Lễ “ăn cung” của người Mông
Thứ tư, 00:00, 21/03/2018 Hải Huyền bt bài Hải Huyền bt bài
VOV4.VN - Cứ vào tháng 6 âm lịch, người Mông ở Sa Pa, Lào Cai, sẽ tổ chức lễ “ăn cung” – một nghi lễ cộng đồng đặc biệt của đồng bào nơi đây.


Theo ông Giàng Seo Gà, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Sa Pa, lễ “ăn cung” được coi như một nghi lễ tổng kết, đánh giá 1 năm lao động, sản xuất của người Mông.  Xưa, người Mông chỉ trồng lúa một vụ. Đến mùa thu hoạch, tháng 5 - tháng 6 theo lịch Mông, bà con sẽ làm lễ ăn cung này. Và đây là một lễ lớn của người Mông.
“Mọi người góp tiền mua một con trâu to, 2 con lợn, 2 con gà, 2 con vịt. Hai con gà, con vịt là dâng cúng cho thần rồng với thần mặt trời. Còn con trâu cúng tất cả thần linh, thổ địa để thần linh, thổ địa cho mưa thuận gió hòa, không làm cái gì khuất tất, ảnh hưởng đến sức khỏe, cây trồng, vật nuôi và con người” – ông Gà cho hay.


Sau phần lễ, cộng đồng vui múa hát, chơi trò chơi. Ảnh minh họa: sapapathfinder.com

Lễ “ăn cung” hay còn được gọi là “nào cung”, là một nghi lễ của cộng đồng. Ngày trước lễ này phải do quan đứng đầu một châu (huyện) đứng ra tổ chức. Tại ngôi nhà cộng đồng, lễ “ăn cung” diễn ra với 2 phần: phần thứ nhất là tổng kết một năm công việc của toàn dân. Ở phần này, ông quan đứng ra thông tin, đánh giá những việc làm được, chưa làm được cho tất cả mọi người. 
Đến phần thứ 2, người ta sẽ dựa vào những việc còn dang dở trong năm cũ, tiếp tục đưa ra để triển khai, thực hiện trong năm sau. Đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ mới. Sau phần này, cả cộng đồng cùng thực hiện nghi lễ “ăn thề”, quyết tâm hoàn thành mục tiêu.
Đưa ra lời thề là từ nay cho đến sang năm khu rừng này bảo vệ như thế nào, dòng suối này bảo vệ ra sao? Có cho bắt cá hay không? Rồi có cho tự do chặt củi chỗ nào không… “Ăn thề” - là phần thứ hai của “nào cung”. 
Ông Giàng Seo Gà nhận định, lễ ăn cung đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của người Mông: “Còn quan trọng hơn hương ước. Không có cái này hương ước không giá trị đâu. Thề là nằm trong hương ước. Ngày xưa rất nghiêm. Ví dụ, người ta quy định: một cái cây măng, con trâu, con bò nó ăn thì có thể chỉ phạt 10.000 đồng thôi. Người đi bẻ về ăn thì phải là 20.000 đồng. Bởi vì con trâu, con bò nó gặp cái gì là nó ăn thôi. Mình không trông coi cẩn thận nó vào nó ăn thì phạt cái giá đấy, ông chủ phải trả. Con người cố tình đi bẻ măng rừng cấm, anh biết chỗ này là chỗ cấm để cây măng này thành tre. Anh cố tình bẻ anh phải bị phạt gấp đôi”. 
Ông Giàng Seo Gà cho biết, lễ “ăn cung” giờ đã rút ngắn lại còn “ăn thề”. Và phạm vi tổ chức chỉ còn trong khuôn khổ thôn, bản.




Lâm Thanh/VOV4

Hải Huyền bt bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC