(VOV) - Tại Trà Vinh, dù hạn mặn ngày càng nghiêm trọng, nhưng nhờ chuyển đổi cơ cấu vật nuôi - cây trồng mà đời sống của người dân vùng hạn mặn tiếp tục được cải thiện.
Nếu như trước đây, vào mùa này ở các xã Ngọc Biên, Long Hiệp (huyện Trà Cú); Nhị Trường, Long Sơn (huyện Cầu Ngang) - địa bàn có hơn 80% đồng bào Khmer sinh sống, đi đến đâu cũng thấy lúa, thì nay được thay bằng cây màu ngút ngàn, mỗi hecta thu nhập từ 80-90 triệu đồng/năm. Đặc biệt, mô hình lúa – bắp, lúa – đậu phộng, ớt kết hợp chăn nuôi bò không chỉ chống chọi được hạn mặn mà còn giúp nhiều hộ có cuộc sống sung túc.
Ông Thạch Som Nang, ở xã Long Sơn, có 4 công đất rẫy, trước đây chỉ sản xuất được vụ lúa duy nhất, năng suất bấp bênh. Từ khi địa phương chủ trương chuyển đổi cây trồng, ông Nang chuyển sang chuyên canh ớt. Ông được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cách chọn giống, sản xuất theo nhóm, tổ. Kể từ đó, ông Som Nang chưa có vụ nào thất bại. Năm nay dù ảnh hưởng hạn mặn nhưng rẫy ớt vẫn cho thu nhập 50-60 triệu đồng/vụ.
Nhờ chuyển sang trồng ớt, đời sống nhân dân ấm no hơn. Ảnh: baomoi.com
Gia đình ông Kim Vanh Na, ở xã Long Hiệp, đã 4 năm tham gia Tổ liên kết trồng bắp giống, cho biết ngoài được bao tiêu sản phẩm với giá định trước, nông dân còn được Công ty Giống cây trồng miền Nam hỗ trợ giống và kỹ thuật. Nhờ đó, với diện tích 1 ha, vụ nào nha ông cũng thu lãi không dưới 35 triệu đồng. Gia đình ông còn nuôi hai con bò sinh sản, tận dụng phụ phẩm bắp làm thức ăn, nên mỗi năm thu nhập tăng thêm trên 20 triệu đồng từ bán bê con.
Đến nay Trà Vinh đã chuyển được gần 6.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang màu, đạt 68% kế hoạch. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đầu tư hơn 35 tỷ đồng nạo vét kênh nội đồng, ngăn mặn, chống hạn; triển khai 68 mô hình xen canh lúa – màu; chuyên canh các loại màu thế mạnh, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm hoặc có đầu ra ổn định như bắp giống, đậu phộng, ớt...; hỗ trợ hơn 1.900 hộ nghèo và cận nghèo thực hiện mô hình, với kinh phí trên 12 tỷ đồng, trong đó 70% là hộ dân tộc Khmer.
Là địa phương có hơn 30% dân là người dân tộc thiểu số, chỉ tính riêng Chương trình 135, năm rồi Trà Vinh đã được đầu tư gần 240 tỷ đồng. Riêng Dự án “Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer”, Trà Vinh được Tập đoàn điện lực Việt Nam đầu tư gần 448 tỷ đồng, tỷ lệ hộ Khmer sử dụng điện đạt trên 98%.
Bà con Khmer vùng ảnh hưởng hạn mặn Trà Vinh có thêm mùa Sen Đôn ta phấn khởi vì đời sống tiếp tục cải thiện. Khắp các phum sóc, ngày càng có nhiều ngôi nhà, ngôi chùa Khmer được xây dựng khang trang.
Sa Oanh/VOV-ĐBSCL
Viết bình luận