

Sáng sớm, già làng Đinh Chuyên lại tỉ mẩn chỉnh âm cho bộ cồng chiêng trăm năm tuổi. Ông cùng các đội chiêng trong làng luyện tập để phục vụ du khách, đồng thời gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc.
"Chúng tôi biết ơn Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho bà con phát triển du lịch cộng đồng", già làng chia sẻ và kiến nghị Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà Rông để phục vụ du lịch và bảo tồn văn hóa.
Trước đây, người dân Mơhra-Đáp chỉ quen với nương rẫy. Nay, họ đã làm quen với du lịch, vừa tăng thu nhập vừa gìn giữ văn hóa cha ông. Trai gái trong làng tiếp nối nghề dệt, đan lát và làm nhạc cụ dân tộc. Họ được tham gia các lớp tập huấn về du lịch cộng đồng để nâng cao kiến thức, kỹ năng.

Anh Đinh Phớt, người dân trong làng, cho biết: "Từ khi có du lịch cộng đồng, bà con rất phấn khởi. Làng có đội cồng chiêng, đội dệt vải, nhóm điêu khắc và nhóm đưa đón khách. Chúng tôi học hỏi kinh nghiệm từ nơi khác để phát triển du lịch, tăng thu nhập".
Du lịch cộng đồng Mơhra-Đáp mang đến trải nghiệm độc đáo: thưởng thức cồng chiêng, tìm hiểu sử thi, dệt thổ cẩm, ẩm thực dân tộc... Anh Đặng Ngọc Huy, du khách TP.HCM, ấn tượng với tính nguyên bản văn hóa của làng: "Người dân vừa bảo tồn văn hóa vừa có tiêu chuẩn phục vụ du khách".

Nhận thấy tiềm năng, huyện Kbang đã đầu tư xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái trong cộng đồng dân tộc Ba Na tại Mơhra-Đáp. Ông Nguyễn Tấn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai, đề xuất: "Cần đánh giá mô hình này để phân tích ưu, khuyết điểm, hoàn thiện quy trình".
Làng Mơhra-Đáp đang trở thành điểm sáng du lịch cộng đồng của Tây Nguyên, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch bền vững./.
Viết bình luận