Hơn 1 tuần nay, Hội nông dân xã Ea Lê, xã có diện tích lúa lớn nhất của huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk trở nên bận rộn vì dịch dầy nâu tăng mạnh tại địa phương. Đây là vụ lúa bị rầy nâu nặng nhất trong 6 năm qua. Hội đã phối hợp với Trạm khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật huyện, kiểm tra tình hình để kịp thời khuyến cáo nông dân về các biện pháp xử lý phù hợp. Do rầy lây lan nhanh, một số nông hộ đã phải gặt lúa non. Một số hộ khác chấp nhận bỏ lúa.
Tại xã Ea Lê mùa này, lúa đã bắt đầu chín vàng, trải rộng ngút ngát hai bên trục đường liên xã. Đứng trên đường cũng có thể thấy trên các thửa ruộng là lỗ chỗ những đám lúa đã bị cháy rầy.
Trong số những nông dân phải gặp lúa sớm để chạy dịch, anh Hồ Giáp ở thôn 3, đã gặt được 4 sào lúa trong tổng số hơn 2 hécta của gia đình. Anh Giáp cho biết, vẫn 4 sào này, vụ trước gia đình thu được 3 tấn rưỡi lúa, nhưng vụ này chỉ thu được 2 tấn rưỡi. Vụ trước, gia đình tận thu cả rơm để nuôi trâu bò, nhưng vụ này rơm phải đốt bỏ.
Vụ gặt mới của vùng lúa Ea Súp bắt đầu từ những thửa gặt "chạy rầy"
Cứ khoảng 6 năm, rầy nâu hại lúa sẽ xuất hiện một lần trên các vùng lúa của huyện, nhưng vụ này mức độ nhiễm rầy nặng hơn những lần trước. Nhất là ở Cánh đồng 1, xã Ea Lê, nhiều thửa ruộng bị cháy rầy loang lổ, tổng diện tích hơn 20 nghìn mét vuông.
Để ngăn chặn nguy cơ rầy nâu lây lan, ảnh hưởng vụ sản xuất tới, Trạm bảo vệ thực vật huyện Ea Súp đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến các biện pháp kỹ thuật phù hợp. Một số diện tích bị nhiễm rầy, nhưng sát ngày gặt thì khuyến cáo bà con nhanh chóng gặt sớm. Với diện tích nào không thể gặt được thì tiến hành phun thuốc. Trạm cũng tăng cường giám sát thị trường thuốc bảo vệ thực vật, tránh việc lợi dụng tăng giá, gây thêm áp lực cho nông dân.
Ảnh minh họa
Ea Súp là huyện sản xuất lúa lớn nhất Đăk Lăk, với 8 nghìn ha trong vụ đông xuân này. Do hạ tầng thủy lợi tốt, đa số nông dân trong huyện sản xuất 3 vụ lúa mỗi năm, thời gian cách vụ rất ngắn. Thêm vào đó, thời tiết khí hậu năm nay ở Ea Súp rất khác thường, với nền nhiệt thấp, nắng ít, mưa nhiều hơn mọi năm. Đây đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ rầy nâu tiếp tục tồn dư, gây hại cho vụ mùa tiếp theo của huyện. Nông dân, chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn ở huyện đang tiếp tục các biện pháp phù hợp để sớm dập dịch, đảm bảo năng suất chất lượng cho cây lúa - nguồn thu chính của nông dân địa phương./.
Dương Đình Tuấn/VOV Tây Nguyên
Viết bình luận