Bí quyết nghề rèn của người Mông
Thứ sáu, 00:00, 29/12/2017
VOV4.VN - Nghề rèn của đồng bào dân tộc Mông từ lâu đã nổi tiếng bởi sự sắc sảo cũng như độ bền của sản phẩm. Bí quyết nào để họ có thể làm ra được những sản phẩm như vậy?

 

Trước kia, hầu như gia đình người Mông nào tại bản Hua Tạt cũng có một lò rèn riêng để làm ra những nông cụ và đồ dùng sinh hoạt hàng ngày.  Nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, bà con vùng cao dễ dàng mua được những vật dụng vừa rẻ vừa đẹp nên nghề rèn mai một dần.

Gia đình ông Tráng A Chơ, ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, nổi tiếng với nghề rèn từ rất lâu đời, là một trong số ít gia đình giữ được nghề rèn truyền thống. Những năm trước, gia đình ông chỉ đốt lò khoảng 2, 3 lần vào mùa đông để rèn nông cụ cho gia đình và bán cho mọi người.

Ngày nay, khi sản phẩm rèn của gia đình ông được nhiều người biết đến, khách hàng đã đến tìm mua ngày càng nhiều. "Không phải mang ra chợ bán mà người ta đến tận nhà, người ta bảo làm tôi 5 con hoặc chục con hình thức như thế nào, họ có cái bìa, cái mẫu như thế nào thì mình làm theo cho người ta" - ông Chơ nói.

Nghề rèn truyền thống của người dân tộc Mông. Ảnh: sonlatv.vn

Khi được hỏi về bí quyết đặc biệt để làm ra những sản phẩm có độ sắc và độ bền, ông Chơ cho biết: chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm rèn và chọn được loại thép phù hợp cho từng sản phẩm. Ông đã theo học rèn với cha từ khi còn bé, đến nay đã làm nghề được hơn 30 năm nên hiểu rõ phải làm như thế nào để rèn ra 1 con dao vừa sắc bén lại bền lâu.

Ông Chơ tiết lộ: "Con dao thì phải mua cái nhíp ô tô, nhíp Liên Xô cũ, thì đồ làm mới sắc, dẻo, chặt đồ không bị bay, không sợ hỏng, con dao vừa sáng lại dùng được lâu. Còn cái cào để giẫy cỏ thì lưỡi bang của máy bừa Liên Xô cũ dùng sẽ rất lâu.Để tôi tốt thì phải có kinh nghiệm tôi mới được, không phải ai cũng tôi được đâu, người khác có thể làm đẹp hơn nhưng độ tôi thì không đủ".

Giờ đây, đồng bào dân tộc Mông đã dễ dàng xuống chợ sắm cho mình cái cuốc, cái xẻng với những kiểu dáng, kích thước đa dạng. Nhưng nghề rèn truyền thống là một nét văn hóa độc đáo, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Số hộ đốt lò, rèn sắt có thể ít đi nhưng tinh túy nghề truyền thống vẫn còn đó.

 

 

 

Thanh Thủy/VOV-Tây Bắc

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC