

Dấu ấn lịch sử
Theo sử sách, tháng Chạp năm Tân Hợi (1431), sau khi bình định vùng Tây Bắc, trên đường quay trở về, vua Lê Thái Tổ đã cho tạc khắc bài văn bia vào vách đá Pú Huổi Chỏ. Tấm bia cổ Hoài Lai ấy là chứng tích khẳng định chủ quyền, thống nhất quốc gia nơi biên giới.
Ông Vũ Phong Oanh, Thủ nhang tại Đền thờ Vua Lê Thái Tổ, cho biết: “Văn bia Vua Lê Thái Tổ là bảo vật quốc gia, nằm trong quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là công trình có giá trị lịch sử, nhân văn sâu sắc”.


Để phát huy giá trị di tích, Ban quản lý đã phối hợp với các nhà trường tổ chức cho học sinh đến tham quan, tìm hiểu lịch sử. “Qua đó, các em sẽ tự hào về truyền thống dân tộc, nhớ về quê hương Lai Châu với đền thờ Vua Lê Thái Tổ”, ông Oanh chia sẻ.
Tôn vinh giá trị, quảng bá du lịch
Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ được tổ chức hàng năm, thu hút sự quan tâm của người dân và du khách. Anh Nguyễn Thanh Hùng, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: "Tôi thường đến đây vào dịp lễ hội để thắp hương, tưởng nhớ Vua Lê Thái Tổ, cầu mong sức khỏe, may mắn cho gia đình".

Ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn, cho biết: “Hàng năm, Đền thờ Vua Lê Thái Tổ đón trên 10.000 lượt khách. Năm 2024, huyện Nậm Nhùn đã đón gần 17.000 lượt khách du lịch. Nhận thấy giá trị to lớn của di tích, huyện đã nâng cấp quy mô lễ hội lên cấp tỉnh, mong muốn lễ hội sẽ trở thành sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn".


Nhiều hoạt động đặc sắc
Bên cạnh phần lễ, Lễ hội còn có các hoạt động văn hóa, thể thao như: đua thuyền, đua bè, thi giã bánh dày, thi văn nghệ, trình diễn trang phục dân tộc… thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ là điểm đến tâm linh hấp dẫn, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khẳng định chủ quyền quốc gia, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch của huyện Nậm Nhùn nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung./.
Viết bình luận