Vị thủ lĩnh của dân tộc Nùng
Truyền thuyết của người Nùng kể lại, xa xưa, Hoàng Vần Thùng là một thổ tù địa phương trấn ải vùng biên giới gồm vùng đất huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Xín Mần ngày nay.
Người Nùng cúng thần rừng trong rừng cấm
Tộc người Nùng đang sống bình yên tại vùng đất dưới sự cai quản của Hoàng Vần Thùng thì giặc dã kéo đến phá hoại. Sau nhiều ngày giao chiến với kẻ thù bị thua trận, các tộc người Nùng phải trốn chạy vào rừng.
Bị địch vây hãm, thiếu nước uống nên nhiều người tử nạn. Đúng lúc ấy, thủ lĩnh Hoàng Vần Thùng lâm trọng bệnh và qua đời. Để tỏ lòng thương tiếc, các trai tráng người Nùng đã giết trâu lấy thịt, lấy tiết trâu thay nước nấu cơm làm đồ cúng tế. Xót thương cho tình cảnh người Nùng, vua trời đã sai binh lính xuống dẹp giặc, đem lại bình yên cho tộc họ người Nùng. Để tưởng nhớ người thủ lĩnh đã có công giúp dân chống giặc, người Nùng đã lập miếu thờ Hoàng Vần Thùng tại những khu rừng già.
Không chỉ có công trấn ải, giữ yên bờ cõi, Hoàng Vần Thùng còn là người giúp tộc người Nùng khai bản, lập làng, an cư, lập nghiệp. Ông là người dạy họ biết sản xuất, biết làm ăn.
Chính những công đức lớn lao đó nên cứ tháng 2 âm lịch hàng năm, người Nùng đều tổ chức cúng Hoàng Vần Thùng trong rừng cấm.Theo ông Trần Chí Nhân, việc cúng tế Hoàng Vần Thùng không chỉ là tín ngưỡng dân gian mà qua đó còn là tinh thần cố kết cộng đồng, giáo dục cháu con nhớ về nguồn cội.
Người Nùng cúng thần rừng trong rừng cấm
Sáng sớm ngày 2/2, những người đàn ông đại diện từng gia đình sẽ đến miếu thần rừng trong rừng cấm làm lễ cúng tế. Họ mổ trâu cúng sống sau đó chế biến thành món ăn tiếp tục cúng lần 2.
Ngoài con trâu làm lễ, các gia đình góp thêm tiền mua gạo, mua lợn, gà, vịt cùng giấy vàng hương thắp trong buổi cúng tế. Tất cả lễ vật đều là đóng góp của cả cộng đồng và tùy lòng thành mỗi gia đình.
Cúng xong, mọi người sẽ ăn uống tại chỗ. Tuyệt đối không mang bất kỳ vật lễ nào mang về nhà. Từ lông, xương, đồ ăn thừa họ sẽ mang đốt thành tro hết.
Theo các cụ cao niên trong bản, những gì đã cúng cho thần rừng sẽ không được mang về nhà. Người Nùng quan niệm, làm vậy sẽ mang lại xui xẻo cho làng.
Lâm Thanh/VOV4
Viết bình luận