
Những ngày qua, không khí tại khuôn viên chùa Đơm Om Pưl (Xẻo Me), thị xã Vĩnh Châu khá nhộn nhịp, hào hứng, bởi sư sãi, ban quản trị chùa đang chuẩn bị các công việc để tham gia Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024.

Ông Thạch Hiền, thành viên Ban quản trị chùa Đơm Om Pưl, chia sẻ, năm nay, chùa có đóng ghe Ngo mới để tham gia lễ hội, trị giá cũng trên 600 triệu đồng, đến nay việc đóng và lên hoa văn cho ghe Ngo đã hoàn thành. Ngoài ra, ban quản trị chùa cũng vận động thanh niên, trai tráng có sức khỏe tốt để tham gia tập luyện. Hằng ngày, có khoảng 120 vận động viên đến tập bơi đua.
Với đồng bào Khmer ở Sóc Trăng, bà con chủ yếu sinh sống ở các phum sóc vùng nông thôn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp là chính, một số ít làm công nhân lao động tại các công ty, xí nghiệp…
Tại các chùa của đồng bào Khmer, những tiếng còi tập bơi ghe ngo có lúc nhịp nhàng, có lúc mãnh liệt càng làm cho phum sóc thêm háo hức hướng về lễ hội.

Dưới ao trong chùa Pich MengKol, chiều đến là có hơn 100 vận động viên cùng nhau tập luyện những động tác, kỹ thuật bơi, với mục đích nhằm nâng cao thể lực chuyên môn trong thi đấu. Những thanh niên trai tráng khỏe mạnh này với những cánh tay cuồn cuộn sức lực đang cầm chiếc dầm bơi theo nhịp còi của huấn luyện viên thể hiện sự quyết tâm cao để hướng tới mang vinh quang về cho chùa ở lễ hội.

Ông Trần Trí Vân, Phó chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, đến với Lễ hội Oóc Om Bóc-Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 sắp tới, thị xã Vĩnh Châu có 4 đội ghe Ngo của các chùa tham gia, chính quyền, địa phương và nhà chùa, Ban quản trị chùa, bà con bổn sóc đều rất vui mừng phấn khởi, hăng hái thi đua tập luyện đua ghe Ngo, đồng thời chuẩn bị các tiết mục văn hóa văn nghệ, chuẩn bị triển lãm, trưng bày các sản phẩm địa phương OCOP… tham gia lễ hội.
Sóc Trăng là tỉnh có truyền thống lâu đời tổ chức giải đua ghe ngo và có đội ghe đông nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài tổ chức giải cấp tỉnh hằng năm, giải còn được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho phép tổ chức cấp khu vực (2 năm một lần). Hội đua ghe Ngo không chỉ là hoạt động thể thao, thể hiện tính cộng đồng mà còn có ý nghĩa văn hóa, tâm linh đặc biệt đối với đồng bào Dân tộc Khmer. Chuẩn bị tham gia mùa giải năm 2024 này, không khí những ngày qua ở các phum sóc, các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nhịp dầm tập luyện của các đội đã vào mùa, tiếp tục gìn giữ, phát huy Lễ hội truyền thống đặc sắc này./.
Viết bình luận