Độc đáo lễ cấp sắc của người Sán Chỉ ở Cao Bằng
Thứ tư, 13:42, 24/04/2024 CTV Khánh Việt - Công Luận/VOV Đông Bắc CTV Khánh Việt - Công Luận/VOV Đông Bắc
VOV4.VOV.VN - Cấp sắc là nghi lễ không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người đàn ông Sán Chỉ, được trao truyền qua nhiều thế hệ với sự độc đáo trong hình thức thực hiện.

 

Chọn được ngày lành tháng tốt, gia đình anh Hoàng Văn Cao ở xóm Khuổi Tặc, xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng tổ chức lễ trưởng thành cho con trai mình. Lễ cấp sắc của người Sán Chỉ, tiếng địa phương con gọi là lễ "Thuổng cuổn".

Theo quan niệm của đồng bào Sán Chỉ, người con trai sau khi làm xong nghi lễ cấp sắc mới được công nhận là người trưởng thành và có tên âm. Nghi lễ này cũng là hình thức trình báo với tổ tiên về thành viên của dòng họ, cũng là sự chứng nhận vai trò người đàn ông trong gia đình và cộng đồng... 

“Cấp sắc là phong tục của người Sán Chỉ, cũng là trách nhiệm của cha mẹ với con cái. Con trai phải qua lễ cấp sắc mới có tên, đó là cái tên thứ hai, tên khai sinh chỉ dùng cho giao tiếp hàng ngày, chứ không thể cho nghi lễ truyền thống được”. - Anh Hoàng Văn Cao cho biết.

Dù là nghi lễ quan trọng đối với mỗi người đàn ông Sán Chỉ nhưng việc tổ chức lễ cấp sắc lại không cố định vào thời điểm nào mà tùy thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình của người thụ lễ.

Ông Hoàng Văn Lập, xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng, người chuyên thực hiện các nghi thức tâm linh trong lễ cấp sắc cho biết: độ tuổi phù hợp nhất để làm lễ cấp sắc là từ 12 - 18 tuổi.

Theo quan niệm của người Sán Chỉ, chỉ những người đã qua lễ cấp sắc mới được coi là trưởng thành, được nối nghiệp gia đình, dòng họ. Đồng thời, sau khi cấp sắc cũng chính là lúc được công nhận trong cộng đồng người Sán Chỉ. Sau này nếu học tập và đạt được trình độ nhất định, được mọi người tín nhiệm, có thể hành nghề thầy cúng, tham gia vào công việc của cộng đồng mình.

Lễ cấp sắc thường diễn ra trong 3 ngày và gia đình làm lễ cấp sắc chuẩn bị đầy đủ lợn, gà, gạo, rượu, tiền làm lễ cúng thần. Việc trang trí cho một buổi lễ rất công phu với lán thờ, bàn địa, viết sớ, treo tranh thờ, đồ thờ và lễ vật. Gia chủ thường phải nhờ thêm người dân trong bản đến để phụ giúp và với những người dân, lễ cấp sắc cũng là sự kiện quan trọng của cả cộng đồng nên bà con trong bản đều sẵn lòng giúp đỡ.

Trong buổi lễ, người được cấp sắc sẽ mặc chiếc áo đã được phù phép và phải trải qua các thử thách để được thần Đất, thần Gió, tổ tiên cũng như các vị thần linh khác che chở. Lễ cấp sắc có nhiều nghi lễ, có nghi lễ chỉ diễn ra vài phút nhưng cũng có nghi lễ diễn ra cả buổi, được người nhà và dân bản dự đông vui như ngày hội.

Lễ cấp sắc rộn vang tiếng thanh la, tượng trưng cho mặt trời và tiếng trống hiện thân của mặt trăng. Với người Sán Chỉ, trong thời gian tiến hành lễ cấp sắc, tất cả các thầy mo, thầy tào, gia chủ và người đến dự lễ đều phải ăn chay, không sát sinh.

Riêng người được cấp sắc phải ở riêng trên gác một mình, khi thầy mo, thầy tào cho ăn mới được ăn, cho xuống làm lễ mới được xuống.... Trong nghi lễ cấp quyền, khi người thụ lễ sẽ được răn dạy những điều cấm như không được sống gian lận, khinh người, không được chửi mắng bố mẹ... Tất cả đều hướng cho người được cấp sắc sống đẹp, sống có ích cho xã hội và cộng đồng.

Kết thúc lễ cấp sắc, gia đình có người được cấp sắc tổ chức khao làng, tỏ lòng biết ơn với anh em, làng xóm đã đến giúp đỡ, chứng kiến sự trưởng thành của con trai mình và cùng chung vui với gia đình. Mọi người cùng quây quần bên mâm cơm với những món ăn truyền thống.

Lễ cấp sắc của người Sán Chỉ là một loại hình sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trong gia đình cũng như cộng đồng, dòng họ. Lễ cấp sắc có ý nghĩa giáo dục rất cao, các nội dụng thể hiện trong các nghi lễ đều hướng con người đến cái thiện. Đó là sự kính trọng người già, yêu quý trẻ nhỏ, biết ơn cha mẹ, thủy chung, sống chân thành, dũng cảm, trọng nghĩa…

CTV Khánh Việt - Công Luận/VOV Đông Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC