Ya Tuất, người giữ nghề đúc nhẫn bạc Chu ru
Thứ hai, 00:00, 23/10/2017 Việt Phú + 3 ảnh Việt Phú + 3 ảnh
VOV4.VN- Trong lễ cưới truyền thống của người Chu ru, không thể thiếu những chiếc nhẫn bạc do chính bàn tay người Chu ru chế tác. Tuy nhiên, thời gian qua, không còn nhiều người gắn bó với nghề làm nhẫn. Hiện chỉ có một nghệ nhân Chu ru thành thạo nghề đúc nhẫn bạc, đó là Ya Tuất, ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng.

 

Nhà nghệ nhân Ya Tuất cách trung tâm huyện Đơn Dương hơn 10km.  Ngoài không gian dành cho sinh hoạt, sát bên phải ngôi nhà là căn phòng chừng 15m2 có một chiếc tủ kính, trưng bày  hàng trăm chiếc nhẫn bạc và vòng bạc đủ các kích cỡ.

Dụng cụ làm nhẫn của nghệ nhân Ya Tuất. Ảnh: Việt Phú

Ông Ya Tuất tính, đến ông đã là đời thứ 6 làm nhẫn. Ya Tuất theo cha học nghề làm nhẫn từ khi mới 15 tuổi. Ngày xưa cái gì cũng thiếu. Để làm được chiếc nhẫn cưới có khi mất hàng tuần.  Đối với người Churu, chiếc nhẫn bạc không chỉ là đồ trang sức mà còn là một vật thiêng. Họ quan niệm nhẫn bạc cũng có linh hồn, có nhẫn trống (Srí Kră) và nhẫn mái (Srí Mơtal).

Những “bí kíp” làm nhẫn của người Chu Ru, ông may mắn đều nắm giữ được cả. Sợ thất truyền, ông đã truyền dạy cho hai đứa con mình. Cháu trai giờ cũng có thể theo cha làm nghề, còn cô con gái đang lần mò những công đoạn đầu tiên.

Ya Tuất bên phòng trưng bày của gia đình. Ảnh: VP

Theo Ya Tuất, để đúc một chiếc nhẫn bạc, công đoạn đầu tiên mà cũng quan trọng nhất là làm khuôn. Từ các loại vật liệu tự nhiên như: sáp ong, phân trâu, đất bùn, lá dứa… nghệ nhân tạo một khuôn nhẫn âm bản có đầy đủ họa tiết hoa văn. Trong đó, khuôn nhẫn đực có nhiều hoa văn tỉ mỉ, mặt nhẫn đính hạt Kơ-nia màu đỏ, còn nhẫn cái thì hoa văn nhẹ nhàng hơn.

Ya Tuất cho biết nhiều lúc muốn bỏ nghề, bởi quá khó, nhiều công đoạn mất nhiều thời gian, công sức, nhưng với sự kiên trì và mong muốn bảo tồn nghề truyền thống nên anh đã làm cho những chiếc nhẫn bạc Chu ru có hồn.

Nhẫn cưới do Ya Tuất chế tác. Ảnh: Việt Phú.

Cứ vào mùa cưới là nhà Ya Tuất như có hội, khách khứa nườm nượp ra vào. Nghệ nhân Ya Tuất cho biết anh làm nhẫn bạc quanh năm, nhưng cao điểm nhất là vào mùa cưới của người Churu, kéo dài từ tháng 10 đến giáp Tết.

Theo phong tục, ngoài cặp nhẫn cưới của đôi uyên ương, phía nhà gái phải trao nhẫn bạc cho những người chủ chốt trong họ hàng nhà trai. Vì vậy, cứ mỗi đám, Ya Tuất nhận đúc từ 10 đến 15 cặp nhẫn, có đám họ hàng nhà trai đông thì làm đến 50 cặp. Và không biết tự lúc nào, người ta đã gọi Ya Tuất là người làm kỷ vật se duyên cho những lứa đôi.

 

 

Việt Phú/VOV4

Việt Phú + 3 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC