Ma Bio, người đàn bà làm sống dậy những vũ điệu Chu Ru
Thứ ba, 00:00, 12/09/2017 Việt Phú  bt ct + 1  ảnh Việt Phú bt ct + 1 ảnh
VOV4.VN - Nghệ nhân Ma Bio năm nay đã gần bước sang tuổi lục tuần, nhưng bà vẫn tiếp tục sự nghiệp gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ trong thôn Diom A những làn điệu dân ca truyền thống của đồng bào Chu Ru. Đặc biệt, vũ điệu Ariya đang trong lúc bị lãng quên lại sống lại thật rộn ràng.

 

Mabio - Người đàn bà làm sống dậy những vũ điệu Chu Ru

 

Cứ mỗi buổi chiều, đám trẻ ở thôn Diom A, xã Lạc Xuân, Đơn Dương, Lâm Đồng tập trung ở khoảng sân rộng, sát nhà nghệ nhân Ma Bio để được bà chỉ dẫn đánh chiêng, đánh trống và học các làn điệu dân ca, dân vũ đậm nét văn hóa của đồng bào Chu Ru.

Hôm nay bà Ma Bio dạy cho các em nhỏ vũ điệu Ariya, một trong những vũ điệu đặc trưng nhất của đồng bào Chu Ru, đang  có nguy cơ bị mai một.

Bà Ma Bio năm nay 57 tuổi, rắn rỏi, khỏe mạnh. Tiếng chiêng bà đánh vẫn đanh và vang lắm. Cứ mỗi buổi chiều là thôn Diom A như sống trong không khí lễ hội. Các làn điệu, vũ điệu dân gian như Tamya Ari ya, Dam dra, T’rum pô, Păh gơnăng vang lên trong thôn ngoài xóm.

Bà Ma Bio tâm sự rằng, cái duyên gắn bó với văn hóa dân tộc phần nhiều là do truyền thống gia đình. Bố mẹ và các anh chị em của bà đều biết chơi cồng, đánh chiêng. Nó ngấm dần trong máu thịt, từ trong kí ức thuở ấu thơ. 

Bà Mabio đang dạy cho các cháu đánh chiêng. Ảnh: Việt Phú.

Gắn bó với dân ca, dân vũ, với tiếng cồng chiêng từ năm lên 8 tuổi, nhưng cũng có khoảng thời gian Ma Bio tạm quên đi niềm đam mê này bởi gánh nặng cuộc sống. Cũng có lúc nhiều gia đình trong thôn phải mang bán cồng chiêng đi. Thôn Diom A mỗi lần có sự kiện gì, lại phải sang các xã khác mượn.  Rồi các vũ điệu sôi động dần dần mai một theo thời gian. Văn hóa  của dân tộc Chu Ru cũng dần thay đổi theo những trào lưu văn hóa mới.

Trước tình trạng này, bà Ma Bio quyết tâm truyền dạy vốn âm nhạc, dân ca, dân vũ cho lớp trẻ. Ban đầu chỉ vài ba em, giờ số học viên đã hơn 30 em. Ma Bio bảo có lẽ đây là cách tốt nhất để gìn giữ bản sắc dân tộc Chu Ru mình.

Với sự quyết tâm nhiệt huyết chỉ dạy của bà Ma Bio, các thành viên trong đội cồng chiêng thôn Diom A luôn giành thành tích cao trong các hội diễn quần chúng. Đội cồng chiêng của Ma Bio đã đoạt giải B, được Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng trao tặng Giấy khen về độc tấu kèn bầu giai điệu Dam dra, và được Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam trao tặng Bằng khen về tiết mục Tamya Ariya. Riêng bà Ma Bio được Nhà nước phong tặng nghệ nhân cách đây 10 năm. 

 

Trăm cái khó không thể bó quyết tâm giữ gìn văn hóa truyền thống

 

Thấy nhiều người không còn mặn mà với văn hóa dân tộc, nên nhiều bộ cồng chiêng quý bị họ đem đi bán, bà Ma Bio đã đến từng nhà vận động họ dừng việc này lại. Khi chứng kiến nhiều gia đình túng quá mà phải bán chiêng ché, bà gom tiền mua lại.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Đơn Dương, cho rằng do tác động của kinh tế, tiếp biến văn hóa và trào lưu mới, nên nhiều giá trị văn hóa của đồng bào Chu Ru đã mất đi. Vì thế, cần phải có những chính sách, mục tiêu cụ thể, để gìn giữ. Và quan trọng hơn, chính mỗi người Chu Ru phải coi đó là giá trị sống, là hồn cốt dân tộc mình.

Hiện nay, những người truyền dạy văn hóa cho thế hệ trẻ thường là các cá nhân đơn lẻ. Nguồn kinh phí chủ yếu là tự túc. Ngay như bà Ma Bio, vừa truyền dạy văn hóa nhưng vẫn vừa phải lăn lộn xin hỗ trợ và nhiều khi phải bỏ tiền túi ra lo việc chung.

Ông Trần Đa, Hiệu trưởng Trường dân tộc nội trú huyện Di Linh, cho rằng, dẫu biết các nghệ nhân truyền dạy văn hóa dân tộc là rất quý, nhưng hiện chưa có nguồn nào để hỗ trợ, do vậy vẫn rất cần những người có tâm huyết.

Vượt qua nhiều cái khó, còn những người tâm huyết với văn hóa dân tộc như nghệ nhân Ma Bio, thì những vũ điệu như Ariya vẫn sẽ còn cháy mãi nơi cao nguyên này.

 

 

Việt Phú/VOV4

Việt Phú bt ct + 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC