiều loài động thực vật, nguồn nước trên các sông bị suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng...Đặc biệt, cuộc sống của người dân ở nhiều khu tái định cư thủy điện đang là những vấn đề bức xúc.

# (Lợi)“Làng Vùng cao thời thủy điện” là chủ đề chương trình phát thanh hôm nay. Chúng tôi không có tham vọng đề cập một cách toàn diện những tác động của các Dự án Thủy điện, chỉ xin được bàn một số vấn liên quan đến đời sống của đồng bào vùng cao nơi có các công trình.

#(Sĩ)  Cùng có mặt tại phòng thu của chúng tôi lúc này, xin được giới thiệu với bà con và các bạn, bà A Lăng Đinh- Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đông Giang và chị Bhriu Thị Hoa, người dân đến từ khu tái định cư thủy điện A Vương, xã Mà Coih huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. (Khách mời chào thính giả). Cảm ơn các vị khách đã nhận lời tham gia chương trình của chúng tôi!

(Nhạc cắt)

# (Lợi)Thưa bà con và các bạn! Thưa các vị khách mời!

Chúng tôi xin được bắt đầu bằng câu chuyện ở các gia đình và làng tái định cư. Rất nhiều Dự án thủy điện và dự án đầu tư khác ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam đã đền bù tiền cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa. Nhà ít thì vài chục triệu đồng, nhiều thì vài trăm triệu, không ít nhà tiền tỉ.

Thường thì có tiền người ta phải mừng. Nhưng đằng này, có nhiều tiền lại đâm ra lo. Đó là chuyện có thật. Chúng ta cùng nghe một phóng sự ngắn do A Lăng Duy- PV chương trình thực hiện:

NHIỀU TIỀN CŨNG…KHỔ

#(Nhàn thể hiện

(Tiếng hát karaoke nền)

Thôn Vinh, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang ngày giáp Tết.

Từ xa đã nghe tiếng xe máy ầm ĩ lẫn cả tiếng hát karaoke từ loa thùng dội ra. Nhiều nhà mới xây dựng với kiến trúc khá đẹp mắt. Hầu hết các gia đình ở thôn Vinh trong diện hưởng chính sách đền bù từ Dự án thủy điện sông Bung. 

Không ít gia đình nghèo khó, bỗng chốc cầm trên tay cả trăm triệu đồng. Nhiều người, nhất là thanh niên dùng đồng tiền không đúng mục đích, tiêu xài vô tội vạ, bỏ bê gia đình, công việc… Nhiều người lắc đầu khi nhìn những nam thanh niên lấy tiền đến bù của gia đình suốt ngày lêu lổng ở quán xá nhậu nhẹt, karaoke, cờ bạc …Những thanh niên này, phần lớn cha mẹ đã già yếu, tiền đền bù giao cho con cái. Thậm chí có những gia đình có tiền song vẫn đói vì những đứa con ôm tiền và vui chơi một mình, bỏ mặc cha mẹ, vợ con đói khát. Chị Coor Pói, ở  thôn Vinh, xã Tàbhing, huyện Nam Giang buồn bã:

(Băng tiếng Cơ Tu): Ngày trước khi chưa có đền bù, chồng tôi cũng làm việc một chút để kiếm tiền. Nhưng từ sau khi có đền bù, chồng tôi không chịu làm một chút việc gì cả, suốt ngày đi chơi ở các quán xá như quán Cây Chò, đi Đà Nẵng chơi 3-4 ngày không về. Lúc trước tôi đau ốm một tí là đưa đi bệnh viện liền, bữa nay tôi bị bệnh chồng tôi chẳng thèm ngó ngàng tới, thậm chí còn bảo muốn chết thì chết đi còn cờ bạc nữa. Chị Phương chủ quán Cây Chò gọi điện miết, mỗi lần chồng tôi nghe lời ở nhà làm việc được ít ngày, đưa cho tôi cầm tiền cất giữ là họ lại gọi điện làm cho chồng tôi nghe theo lời, bao nhiêu tiền bạc lấy lại hết không để lại đồng nào.

Chuyện của gia đình chị Coor Pói cũng là chuyện của không ít gia đình khác trong thôn. Một chuyện đáng quan tâm khác là người dân thôn Vinh gặp phải sự phân biệt đối xử khi xuống thị trấn mua hàng. Ông Coor Chế- Trưởng thôn Vinh, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang cho biết:

- Băng (tiếng phổ thông) “Dân xuống thị trấn Thạnh Mỹ để mua ít hàng hoá, thậm chí là nếu mà vào uống nước thôi, nếu mà là dân ở thôn Cà Đăng hay Pating thì người ta lấy đúng giá, nhưng mà biết mình ở thôn Pà Lừa, tức là thôn Vinh bây giờ ấy thì họ lại lấy giá khác. Tại vì họ nghe là dân thôn Vinh có nhận được nhiều tiền đền bù mà. Có nhà chỉ nhận đền bù hơn 100 triệu, nhưng họ đồn là nhận được hơn 1 tỷ, thế là cứ xuống mua bán gì dưới thị trấn là lại bị họ chém giá cao ngất ngưởng. Cũng không ít trường hợp mấy người đi bắt chim ở nơi khác đến hay người đi thu mua nhôm nhựa đến thôn Vinh, trộm cắp xảy ra nhiều. Ở đây còn có trường hợp người giả khùng giả điên, hỏi thì  không nói năng gì, vào nhà dân cứ nhìn khắp nhà. Tình hình an ninh không được tốt lắm, bà con rất lo!

Người dân thôn Vinh ôm tiền trong người mà lúc nào cũng đâm lo.

Đúng là: Nhiều tiền cũng khổ!

(Nhạc cắt)

# (Lợi) Vâng! Quả là chuyện lạ có thật.

Có lần, chúng tôi đi công tác ở huyện Bắc Trà My,  tỉnh Quảng Nam và chứng kiến cảnh rất nhiều thanh niên ở vùng cao đi xe máy xuống chợ huyện, thứ họ mua nhiều nhất là điện thoại di động, mà toàn là loại đắt tiền. Mua xong người đứng ở đầu chợ bấm máy gọi cho người ở cuối chợ hoặc một chỗ nào đó trong thị trấn. Hóa ra, ở vùng cao không có sóng điện thoại di động, họ xuống chợ huyện để mua sắm nhân tiện mua điện thoại để gọi cho thỏa thích. Gọi chán rồi thì “cóp” nhạc về nghe. Họ là những chàng trai ở các xã Trà Leng, Trà Cang - những nơi được nhận tiền đền bù giải tỏa của Dự án thủy điện Sông Tranh 2.

Thưa chị Bhriu Thị Hoa và bà A Lăng Đinh! Hai vị khách mời có ý kiến gì sau khi nghe phóng sự này?

# (Chị Hoa):Dạ, tôi là Bhiru Thị Hoa, ở xã Mà Coi. Đó cũng là chuyện xảy ra ở chỗ chúng tôi.Có tiền đền bù thì nhà này mua xe máy, nhà khác cũng phải mua xe mà phải là loại đắt hơn, đẹp hơn. Nhà này mua ti vi loại thường, nhà khác phải mua ti vi màn hình phằng. Có nhà không biết đi xe, cũng mua xe máy về đắp chiếu trong nhà. Có lần một nhóm thanh niên trong thôn tôi đi xe máy, không mũ bảo hiểm, không bằng lái bị công an phạt. Họ bảo: Công an thích thì cứ tịch thu xe, họ mua xe khác! Cũng có nhà cha mẹ, con cái mất tình cảm với nhau do cãi vã chia tiền. Ít nha lấy tiền đến bù để nuôi bò, nuôi heo. Cũng nhiều nhà có nhiều tiền sợ bị mất đem gửi Ngân hàng.

# (Bà A Lăng Đinh): “ Tôi còn biết trường hợp ở Đông Giang như thế này: Có một số thanh niên gia đình nhận được tiền nhiều,không chỉ sắm sửa vật dụng gia đình đắt tiền mà còn rủ nhau ra Đà Nẵng, chỉ mua vé máy bay vào Sài Gòn rồi bay ra cho biết cảm giác đi máy bay nó thế nào thôi. Đúng là lãng phí. Thực ra thì hầu hết bà con vùng tái định cư là đồng bào Cơ Tu, không phải nhà nào cũng biết cách đầu tư cho sản xuất

# (Lợi)Thưa bà A Lăng Đinh! Vậy chính quyền và các đoàn thể huyện Đông Giang vận động, hướng dẫn cho bà con cách sử dụng tiền đền bù như thế nào?

# ( Bà Đinh)Thường thì mỗi dự án đền bù tiền cho dân, đoàn thể địa phương vận động bà con mua bò, mua dê về nuôi hoặc hướng dẫn nuôi cá…Có mua sắm vật dụng sinh hoạt thì chỉ là vật dụng cần thiết thôi, còn phần chính là đầu tư vào lao động sản xuất trong đó có phát triển đàn bò, nuôi heo địa phương thả rông, gà thả vườn. Nhưng những cái tư vấn ấy trên thưc tế không đươc nhiều số hộ dân hưởng ứng lắm đâu. Bí quá thì chúng tôi vận động bà con gửi vào tiết kiệm, ít ra còn có lãi.Nhưng cũng có cái khó là dân có quyền lấy tiền ra bất cứ lúc nào. Thành ra  theo tôi, phải tiếp tục vận động bà con theo kiểu mưa dầm thấm lâu chứ không thể ngày một ngày hai được.

# (Lợi) Cảm ơn bà A lăng Đinh! Thưa chị Bhriu Thị Hoa. Gia đình chị nhận được tiền đền bù thì sử dụng như thế nào?

# (Chị Hoa) “ Nhà tôi được đến bù 400 triệu thôi. Thì cũng mua hai cái xe máy để đi lại và một ít vật dụng trong nhà. Ban đầu thì gửi Ngân hàng, nhưng về sau thì vợ chồng tôi trồng 2 ha chuối mốc, rồi nuôi heo rừng lai. Trồng chuối vất vả công ban đầu nhưng Tết vừa rồi bị bão, dưới xuôi không có chuối nhiều họ mua 10 ngàn một ký,bán cũng được lắm. Nuôi heo rừng lai thì cũng mới làm thôi, cái này phải có vốn đầu tư.

# (Lợi) Trong thôn của chị, có nhiều nhà đầu tư vào sản xuất gia đình như chị không?

# (Chị Hoa): Không nhiều, chỉ vài nhà thôi. Chủ yếu là họ gửi ngân hàng và thỉnh thoảng lại rút tiền ra. Nhiều nhà hết tiền rồi đấy.

#(Lợi) Chị nghĩ như thế nào về việc sử dụng tiền lãng phí như vậy?

# (Chị Hoa): Tôi nghĩ là tiền đền bù đâu phải là tự nhiên mà có. Mà đó là tài sản của mình bao nhiêu năm trời mới được như vậy mà. Tiền nhiều mà cứ mua sắm không biết sản xuất để sinh ra tiền thì cũng hết. Nhưng mà tôi thấy, nhà nước bảo là mỗi hộ tái định cư ở chỗ mới được bố trí 2 ha đất sản xuất, thực tế đâu có đủ vậy. Có chỗ cũng có đất nhưng mà đất dốc quá và nhiều đá khó trồng trọt lắm. Cho nên, bà con họ cũng khó cái là thiếu đất để sản xuất”.

(Quảng bá Chương trình trên nền Nhạc)

# (Sĩ)  Bà con và các bạn đang nghe Chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu của Đài TNVN.

# (Lợi) Chương trình phát trên sóng FM, tần số 100 Mhz. Hãy gọi điện đến số máy 0511.3838.567 để yêu cầu bài hát bạn thích hoặc góp ý, nhận xét cho chương trình của chúng tôi.

# (Sĩ) Mời bà con và cá bạn tiếp tục theo dõi Chương trình phát thanh hôm nay với chủ đề “ Làng vùng cao thời thủy điện”.

(Dứt nhạc)

# (Sĩ) Thưa bà con và các bạn! Thưa các vị khách mời!

Một thực tế chung tại các khu tái định cư thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên là dân thiếu đất sản xuất. Tại tỉnh Quảng Nam, ở nhiều nơi, mặc dù đất sản xuất trên hồ sơ giấy tờ thiết kế thì có nhưng thực tế lại là chuyện khác. Chúng ta hãy cùng đến với người dân huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, nơi có thủy điện Sông Tranh 2 qua phóng sự của phóng viên Vơ Nich Oang:

ĐƯA DÂN TÁI ĐỊNH CƯ VÀO RỪNG PHÒNG HỘ

-         TREO MỠ TRƯỚC MIỆNG MÈO

#(Oang trình bày):

Việc đền bù, di dời, tái định cư cho dự án thủy điện Sông Tranh 2 được thực hiện từ năm 2007. Theo lời hứa của nhà đầu tư, khi thực hiện dự án, mỗi hộ trong diện tái định cư được cấp một lô đất ở khoảng 400 m2, có thêm 600 m2 đất vườn gắn với đất ở và được giao từ 1 đến 1,5 ha đất sản xuất. Ngoài ra, tại các khu tái định cư sẽ có nhà trẻ, trường học, nhà ở cho giáo viên, nhà văn hóa, hệ thống giao thông nội bộ... Tuy nhiên, nhà đầu tư đã không thực hiện đúng cam kết. Thay vào đó, họ đưa nhiều hộ dân vào tái định cư trong rừng phòng hộ sông Tranh. Ông Nguyễn Hồng Đoàn, Bí thư Chi bộ Thôn 5, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam than thở:

Băng:“Họ hứa là lên đây ở phải hơn chỗ cũ. Nhưng mà lên đây tiền hỗ trợ ăn cũng thiếu, đến bây giờ cũng chưa trả cho dân đủ. Lên đây chỉ có cái nhà thôi chứ chẳng có gì cả, không có chỗ để mà làm ruộng làm rẫy thì cũng chết thôi. Cũng gần 4 năm rồi”.

Vợ chồng chị Hồ Thị Vân, dân tộc Ka Dong ở thôn 5 vừa bị bắt vì tội phá rừng làm rẫy. Hỏi chị có biết phá rừng là phạm pháp luật không? Chị cho hay:

Băng tiếng phổ thông:“ Họ nói là lên đây hỗ trợ lương thực cho ăn ba năm, nhưng mà cấp gạo có một năm chứ mấy. Với lại không có đất làm ăn, mình phải đi phát rẫy, chỗ mà dễ thì mình phát rẫy.

-Vì sao mà vào đây phải đốt rừng làm rẫy?

- Vì đói, không có chi ăn. Ở dưới chỗ cũ có ruộng này, nà cũng có, một năm làm ruộng hai lần. Còn ở trên này đâu có đất. Mình đi kiếm chỗ phát rẫy vậy, có chỗ hai chục lon giống, có chỗ một chục lon giống mình cũng phát. Mỗi chỗ một ít một ít rứa đó…”

Còn chồng chị Hồ Thị Vân là anh Hồ Văn Eo nói:

Băng tiếng phổ thông:(Rơm rớm)Hồi mà chưa đền bù thì hứa lên đây cấp đất, cấp ruộng, ai mà mất đất thì cấp đất, mất ruộng thì trả ruộng đầy đủ,nhưng mà đến chừ (giờ) vẫn không có!

Vợ chồng chị Vân bảo biết là vi phạm pháp luật nhưng vẫn phải làm chứ chả lẽ lại ngồi nhìn lũ con không có cái ăn? Rừng Trà Bui cứ bị tàn phá “hồn nhiên” như thế.

Người dân còn tìm đến cả các khu rừng giáp các xã Phước Hiệp, Phước Kim, Phước Thành của huyện Phước Sơn để phá rừng làm rẫy. Có rất nhiều hộ mua được cưa máy rồi chặt phá, đốn hạ cây to rất nhanh. Ông Đoàn Tất Chẩn, Phó Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh thừa nhận :

Băng:Từ khi đưa dân tái định cư với một số lượng rất là lớn vào đây, đất sản xuất cho dân thì không giao, người dân thì không có việc làm, cuộc sống hết sức là khó khăn thì người ra phải phá rừng.Trước đây khi chưa có thủy điện sông Tranh 2 thì tình trạng phá rừng làm rẫy hay khai thác gỗ trái phép trong lâm phận không đáng kể, còn sau khi có thủy điện sông Tranh 2 thì tình trạng này diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là chặt phá rừng làm nương rẫy. Riêng trong năm 2013, có đến gần 40 vụ người dân chặt phá rừng bị bắt và xử lý”

Để xây dựng công trình thủy điện Sông Tranh 2 hơn 300 hộ dân (cộng với hàng trăm hộ di dân tự do) được đưa vào trong vùng lõi rừng để “tái định cư”. Trước đây, hơn chục nghìn hécta rừng, chỉ có 24 hộ dân ở trong đó, rất yên bình. Bây giờ, mấy trăm hộ dân vào ở hẳn trong vùng lõi thì làm sao giữ được rừng? Ông Đoàn Tất Chẩn Phó Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh thở dài: “Tái định cư hàng nghìn người dân giữa rừng phòng hộ với hàng loạt cây cổ thụ quí thế này chẳng khác nào 'treo mỡ trước miệng mèo”?.

(Nhạc)

# (Lợi) Để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất cho người dân tái định cư Trà Bui, chủ đầu tư Thủy điện sông Tranh 2 xin được… phá hơn 700ha rừng để lấy đất. Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Nam đã từ chối đề nghị này vì thủy điện sông Tranh 2 đã “ngốn” tới 2.200ha đất rừng.

#(Sĩ)Thưa bà A Lăng Đinh, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đông Giang! Bà nghĩ như thế nào về quan điểm cho rằng: Để đạt mục tiêu có thủy điện thì phải chấp nhận việc mất đi diện tích rừng?

#( Bà Đinh) Tôi thì không tán thành quan niệm đó. Theo tinh thần chỉ đạo là một số diện tích rừng bị phá phục vụ thủy điện thì Chủ đầu tư phải có trách nhiệm trông rừng thay thế. Hôm trước đi dự hội nghị trên tỉnh tôi ngheChi cục Lâm nghiệp tỉnh, có 17 công trình thủy điện đã lấy mất 2.000ha rừng tự nhiên. Đến nay, chỉ có 10/17 chủ đầu tư lập và được duyệt phương án trồng rừng thay thế, nhưng cũng chỉ trồng, khoanh nuôi tái sinh được  khoảng 200ha rừng.

Hầu hết các chủ đầu tư TĐ đều không lập phương án trồng rừng thay thế, hoặc có phương án rồi nhưng không trồng, cũng không chuyển kinh phí cho các địa phương, đơn vị tổ chức trồng... Ví dụ Thủy điện Sông Côn 2 trên địa bàn chúng tôi đã có phương án trồng rừng thay thế được phê duyệt từ đầu năm 2011, nhưng đến nay vẫn không chịu chi trả hơn 3,3 tỉ đồng để Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Côn trồng thay thế 70ha rừng... 

#(Sĩ) Theo bà thì vì sao lại có tình trạng này?

# (Bà Đinh) Tôi cho rằng: Các chủ đầu tư thủy điện chỉ chăm chú việc xây dựng công trình và thu lợi nhuận, vô trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế... Ngoài ra, việc tìm diện tích đất để trồng rừng thay thế cũng đã là một khó khăn, bởi hầu hết diện tích đất trống đồi trọc đã giao cho người dân sử dụng. Bởi thế, tôi khẳng định là có tình trạng nhiều diện tích rừng trồng thay thế mà một số chủ đầu tư thủy điện thể hiện trong hồ sơ rất khó mà thuyết phục.

#(Sĩ) Thưa chị Bhriu Thị Hoa! Ở xã Mà Coi của chị, bà con mình có tham gia trồng rừng thay thế mà chủ đầu tư thủy điện họ đầu tư vốn không?

#(Chị Hoa) Trước thì họ cũng có nói là có trồng, họ mua cây giống rồi cấp cho dân tiền công để trồng nhưng đến bây giờ thì vẫn không thấy. Riêng chuyện làm đường để xe ra vào thủy điện tôi thấy là mất bao nhiêu gỗ, toàn là gỗ to thôi.

 #( Sĩ) Vâng cảm ơn bà A Lăng Đinh và chị Bhriu Thị Hoa!

Thưa bà con và các bạn! Hàng chục dự án thủy điện ở Quảng Nam đã ngốn cả chục ngàn hécta rừng, nhưng lại chỉ trồng bồi hoàn chưa đầy 1/2.000 diện tích rừng đã lấy đi. Tại Hội nghị về tác động của các công trình thủy điện ở miền Trung đối với xã hội và môi trường do Tổ chức Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam tổ chức gần đây ở thành phố Hội An, các nhà khoa học khẳng định: Thủy điện đã  gây tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội và môi trường. Chỉ tính mỗi MW thủy điện đã "nuốt" đến 16 ha rừng. Chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn. Ông Dương Chí Công, Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường Quảng Nam cho biết: Mới triển khai bốn dự án thủy điện mà rừng đã mất hơn 4.000ha, chưa kể 6.000ha rừng phải bị chặt bỏ để kéo đường dây điện. Nếu tỉnh Quảng Nam triển khai hết số thủy điện đã phê duyệt thì diện tích rừng sẽ ngày càng bị thu hẹp!

(Một phần bài hát Cơ Tu: Rừng xanh yêu thương)

# (Lợi) Thưa bà con và các bạn!

Thực trạng về thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục sẽ được các nhà Khoa học, nhà quản lý kinh tế và thậm chí ở một tầm cao hơn là Quốc hội, Chính phủ tìm ra những giải pháp hợp lý. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,  tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa VIII, diễn ra vào ngày 3 tháng 7 năm 2013 đã xem xét, quyết định loại bỏ, tạm dừng 20 dự án thủy điện trên địa bàn .

# (Sĩ) Tuy nhiên, hàng ngàn hộ dân ở các khu tái định cư thủy điện vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thực trạng này đang đặt ra cho chính quyền các địa phương nhiệm vụ rất nặng nề để tìm ra hướng đi phù hợp, ổn định đời sống của người dân vùng tái định cư.

# (Lợi) Trong chuyến công tác mới đây, phóng viên chúng tôi đã ghi nhận một số ý kiến của người dân như sau:

#(Oang trình bày):

Hai khu tái định cư thủy điện Pachepalanh và Cutchrun ở xã Mà Coi, huyện Đông Giang gồm những dãy nhà bê tông san sát như mặt phố.  Ông Nguyễn Văn Sung và anh A Rất Chơn ở Cutchrun cho biết:

Băng tiếng phổ thông: (Ông Sung) “Nhà lợp tôn, mùa hè thì nóng lắm, mùa mưa thì kêu to như gõ thùng ấy. Phải làm thêm cái nhà sàn có bếp lửa đằng sau nhà xây mới ở được.Họ làm cho cái nhà vệ sinh nhưng kiểu “đi xong” phải dội nước, còn bếp thì xây xi măng, mình không quen nên lấp đi làm cái chỗ để chứa bắp, chứa củi thôi”.

Băng tiếng Cơ Tu: (Anh Chơn): “Đất sản xuất họ nói cấp cho mỗi hộ 2 héc ta nhưng chỉ có hơn 1 ha thôi, mà đất xấu nhiều đá lắm gieo lúa rẫy năng suất thấp. Muốn có rẫy thì phải đi về chỗ ở cũ, nhưng đi xa quá. Nuôi con heo, con gà cũng khó hơn chỗ cũ vì nhà này cách nhà kia có một chút thôi”.

Ông A Lăng Dên ở khu tái định cư thủy điện Sông Bung 4, xã Tabhing, huyện Nam Giang bảo rằng:

Băng tiếng Cơ Tu: “ Ở chỗ cũ, có nhà Gươl, về chỗ mới này họ làm nhà cộng đồng bằng bê tông không hợp với phong tục của người Cơ Tu mình nên bà con không thích. Ít đất sản xuất quá nên nhiều nhà vẫn phải vào rừng để chặt cây phát rẫy trồng lúa, trồng sắn”.

(Nhạc cắt cực ngắn)

#(Sĩ) Thưa bà A Lăng Đinh! Vừa rồi là một số ý kiến người dân ở hai huyện Đông Giang và Tây Giang tỉnh Quảng Nam. Bà có nhận xét gì không ạ?

#(Bà Đinh)Đúng là bà con họ nói rất thật. Thiếu đất sản xuất và nhiều khi giữa chủ đầu tư và chính quyền phối hợp khảo sát, bố trí xây dựng khu TĐC chưa phù hợp với thói quen sinh hoạt của bà con. Tôi có thể khẳng định là tái định cư cũng làm xáo trộn nhiều thứ, ví dụ vấn đề tâm linh chẳng hạn vì mồ mả ông bà, người thân của họ nếu ở vùng phải giải tỏa thì di dời không đơn giản tí nào. Theo phong tục thì làng Cơ Tu thường được dựng trên mặt bằng rộng rãi, già làng xem đất, cũng đất, các nhà bố trí xung quanh theo hình bầu dục, chính giữa là nhà Gươl. Thế nhưng tìm mặt bằng thích hợp rất khó nên hầu hết các khu tái định cư đều không đáp ứng được. Cái khó nó bó cái khôn là vì vậy.

Điều mà tôi và nhiều đồng chí lãnh đạo lo nhất là nếu không xây dựng được Gươl đúng theo phong tục của đồng bào thì rất khó. Gươl với người Cơ Tu nó cũng giống như đình làng của người nông dân Bắc Bộ. Đó là nơi thờ cúng tổ tiên, nơi bàn chuyện lớn, nhỏ của làng và là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa truyền thống như các lễ hội, múa tung tung da dá, hát lý, hát babooch v.v...

#(Sĩ) Thưa bà A Lăng  Đinh! Có nghĩa là không gian văn hóa làng Cơ Tu sẽ bị ảnh hưởng lớn. Điều đó đồng nghĩa với việc đe dọa đến bảo tồn văn hóa truyền thống.

#(Bà Đinh) Đúng là như vậy!

#(Sĩ) Thưa bà con và các bạn! Thưa các vị khách mời!

Gần đây, khi nói về sự phát triển thủy điện, nhiều người hay nhắc đến hai chữ ĐÁNH ĐỔI. Muốn phát triển thủy điện, phải chấp nhận đánh đổi rừng phòng hộ bị mất. Muốn phát triển kinh tế, đôi khi phải chấp nhận đánh đổi nhiều thứ, kể cả văn hóa v.v.. Vậy, nên hiểu như thế nào cho đúng và quan trọng là cần phải làm gì để giúp người dân vùng tái định cư thủy điện sớm ổn định được đời sống? Xin mời bà con và các bạn nghe nội dung trao đổi giữa phóng viên Chương trình với ông Bhriu Liếc, UV dự khuyết BCH TƯ Đảng, Bí thư Huyện ủy Tây Giang và ông Nguyễn Bằng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đông Giang, tỉnh Quảng Nam:

#( Lợi dẫn trao đổi- Nhàn dẫn dịch  ông Băng, Sĩ dẫn dịch ông Liêc)

Xin được bắt đầu cuộc trao đổi này với ông Nguyễn Bằng, Bí thư Huyện ủy Đông Giang. Thưa ông! Quan điểm của ông về hai chữ ĐÁNH ĐỔI mà gần đây hay được nhắc tới khi nói về việc phát triển thủy điện là gì ạ?

#Ông Bằng: Theo tôi thì về mặt lý thuyết thì không có một cái viêc gì khi triển khai thực hiện không thể có hai mặt của một vấn đề. Cho nên khi chúng ta chấp nhận việc triển khai các dự án thủy điện thì phải nhìn nhận là chúng ta phải mất một cái gì đó, không thể không mất. Những cái mất về mặt kinh tế cũng có, về mặt xã hội cũng có, về mặt môi trường cũng có, và đặc biệt là cũng có kể cả về vấn đề tâm linh, văn hóa nữa. Điều quan trọng là chúng ta phải so sánh giữa cái được và cái mất cái nào thì lớn hơn. Tôi cho rằng, được về mặt kinh tế mà mất về vấn đề văn hóa, mất về vấn đề ảnh hưởng môi trường thì rõ ràng cái sự đánh đổi là không nên. Mục đích của việc đầu tư các công trình thủy điện là vì lợi ích Quốc gia, rồi phát triển kinh tế - xã hội. Mà suy cho cùng thì kinh tế phải phát triển tại đúng cái nơi mà triển khai các công trình thủy điện, nói cách khác là phát triển con người tại cái vùng đó. Nếu chúng ta làm mất đi vai trò của người dân ở đó, các vấn đề văn hóa ở đó thì cái giá chúng ta phải trả là quá đắt.

#(Lợi) Cảm ơn ông Nguyễn Bằng. Thưa ông Bhriu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang! Có khá nhiều bất cập trong việc bố trí tái định cư thủy điện. Nhưng mà phải thừa nhận rằng, dường như vai trò của chính quyền địa phương trong vấn đề này khá mờ nhạt. Ông nghĩ như thế nào về điều này?

# Ông Liếc: Rất tiếc đó lại là sự thật. Mình phải nhìn thẳng vào sự thật thì mới tìm ra giải pháp được. Khi chủ đầu tư muốn làm cho nhanh để được việc của họ, nhưng nếu địa phương không đồng ý, không cho làm thì chắc chắn họ sẽ không bao giờ làm được chuyện đó. Vấn đề là có lúc địa phương phó thác cho chủ đầu tư, người ta muốn làm gì cứ làm, sau này mình có công trình mình lấy, làm qua loa trên giấy tờ rồi ký tá, khi có công trình rồi thì lòi ra một việc bà con chỉ có mặt bằng ở mà không có đất sản xuất. Cũng giống như là vừa rồi tôi đi khảo sát nông thôn mới, cán bộ huyện Tây Giang và chủ đầu tư chỉ làm việc trên bản đồ, không đi thực địa. Ai đời thiết kế xây dựng sân vận động xã vùng cao A Xan trên bản đồ là vậy nhưng thực tế tọa độ đó lại là đỉnh núi cao đấy! Cái này là lỗi ở chính quyền quan liêu và thiếu trách nhiệm với dân. Nếu cán bộ chính quyến sâu sát, kiểm tra thực địa sai với bản đồ qui hoạch của nhà thiết kế, đầu tư, không chấp nhận thì khó mà  họ có thể làm được.

#(Lợi) Tức là sai thì phải sửa, sửa cho phù hợp phù hợp với thực tế. Có đúng không thưa ông Nguyễn Bằng?

Ông Bằng:Tôi tán thành ý kiến a Bhriu Liếc.Trong thực tế cuộc sống này không có anh nào làm không sai, chính cái sai đó là cái bài học lớn mà ông bà mình nói mỗi lần nghã là mỗi lần bớt dại. Như vậy là địa phương cũng sai, chủ đầu tư cũng sai, nhà nước chúng ta đôi khi cũng sai chứ ….Nhưng anh nào khôn khéo biết nhận cái sai sửa thành tốt thì cái đó mới là văn minh, như thế mới vì dân, anh thẳng thật xuống nhận lỗi với dân để chúng ta làm tốt thêm, cái đó dân còn ủng hộ mình nữa, chứ còn bây giờ phó thác hết đổ lỗi cho thủy điện là không ổn.

#(Lợi) Còn ý kiến của ông Briu Liếc thế nào ạ?

Ông Liếc:Huyện Tây Giang từng sai và chúng tôi đã phải thừa nhận và quyết tâm sửa sai đấy chứ. Ở xã Dang, có hai thôn tái định cư thủy điện A Vương là Ka La và A Lua, ban đầu làng định cư xây dựng ngay gần mép hồ.Tưởng là để dân có thể khai thác thủy sản lòng hồ, nhưng do mình khảo sát kỹ thuật sai nên dân mới ở nhiều nhà đã bị lún sụt, thậm chí là rơi xuống lòng hồ báo chí họ đã nêu. Chúng tôi đã phải xin lỗi dân, lồng ghép các nguồn vốn để di dời hai khu này và bên Thủy điện cũng phải hỗ trợ thêm 12,5 tỷ. Hiện nay chúng tôi sắp xếp lại hai khu tái định cư trên ổn, đất sản xuất có, mặt bằng làm đẹp, dân phơi phới.

Ông Bằng: Tôi đã có dịp đến hai khu tái định cư mà a Liếc vừa nói. Điều mà chúng tôi tâm đắc trong cách sửa sai của huyện Tây Giang là chính quyền chỉ tìm mặt bằng tái định cư và hỗ trợ một phần kinh phí  làm nhà, còn giao cho già làng chủ trì, bà con họ tự bố trí sắp xếp vị trí các nhà theo tộc họ, ví dụ họ A Lăng ở một góc, họ Hoih, họ A Rất hay họ Bhriu ở một góc chứ không áp đặt kiểu xây sẵn nhà bê tông rồi kêu dân đến ở. Bà con họ còn góp thêm công,của xây dựng nhà Gươl ở chính giữa rất đẹp. Cái này dân người ta rất hoan nghênh.

(Nhạc cắt cực ngắn)

# (Lợi) Thưa ông Bhriu Liếc! Việc bố trí thêm đất sản xuất cho người dân các khu tái định cư thủy điện hiện nay là rất khó. Theo ông thì cần tìm cách gì để tháo gỡ khó khăn này?

Ông Liếc: Đây không phải là vấn đề giải quyết được ngày một ngày hai. Tôi không tán thành việc xin chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ sang đất sản xuất vì làm như vậy sẽ không giải quyết được lâu dài. Thực tế huyện Tây Giang chúng tôi khuyến khích người dân trồng những loại cây có giá trị kinh tế nhưng ít tốn đất sản xuất như trồng cây ba kích, sâm dược liệu kết hợp với chăn nuôi.

# (Lợi) Thế còn ông Bằng, chính quyền huyện Đông Giang đang tìm hướng giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất ra sao ạ?

Ông Bằng: Chủ trương của huyện chúng tôi là không làm lúa nước bằng bất kì giá nào. Bởi vì giá thành đầu tư cho cây lúa nước rất lớn, rủi ro của cây lúa nước rất lớn. Nhưng mà giai đoạn trước mắt thì huyện đành chấp nhận đầu tư gần 40 ha lúa nước ở vùng tái định cư thủy điện để giải quyết cái ăn cho bà con. Hướng lâu dài phải là chuyển sang trồng chè, trồng chuối, trồng cao su kết hợp với chăn nuôi. Và thực tế là một số thôn bà con họ đã làm thấy cũng nhiều hy vọng. Đặc biệt, với hai huyện Đông Giang và Tây Giang, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu rất thích hợp với trồng cây cao su. Tôi  nghĩ, đây là một hướng đi mang tính lâu dài và hiệu quả kinh tế cao.

#(Lợi) Vâng. Xin cảm ơn ông Nguyễn Bằng và ông Bhriu Liếc về cuộc trao đổi này.

(Nhạc)

# (Sĩ)Thưa bà con và các bạn!

Thực tế cho thấy: phát triển thủy điện, thiệt hại về môi trường và xã hội rất khó khắc phục, thậm chí là không thể. Vì vậy cần có một chính sách hợp lý nhằm đem lại kết quả tốt hơn cho môi trường và con người khi thực hiện xây dựng một dự án thủy điện.

#(Lợi) Đã, đang và sẽ có những chính sách được xây dựng, bổ sung để có một định hướng phát triển thủy điện đúng đắn ở nước ta.

#(Sĩ) Thủy điện đang góp phần đem lại diện mạo mới cho vùng cao, đồng thời đặt ra  hàng loạt vấn đề để giải quyết những bất cập nảy sinh. Việc HĐND tỉnh Quảng Nam ra Nghị quyết dừng 20 Dự án thủy điện vừa và nhỏ cũng xuất phát từ quan điểm mới: Cần cân nhắc thận trọng mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với những tác động về môi trường, xã hội.

#( Lợi)Thời lượng của chương trình sắp hết. Chúng tôi xin dành cho vị khách mời của chương trình là bà A Lăng Đinh- Trưởng phòng Dân tộc huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam có đôi lời với thính giả. Xin mời bà A Lăng Đinh:

Bà Đinh: Cảm ơn Ban Biên tập đã có lời mời chúng tôi tham gia chương trình này. Như tên gọi của chương trình là “Vùng cao thời thủy điện” đã đề cập một số vấn đề rất thiết thực với đời sống của bà con vùng tái định cư thủy điện. Thực tế triển khai của chúng ta phải thừa nhận là còn nhiều bất cập. Tôi tâm đắc một điều mà anh Bhriu Liếc- UV dự khuyết TW Đảng, Bí thư Huyện ủy Tây Giang đã phát biểu như thế này: Không nên cái gì mình cũng đổ lỗi cho thủy điện. Nếu chính quyền mình có những cái sai thì mình phải nhìn nhận và phải sửa. Để ổn định đời sống bà con vùng thủy điện thì còn nhiều vấn đề đặt ra, nhưng trước mắt chính quyền, nhà đầu tư thủy điện cần phải có sự phối hợp để tháo gỡ dần khó khăn cho bà con. Cũng cần có thêm chính sách hỗ trợ hợp lý hơn cho bà con, ví dụ nên hỗ trợ lương thực cho bà con 7 năm thay vì 5 năm đầu như hiện nay vì bà con còn nhiều khó khăn lắm. Về phần bà con mình ở vùng thủy điện thì cũng không nên  ỷ lại nhà nước, phải biết tiết kiệm và quan trọng là cần học hỏi cách làm ăn mới, trồng cây gì, nuôi con gì cho có hiệu quả kinh tế thì mới mong sớm ổn định được đời sống./.

#(Lợi) Vâng, một lần nữa, cảm ơn bà A Lăng Đinh, cảm ơn chị Bhriu Thị Hoa đã cùng tham gia trong chương trình này.

 Bà con và các bạn thân mến! Chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu của Đài TNVN hôm nay đến đây là hết. Chương trình do BTV A Lăng Duy biên soạn và dàn dựng; chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Tấn Tư. Cảm ơn bà con và các bạn đã chú ý lắng nghe. Xin chào, hẹn gặp lại trong các chương trình phát thanh sau./.

(1/2 Bài hát Người Cơ tu xây đời sống mới)./.


Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC