Lai Châu chủ động ngăn chặn dịch tả lợn Châu phi
Thứ sáu, 00:00, 15/03/2019 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN – Tỉnh Lai Châu đã và đang triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn.

 

Toàn tỉnh Lai Châu hiện có trên 250 nghìn con lợn, tăng hơn 16 ngàn con so với cùng kỳ năm 2018. Tuy đàn lợn phát triển, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về con giống và thực phẩm, nên vẫn phải nhập từ các địa phương khác. Số lợn nhập về hàng tháng chiếm tỷ trọng từ 30 - 40% tổng nhu cầu của địa phương và chủ yếu là lợn thương phẩm.

Trước tình hình dịch tả lợn Châu phi diễn biến phức tạp, trong đó có các tỉnh lân cận như Sơn La, Điện Biên, nhiều hộ chăn nuôi ở Lai Châu đang bất an, lo sợ đàn lợn bị nhiễm dịch từ các vùng khác vận chuyển vào địa bàn. Các hộ đều đề cao tinh thần cảnh giác, chủ động trong việc ứng phó với dịch bệnh một cách hiệu quả.

Các hộ chăn nuôi đều hiểu rằng: bệnh dịch tả Châu Phi mới vào Việt Nam, công tác tiêm phòng chưa có, bởi vậy điều quan trọng là cần sát trùng, vệ sinh sạch sẽ hằng ngày và tiêm phòng vắc-xin định kỳ cho các lứa lợn con.

Kết quả khảo sát thời gian qua cho thấy, phần lớn vi-rút dịch tả lợn Châu Phi lây lan nhanh là do việc giết mổ, vận chuyển lợn từ vùng dịch vào vùng không có dịch. Lai Châu hiện có hơn 265km đường biên giới, ngoài cửa khẩu chính, địa phương còn có nhiều đường mòn, lối mở thường xuất hiện tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm; trong khi đó tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) dịch đã xuất hiện và lây lan trên diện rộng.

Không chỉ ở bên ngoài, ở trong nước, dịch tả lợn Châu phi đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành, trong đó có hai tỉnh lân cận là Sơn La và Điện Biên. Do đó nguy cơ xâm nhập của dịch từ trong nước, cũng như từ biên giới với Trung Quốc vào địa bàn Lai Châu là rất cao. Trước tình hình đó, công tác phòng, chống dịch đang được địa phương đẩy mạnh.

Tỉnh đã thành lập 4 chốt kiểm dịch động vật trên các tuyến đường trọng điểm đi vào tỉnh Lai Châu. Các chốt kiểm dịch đều phân công cán bộ trực 24/24h, không để bất cứ phương tiện vận chuyển động vật nào, đặc biệt là lợn và sản phẩm của lợn vào địa bàn mà không được kiểm dịch và kiểm tra.

Công tác kiểm tra vệ sinh thú y của các trại chăn nuôi, các cơ sở vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật được tăng cường, để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm về công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ. Chủ động lấy mẫu của các đàn lợn nghi có biểu hiện không bình thường để gửi xét nghiệm và phát hiện sự xuất hiện của vi-rút bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn.

(Khử trùng chuồng trại để phòng chống dịch bệnh- Ảnh: VOV)

Địa phương cũng tiến hành tuyên truyền cho người dân và những người kinh doanh biết về tác  hại của bệnh dịch tả lợn Châu Phi để có biện pháp phòng tránh.

Người dân cần chủ động thực hiện “5 không” trong phòng, chống dịch bệnh như: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh cũng như thịt lợn chết; không vứt xác lợn bệnh, lợn chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa không qua xử lý nhiệt để chăn nuôi lợn.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lai Châu khuyến cáo người dân không nên hoang mang, không vì bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra nhiều mà tẩy chay thịt lợn. Nên sử dụng thịt lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có đóng dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan chuyên môn. Bởi bệnh dịch tả lợn Châu Phi chỉ lây nhiễm trên lợn mà không lây nhiễm sang người và các động vật khác./.

 

Khắc Kiên/VOV Tây Bắc

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC