Lào phát triển sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ
Thứ năm, 15:10, 04/05/2023 Trần Tuấn, Hồ Hải/VOV tại Lào Trần Tuấn, Hồ Hải/VOV tại Lào
VOV4.VOV.VN - Năm 2022, giá trị xuất khẩu của ngành hàng cà phê của Lào đạt khoảng 67 triệu USD. Để tận dụng lợi thế về tiềm năng đất đai, thổ nhưỡng và đa dạng hóa sản phẩm, ngành cà phê nước bạn đang hướng đến sản xuất cà phê hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Chính phủ Lào và ngành nông lâm nước bạn xác định: cà phê là mặt hàng nông sản chiến lược quan trọng, là sản phẩm mũi nhọn để xuất khẩu nhằm tăng nguồn thu cho đất nước, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống xã hội cho người dân.

Thời gian qua, Lào có nhiều chính sách khuyến khích trồng, chế biến và xuất khẩu cà phê như huy động nguồn vốn, tìm kiếm thị trường phân phối, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất vừa và nhỏ... Đặc biệt, thực hiện mục tiêu kế hoạch xuất khẩu cà phê giai đoạn 2021-2025, ngành cà phê tập trung sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế và nguồn gốc xuất xứ để cà phê Lào ngày càng vươn ra thị trường các nước.

Lào hiện có hơn 80 đơn vị đang kinh doanh, sản xuất, chế biến và xuất phẩu cà phê. Sản phẩm cà phê Lào được xuất khẩu sang 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, các sản phẩm xuất khẩu chính gồm cà phê Arabica, Robusta và cà phê rang các loại. Năm 2022, Lào xuất khẩu cà phê hơn 22 nghìn tấn với tổng giá trị 67 triệu USD.

Thứ trưởng Bộ Nông lâm Lào, Kikeo Singnavong cho biết, mục tiêu của cà phê Lào là đặt mức tăng trưởng liên tục, hướng tới chất lượng tốt và thân thiện với môi trường, tạo nguồn thu nhập bền vững cho các hộ sản xuất nhỏ và vừa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, người sản xuất tham gia.

Khu vực Cao nguyên Bolaven ở Nam Lào bao gồm 4 tỉnh là Champasak, Sekong, Salavan và Attapeu có nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp để phát triển trồng và sản xuất cà phê, nhất là cà phê hữu cơ.

Chính phủ Lào không chỉ khuyến khích đầu tư sản xuất mà còn hỗ trợ, tạo điều kiện trong cấp giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Vì vậy, Hiệp hội cà phê Lào xác định phát triển cà phê hữu cơ là chiến lược cốt lõi, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước trong thời gian tới.

Bà Bounhuaeng, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Lào cho biết, phát triển cà phê hữu cơ không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường cà phê hữu cơ, mà còn giúp xuất khẩu cà phê với giá cao. Trong 10 nước ASEAN chỉ 4 nước trồng cà phê, trong đó có Lào, vì vậy để tạo ra thế mạnh và nâng cao khả năng cạnh tranh, chúng tôi chọn phát triển cà phê hữu cơ.

Theo các số liệu thống kê, khu vực Bolaven có gần 40 nghìn hộ đang canh tác và sản xuất cà phê với tổng diện tích lên tới 80 nghìn héc-ta, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Hiện tại, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các hợp tác xã và các hộ gia đình ở các tỉnh Nam Lào đang dần chuyển sang canh tác cà phê hữu cơ bởi dù sản lượng không cao nhưng cà phê hữu cơ lại có giá bán cao hơn.

Bà Menou Salitthilath, người trồng cà phê ở huyện Thateng, tỉnh Sekong chia sẻ, chúng tôi sản xuất cà phê hữu cơ vì nhận thấy người tiêu dùng ngày càng quan tâm, chú trọng tới sức khỏe, việc sản xuất cà phê hữu cơ vừa đem lại chất lượng tốt cho sản phẩm, vừa đảm bảo môi trường bền vững.

Bên cạnh những tiềm năng, cơ hội, sản xuất cà phê hữu cơ tại Lào cũng cho thấy những khó khăn, vướng mắc về phương thức sản xuất, chất lượng và tiêu chuẩn hay biến đổi khí hậu, dịch bệnh...đang là thách thức đối với ngành cà phê nước này.

Tuy nhiên, phát triển cà phê hữu cơ là một hướng đi mới phù hợp với xu hướng và nhu cầu của thị trường thế giới. Vì vậy, để đặt mục tiêu trở thành một trong những quốc gia xuất lớn các sản phẩm cà phê trong tương lai, Lào cần tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học thực tiễn vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị ngành hàng, góp phần phát triển cà phê bền vững./.

 

Trần Tuấn, Hồ Hải/VOV tại Lào

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC