Z'HAI G'LĂNG COOCH BOOC N'LOONG ÂNG MA NƯIH CƠ TU
Thứ tư, 17:36, 14/08/2024 Jumi Sĩ Jumi Sĩ
PV Aviết Sĩ vêy g'luh prá xay lâng anoo Pơ Loong Tiết ăt coh Pa Lan, chr'val La Êê, chr'hoong Nam Giang, tỉnh Quảng Nam ooy bh'rợ cooch booc n'loong âng ma nưih Cơ Tu

Cùng với các loại hình văn hoá được công nhận Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia, nghệ thuật điêu khắc gỗ của người Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam được xem là nét độc đáo mang đậm bản sắc riêng. Nhiều tác phẩm điêu khắc được các nghệ nhân Cơ Tu phản ánh rõ nét đời sống sinh hoạt, lao động - sản xuất, tín ngưỡng còn được giữ gìn qua các thế hệ. " CM Dưới mái Nhà Gươl" tuần này, PV A Viết Sĩ có cuộc trao đổi với anh Pơ Loong Tiết ở thôn Pa Lan, xã La Êê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam về nghệ thuật điêu khắc gỗ Cơ Tu.

 

 

PV: Xin chào anh Pơ Loong Tiết. Thưa anh! Từ khi nào anh biết điêu khắc gỗ và ai là người chỉ dạy cho anh?

Anh Pơ Loong Tiết: Từ nhỏ tôi luôn tò mò và thích thú xem các nghệ nhân trong thôn, xã đục đẽo các linh vật rất đẹp. Nhưng đa phần là tôi tự mày mò, tìm tòi và học hỏi. Vì có chút năng khiếu nên tôi học và làm được rất nhanh. Năm 2014 lần đầu tiên thôi tham gia làm Gươl cùng các nghệ nhân trong thôn. Tôi được phân công điêu khắc tượng người, chim, thú... truyền thống của người Cơ Tu.

PV: Trong khi nhiều bạn trẻ cùng trang lứa, không mấy ai mặn mà với nghệ thuật điêu khắc, vì sao anh lại yêu thích công việc này?

Anh Pơ Loong Tiết: Có thể nói, không chỉ nghệ thuật điêu khắc mà tất cả văn hoá truyền thống của người Cơ Tu tôi đều yêu thích cả. Nó ăn sâu vào máu rồi. Tôi cũng muốn góp một phần công sức của mình trong việc giữ gìn và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Mong các bạn trẻ có thể học tập, làm theo để điêu khắc truyền thống của người Cơ Tu ngày càng phát triển, không bị mai một.

PV: Anh có thể điêu khắc được những tác phẩm gì?

 Anh Pơ Loong Tiết: Nói chung về nghệ thuật điêu khắc gỗ tôi đều làm được. Từ điêu khắc trang trí nhà ở hay Gươl, Moong tôi làm được cả. Khu dựng Gươl làng hay tham gia các lễ hội xã, huyện tổ chức tôi thường hay khắc tượng người và chim thú như con rồng, hổ, trâu, trăn,... Thấy thì đơn giản, nhưng nếu không yêu thích và tìm tòi, học hỏi thì không thể làm được.

PV: Theo anh, điều khó khăn nhất trong điêu khắc gỗ của người Cơ Tu là gì?

Anh Pơ Loong Tiết: Nói về khó khăn trong điêu khắc gỗ thì cũng rất nhiều. Nó đòi hỏi sự chỉnh chu và tỉ mỉ từng chi tiết của người làm, chứ không thể vội vàng, qua loa được. Ví dụ như khắc hình con thú, nếu sai lệch một tí thì xem như bỏ luôn cả khúc cây đó, kiếm lại cây rất khó, tốn nhiều thời gian và công sức. Dụng cụ để dùng điêu khắc cũng không đầy đủ, làm thủ công rất vất vả. Nhưng nếu chúng ta làm quen rồi, thêm tay nghề tốt và có nhiều kinh nghiệm thì cũng không khó khăn nhiều. Như tôi giờ thấy làm cũng đơn giản.

PV: So với các dân tộc khác như Ve, Tà Riềng thì nghệ thuật điêu khắc gỗ Cơ Tu có gì khác, thưa anh?

 Anh Pơ Loong Tiết: Nói chung về điêu khắc Gươl, Moong người Cơ Tu so với các dân tộc khác cũng có sự khác biệt rõ rệt. Nhưng nhìn chung vẫn có một số nét tương đồng nhau, chẳng hạn giống nhau về các hình tượng, các con vật nhưng về cách chế tác thì khác nhau. Đơn giản nhất là tượng người Cơ Tu thì tạc theo điệu múa tân tung da dá trong trang phục thổ cẩm truyền thống, còn của người Ve, Tà Riềng thì họ không có Tân tung da dá và trang phục cũng khác nhau nên khi điêu khắc nó cũng khác nhau. Còn lại Cơ Tu ở Nam Giang, Đông Giang hay Tây Giang thì cơ bản đều giống nhau cả. Vẫn giữ được nguyên bản giá trị truyền thống.

PV: Là một người còn trẻ lại yêu thích nghệ thuật điêu khắc gỗ truyền thống. Vậy, anh có điều gì muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ ngày nay?

Anh Pơ Loong Tiết: Mục đích tôi đến với nghệ thuật điêu khắc gỗ phần vì đam mê và phần vì mong muốn được lưu giữ, phát triển nghệ thuật điêu khắc truyền thống. Qua đây cũng mong các bạn trẻ có thể xem, học hỏi kinh nghiệm và làm theo. Mỗi dân tộc đều có những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, tôi mong các bạn trẻ đừng thờ ơ mà hãy biết trân trọng, nối tiếp những gì mà ông cha để lại, để văn hoá truyền thống của đồng bào mình luôn được gìn giữ, lan toả sâu rộng và không bị mai một.

PV: Vâng! Cảm ơn anh Pơ Loong Tiết về cuộc trao đổi này!

Jumi Sĩ

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC