Nuôi cánh kiến đỏ khởi nghiệp
Thứ tư, 00:00, 13/09/2017 Thu Hòa biên tập chương trình + 1 ảnh Thu Hòa biên tập chương trình + 1 ảnh
VOV4.VN - Hơn 300 hộ đồng bào dân tộc Thái, Dao, Mông và Khơ Mú ở huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, thu nhập 90- 160 triệu đồng/hộ/năm từ nuôi thả cánh kiến đỏ. Đó là những con số thực sự ấn tượng, và người khởi đầu nghề mới này là ông Lương Thanh Bình, ở khu 3, thị trấn Mường Lát.
  • "Ông bầu" cánh kiến

 

Vạt rừng trồng xen cây cọ khiết, cây đậu thiều, cây sung... của nhà ông Lương Thanh Bình ở Pù Nhi rộng tới vài chục hecta, luôn được chăm sóc cẩn thận. Thời điểm này, cả rừng cây đã trút hết lá, để lưu giữ những dòng nhựa sống, sẵn sàng cho một chu kỳ phát triển. Đây cũng chính là lúc ông Bình chuẩn bị nuôi thả sâu cánh kiến đỏ cho vụ mới.

Ban đầu, tham gia dự án do Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa khởi xướng, rồi đi học hỏi mô hình ở Mường Chà - Điện Biên, sau lại rong ruổi đi tư vấn kỹ thuật cho người dân các huyện trong tỉnh Thanh Hóa, gần đây nhất, tham dự hội thảo quốc tế của Liên hợp quốc, từng ấy năm là thời gian ông Lương Thanh Bình say sưa chuyện nuôi thả cánh kiến đỏ:

"1ha mình đầu tư cả làm đất, giống, hết khoảng chục triệu. Lãi, năm được mùa như năm nay hơn trăm triệu đó, không cần đầu tư nhiều. Hạt giống làm 1ha hết 100 nghìn thôi, 500 nghìn tiền giống cánh kiến nữa" - ông Bình nhẩm tính nhanh.

Dù thu nhập hàng năm trên dưới 100 triệu đồng, nhưng ông Bình xác định: làm cho gia đình chỉ là một phần, còn giúp đồng bào ở quê hương mình mới là chuyện lớn và chuyện chính. Bởi ông hiểu, bà con nơi đây vốn chỉ lấy cây sắn cây ngô cây lúa để xóa đói thì đích làm giàu còn xa lắm. Tại sao không tận dụng địa hình núi cao, vực sâu, các tiểu vùng khí hậu khác nhau để hướng tới mô hình thoát nghèo bền vững?

"Tôi giúp cho vay vốn, sau khi có sản phẩm thu lại, mình không lấy lãi. Tôi hướng dẫn khoa học kỹ thuật, cầm tay chỉ việc, cho bà con đầu ra ổn định. Nói bà con cứ nuôi trồng cái này đi, sản phẩm làm ra tôi có trách nhiệm bao tiêu sản phẩm, nếu bà con cần kỹ thuật tôi sẽ hướng dẫn kỹ thuật cho, cần vốn tôi sẽ cho vốn" - ông Bình kể.

Ông Phạm Ngọc Lân, Trưởng Ban điều hành dự án Khôi phục phát triển nuôi thả cánh kiến đỏ ở miền núi Thanh Hóa đánh giá rất cao mô hình nuôi thả cánh kiến đỏ của ông Lương Thanh Bình:

"Lúc đầu chỉ có mình ông Bình, sau kết hợp với cộng đồng để giúp người dân sản xuất có kết quả, hiện nay ông Thằn ở Quang Chiểu có mấy ha cây chủ, ở dưới bản Cơm, Pù Nhi, có người thầy giáo có 6 ha cây chủ nuôi thả cánh kiến đỏ, ông Thao Pó Lâu cũng ở bản Cơm, anh Tụa, nhận cây giống chủ từ Điện Biên... rất nhiều người đã làm theo ông Bình. Ông Bình vừa hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời thu mua bán cho các doanh nghiệp ở Hà Nội. Tôi nghĩ đó là mô hình tốt".

 

  • Mơ ước tầm châu lục

 

Từ xa xưa, con người đã biết sử dụng một loại nhựa có trong tự nhiên để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hoặc làm dược liệu, đó là nhựa cánh kiến đỏ. Chất nhựa này do loài sâu cánh kiến, dài từ 0,6-0,7mm, dùng miệng có vòi nhỏ để hút nhựa từ cây chủ, rồi bài tiết ra nhựa. Đến một thời điểm thích hợp, con người mới khai thác nhựa từ tổ của chúng.

Là sản phẩm đặc trưng của miền rừng núi Đông Bắc Á, nhựa cánh kiến được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, như: công nghiệp vecni, pha màu sơn, mạ những sản phẩm chiu nhiệt, chịu acid, chịu tác động của khí hậu khắc nghiệt như máy bay, đồ điện tử cao cấp. Trong thực phẩm, làm phẩm màu nhuộm thức ăn, tráng bóng trái cây, hạt cà phê. Trong kỹ nghệ, nhựa cánh kiến dùng làm mực in, chất sáp đánh bóng sàn nhà. Trong y khoa, nhựa cánh kiến dùng chế tạo khuôn làm răng giả. Sản phẩm cánh kiến đỏ còn dùng rộng rãi trong dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm, túi nilon tự hủy…

Ấn Độ và Nhật Bản, hai quốc gia phát triển mạnh về công nghiệp điện tử, viễn thông, 1 năm tiêu thụ khoảng 1.000 tấn cánh kiến, sử dụng nhựa cánh kiến đỏ trong 1000 mặt hàng thuộc 30 ngành công nghiệp khác nhau. Ngay cả thị trường tiểu ngạch là Trung Quốc cũng cần cung ứng mỗi năm khoảng 2-3 trăm tấn cánh kiến.

Tiềm năng lớn thế, nên điều trăn trở nhất của ông Lương Thanh Bình là vận động thêm nhiều bà con cùng làm. Tuy nhiên, ông đang rất cần sự trợ giúp của cộng đồng và các cơ quan chức năng hỗ trợ một phần vốn. Ông vận động bà con thêm nhiều người làm, bởi càng nhiều người làm thì xuất khẩu dễ dàng hơn.

Hiện chỉ mình ông Bình cáng đáng khu vực toàn huyện Mường Lát. "Nếu không có định hướng, dân chả biết nguồn thu nào ở vùng sâu vùng xa, sắn ngô đều rẻ quá không đủ công, bây giờ chỉ có cánh kiến này có đầu ra ổn định thôi", ông Bình khẳng định.

Chúng tôi đã kết nối với ông Mai Thế Giang, Giám đốc Công ty Bao bì Đại Việt ở Nga Sơn, Thanh Hóa, đơn vị không chỉ thu mua mà còn hỗ trợ chế biến cánh kiến đỏ cho gia đình ông Bình và nhiều hộ ở Mường Lát. Ông Giang hào hứng chia sẻ rất nhiều dự định:

"Tới đây tôi sẽ triển khai một dự án rộng hơn, cả Nghệ An, Thanh Hóa và Sơn La, Lai Châu. Dự án bảo tồn giống cánh kiến, mở rộng diện tích nuôi thả, đến vụ thu hoạch chúng tôi tập trung sơ chế tại chỗ đưa về nhà máy chế biến, một phần xuất khẩu, một phần bán trong nước. Tháng 11 tới, chúng tôi chuẩn bị lượng vốn và phương tiện để mua cho bà con đăng ký với mình rồi. Mua tại thôn bản hoặc thông qua các trưởng họ của các dòng họ. Đổ bộ thêm ba vườn ươm khoảng 6 ha, tương lai mình có một vùng nguyên liệu là rừng đầu nguồn, thu nhập ổn định cho dân. Thứ hai là tạo một giống cọ khiết kháng được sâu bệnh, chịu được khô hạn để phát triển giống cây này cung cấp cho bà con trồng".

Ông Lương Thanh Bình rất sẵn sàng chia sẻ những kiến thức, quy trình kỹ thuật nuôi thả cánh kiến đỏ, cũng như liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm này. Quý vị có thể liên hệ với ông Thanh Bình qua số điện thoại 0123.654.4915. 

 

 

Thu Hòa/VOV4

Thu Hòa biên tập chương trình + 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC