Chinh phục "sống lưng khủng long" mùa lau trắng
Thứ sáu, 11:07, 08/10/2021 HH BTCT HH BTCT
VOV4.VN - Bình Liêu nằm cách thành phố Hạ Long, Quảng Ninh khoảng 100km. Nơi đây có khá nhiều cột mốc nổi tiếng nằm rải rác trên cung đường tuần tra biên giới, là điểm đến thiêng liêng cho bất cứ ai muốn chinh phục. Đặc biệt, hành trình chinh phục cột mốc 1305 phải băng qua con đường giữa các đỉnh núi được dân phượt gọi là “sống lưng khủng long”.

Bức tranh biên giới hùng vĩ

Tháng 10 về, rẻo đất vùng cao nơi “sống lưng khủng long” gọi mùa bằng bạt ngàn lau trắng. Tạo cho nơi đây vẻ đẹp nên thơ như chốn bồng lai tiên cảnh. 
Để lên được cột mốc 1305, bạn phải đi qua một quãng đường lát bằng bê tông 2.000 bậc thang. Trên quãng đường ấy hai bên là sườn núi dốc. Đường lên dốc trập trùng. Có những đoạn dốc ngược, có những đoạn thoai thoải. Cái tên sống lưng khủng long có lẽ bắt nguồn từ đấy. Mỗi bước chân qua bạn sẽ có một cảm nhận khác nhau về vẻ đẹp hùng vĩ của đất trời biên cương.

Núi ấp ôm mây. Ảnh: VOV.VN

Những bước chân của 500m đầu tiên, bạn xuyên qua dưới những tán thông lâu năm rì rào trong gió. Vươn tầm mắt ra xa, không gian khoáng đạt, uốn lượn của cung đường tuần tra biên giới cũng đã khiến bạn tiêu tan mọi mệt nhọc. Dừng chân ở trạm nghỉ đầu tiên, bạn đã có thể dừng lại check in, hít hà hương rừng, gió núi.

"Bọn mình cứ hay trêu đây là khấu đuôi khủng long. Lên tiếp nữa các bậc thang dốc hơn. Độ cao sẽ cảm nhận được gió sẽ rất mạnh, khiến cho các bạn cảm thấy mát và khoan khoái. Có lẽ nhờ cái gió núi đấy mà những mệt nhọc ban đầu sẽ quên đi".

Lời giới thiệu của Anh Tô Đình Hiệu, Phó giám đốc trung tâm truyền thông và văn hóa huyện Bình Liêu có lẽ đã làm bạn tò mò. Bước lên những bậc thang ở trạm tiếp theo, con đường dốc hơn và thảm thực vật ở đây vô cùng tuyệt đẹp.

Nếu đi vào mùa xuân, bạn sẽ bắt gặp những bụi mâm xôi chín mọng. Lên cao hơn nữa là màu của những bụi trúc rừng, những thảm cỏ lau xanh mướt vươn lên đầy sức sống. Mùa thu, những cánh đồng lúa chín nhuộm vàng lưng núi, hoa lau bung nở trắng mướt trên những sườn đồi. Và kể từ đó trở đi, cỏ lau sẽ ngả sang màu cỏ cháy để đón một mùa đông lạnh giá. Nhưng dù đi bất kỳ mùa nào, bạn "Nó là một bức tranh biên giới hùng vĩ. Trên nền hùng vĩ ấy sẽ có những nét thơ mộng. Thỉnh thoảng sẽ có những đám mây trôi qua, mình cảm giác, chỉ giơ tay thôi cũng đã chạm đến mây. Đấy là cảm giác rất tuyệt vời. Nhiều lần đặt chân lên sống lưng khủng long, mỗi một lần đi lại có những cảm xúc khác nhau. Bởi vì, mỗi bước chân đi có những suy nghĩ, khi mà bao nhiêu các thế hệ cha anh đã đổ mồ hôi, xương máu để giành và giữ từng tấc đất biên cương. Có nhiều du khách từ tận mũi Cà Mau, rồi trong miền Nam, đặc biệt là có những du khách lớn tuổi, nhưng các bác, các bà vẫn lên được cột mốc này, mới nghe giới thiệu: đây là cột mốc đánh dấu chủ quyền của nước Việt Nam thường các du khách rất xúc động. Có những người ôm hôn cột mốc. Đó là động lực để cho hàng tuần mình vẫn lên được cột mốc". 

Nét văn hóa của đồng bào thiểu số ở Bình Liêu. Ảnh: VOV.VN

Hương vị của rừng
Đến Bình Liêu, bạn không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiêng liêng của biên cương hùng vĩ, mà ở đó bạn còn được hòa mình vào cuộc sống của đồng bào thiểu số như Dao, Tày, Sán chỉ… Đó là hồn cốt của mảnh đất phên dậu này. 
Từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, bà con các dân tộc nơi đây có lễ mừng cơm mới. Đây là nghi lễ nông nghiệp được tổ chức thường niên. Cơm mới được làm từ lúa nếp mới thu hoạch, phơi khô, còn giữ được mùi thơm giòn của nắng. Người ta đồ lên thành xôi. Xôi trong lễ mừng cơm mới được tạo màu bằng lá rừng. Bà con sẽ hái những lá rừng còn xanh, rửa sạch, để ráo nước. Sau đó, cho vào cối giã nhuyễn, vắt lấy phần nước. Và sau khi xôi chín, vớt ra để nguội. Lúc ấy, xôi sẽ được trộn với nước lá rừng để tạo thành xôi màu xanh. Mùi thơm của nếp nương, mùi thơm của lá rừng quyện vào nhau phả vào trong gió se đua nhau đánh thức vị giác.
"Ở Bình Liêu phải kể đến các loại bánh trái. Loại bánh giản dị thôi thường được gói đón khách quý và làm quà cho khách quý mang về. Đó là bánh coóc mò. Bánh coóc mò là một loại truyền thống của người Dao, người Tày và người Sán chỉ. Bởi vì bánh có ba góc hình chóp nhọn giống như cái sừng bò nên gọi là bánh coóc mò".
Bánh coóc mò được làm bằng gạo nếp, nhân thịt, trộn với lá kim lông để tạo thành màu đỏ. Bà con thường gói bánh bằng lá chít cho đượm hương. Dịp Tết, nhà nào cũng dậy mùi bánh coóc mò. Món quà thơm thảo của gia chủ mời khách quý thưởng thức và gói tặng lúc ra về.
Một loại bánh cũng rất đặc trưng của bà con dân tộc ở Bình Liêu đó là bánh ngải. Bánh được làm bằng lá hoặc ngồng cây ngải cứu non trộn với bột nếp. Lá ngải cứu sau khi hấp chín mềm với bột gạo nếp họ sẽ nặn thành bánh.
"Và để cho bánh thơm, ngon hơn người ta thường cho nhân lạc rang, giã nhỏ trộn với vừng, đường. Bánh ngải có hình tròn, dẹt, giống với bánh dày của người Kinh. Có mùi thơm của gạo nếp và mùi lá ngải. Bánh dẻo, ăn ngon và có vị ngọt của đường, vị đắng nhẹ, thơm nồng của lá ngải. Vị thơm của vừng hoặc của lạc rang".
Nếu bạn là người ưa khám phá văn hóa của đồng bào thiểu số, Bình Liêu sẽ khiến bạn không thất vọng. Tháng Giêng, người Tày vui hội hát then đàn tính trong lễ hội Đình Lục Nà. Tháng 3, người Sán chỉ tưng bừng lễ Soóng cọ, nghe con trai con gái tìm nhau qua câu hát giao duyên. Tháng 4, đồng bào Dao Thanh phán tạm gác mọi công việc để đi hội Kiêng gió – ngày để tất cả mọi người gặp bạn bè tâm sự, cùng say trong men rượu, men tình…

 

Lâm Thanh/VOV4


HH BTCT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC