Báo hiếu mẹ cha bằng nhà táng, cây tiền
Thứ sáu, 00:00, 21/10/2016 Hải Huyền bt bài + 1 ảnh Hải Huyền bt bài + 1 ảnh

(VOV4) - Người Nùng ở Lạng Sơn, con trai báo hiếu bố mẹ bằng nhà táng giấy gọi là “hờn xi”, con gái sẽ có “cây vàng, cây bạc” phúng viếng cha mẹ. To hơn, sẽ làm lễ “hất pân”, tức lễ cầu mưa.

 

Làm nhà “hờn xi” cho cha mẹ chuộc lỗi

 

Người Nùng ở Lạng Sơn quan niệm con người luôn có thể xác và linh hồn. Khi mất đi, linh hồn sẽ được chia 3 phần: một phần được chôn ngoài mộ, một phần lên mường trời và một phần ngụ ở bàn thờ tổ tiên.

 

Theo anh Lý Viết Trường, người Nùng Phàn Slình, ở bản Nà Lẹng, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, trong thời gian chưa làm lễ mãn tang (6 tháng hoặc 1 năm tùy từng gia đình), linh hồn đó chưa siêu thoát, phải chịu những khổ ải do thổ công – vị thần cai quản mảnh đất của bản, đặt ra. Để chuộc lỗi, họ cần “hờn xi” để làm lễ dâng lên thổ công. Và “hờn xi” là món quà người con trai bắt buộc phải có để báo hiếu cha mẹ.

 

"Hờn xi" là một mô hình nhà bằng giấy quy mô, bề thế, có cổng, và nhiều gian nhà nhỏ nối tiếp nhau. Bên trong, họ trang trí rất nhiều lục lườn, lục khỏi – tức là những kẻ hầu người hạ. Càng nhiều người hầu hạ chứng tỏ gia đình đó là gia đình giàu có, hoặc làm quan. Bên trong, họ còn cắt những mô hình củi, cỏ trông giống hà thật.

 


Hình ảnh một đám ma của người Nùng ở Lạng Sơn. Ảnh: Lý Văn Thái


Cầu mưa để bố mẹ yên lòng

 


Con trai báo hiếu cha mẹ bằng mô hình nhà táng. Còn con gái, để bày tỏ lòng hiếu đễ với đấng sinh thành, hHọ làm một lễ đặc biệt hơn, đó là hất pân. Anh Lý Viết Trường giải thích khi những người con gái đã lấy chồng, thành đạt, ngày bố mẹ mất, họ sẽ làm lễ hất pântức cầu mưa. Người Nùng quan niệm đám tang nào có mưa, người ra đi sẽ thanh thản, người ở lại sẽ làm ăn khấm khá, hạnh phúc đủ đầy. 


Trong ngày làm lễ, cô con gái sẽ dẫn cả đoàn người mang lễ vật là những cây xèn xuồng – tức cây vàng cây bạc sang dâng cúng bố mẹ.


“Để tổ chức một lễ hất pân người ta phải mời thầy tào, mời một nhóm con gái mặc quần áo màu chàm, mang theo lễ vật, cây xèn xuồng sang. Ngoài cây xèn xuồng, người con gái phải mang đến lợn, gà, rượu. Ngày nay vẫn thế” - anh Trường nói.

 

Những cô gái trong đoàn mang lễ thường chưa chồng. Có thể 5 – 6 – 10 người. Đội lễ là những chàng trai. Dù ngày nay có nhiều biến đổi, con trai có thể mặc trang phục hiện đại, nhưng con gái buộc phải mặc áo chàm đen truyền thống.


Lễ cầu mưa diễn ra khá nghiêm cẩn. Thầy tào khấn, nói lên tấm lòng biết ơn của người con gái với cha mẹ. 


"Những đám tang tôi chứng kiến hầu như trong đêm thường mưa hoặc mưa trước khi phát tang. Cũng vì điều này, khi để cây xèn xuồng ngoài sân, bao giờ họ cũng che vì nghĩ rằng sau khi làm lễ hất pân trời sẽ mưa” – theo anh Trường.



Màn đối đáp dân ca giữa các thầy tào

 


Trong lễ hất pân, có một nghi thức rất đặc biệt là màn đối đáp giữa thầy tào nhà người con gái với thầy tào chủ trì tang lễ. Nhà nghiên cứu dân tộc học, GS Hoàng Nam cho biết buổi tối trước hôm đưa tang, người ta sẽ thực hiện nghi thức này. Họ mổ lợn, mang cây tiền đến cúng tế. 


“Thường việc đó thể hiện qua câu sli – một loại hình dân ca, và những câu sli đó sâu sắc, tình nghĩa. Bình thường, người ta hiểu câu sli chỉ là giao duyên. Nó là thơ, có vần, không chỉ là giao duyên mà cả đám ma, đám cưới, vào nhà mới có thể sli với nhau. Có nhiều thì giờ, hai bên đối đáp khoảng tiếng rưỡi, nhưng giờ chỉ độ mươi phút thôi. Mỗi bên sli lên 1 – 2 câu thôi” - GS Nam cho biết.

 

Còn anh Lý Viết Trường gọi đây là màn đối đáp dân ca đặc sắc trong tang ma của người Nùng. Cuộc ứng tác của hai thầy tào rất thu hút người xem. Nội dung quan trọng nhất nói về sự báo hiếu của người con, đề cao công ơn dưỡng dục của cha mẹ. Những lời hát khi than thân trách phận, khi thương xót mẹ cha; cầu chúc cho người đi về thế giới bên kia được ấm no. Khi có cuộc sống đủ đầy, người chết lại chúc cho con cháu ở trên dương thế có một cuộc sống nhàn hạ, làm ăn khá giả.

 

Đám ma nào có lễ hất pân được coi là một đám ma to, được mọi người nể trọng. Vì, có khả năng hất pân chứng tỏ gia đình đấy có điều kiện. Trong tang ma, kiêng kỵ người con trai không được quan hệ vợ chồng, không được để cho bạn bè vỗ vai, khoác vai, không được bước vào chuồng trâu, không được luồn cúi trước mọi người. Đấy họ đang mang trên mình trọng trách đội tang, phải giữ mình trong sạch. 

 

Những người con gái có thể tổ chức lễ hất pân riêng hoặc chung nhau tùy vào điều kiện. Người thành đạt thì sẽ báo hiếu bằng lễ hất pân, còn những người con gái còn nhỏ tuổi, hoặc không có điều kiện thì sẽ làm những cây pa kim, pa ngần – hay còn gọi là cây vàng cây bạc phúng viếng mẹ cha. Đó cũng đều là tấm lòng của con cái.

 

 

Thu Cúc/VOV4

Hải Huyền bt bài + 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC