Songkran - Tết cổ truyền thiêng liêng của người dân Thái Lan
Thứ năm, 15:23, 13/04/2023 VOV Thái Lan VOV Thái Lan
VOV4.VOV.VN - Người dân trên khắp mọi miền ở Thái Lan đang tưng bừng chào đón Tết cổ truyền Sỏng-khàn (Songkran), dịp lễ quan trọng nhất ở Xứ sở chùa Vàng.

Là quốc gia lấy Phật giáo là Quốc giáo, Tết cổ truyền của Thái Lan được tổ chức vào ngày đầu năm theo Phật lịch. Kể từ năm 1941, Hoàng gia Thái Lan đã chính thức lựa chọn các ngày từ 13-15/4 theo dương dịch là 3 ngày Tết chính.

Chị Patthida Bunchavalit, Giảng viên chuyên ngành Tiếng Việt thuộc Khoa Nhân văn, Trường Đại học Ramkhamhaeng cho biết hầu hết các cán bộ, giảng viên của trường đã trở về quê, đoàn tụ cùng gia đình để chuẩn bị đón tết. Từ trước những ngày Tết Songkran, người Thái Lan thường lau dọn nhà cửa, sắp xếp đồ đạc và vệ sinh các khu vực công cộng như đền chùa, các khu sinh hoạt cộng đồng để chuẩn bị đón năm mới và cầu mong cho những điều mới mẻ, tốt đẹp sẽ đến trong cuộc sống.

Nhiều gia đình cũng trang hoàng ban thờ Phật tại gia để chuẩn bị cho nghi lễ tắm Phật vào mỗi dịp Tết Songkran. Ngoài ra, người Thái còn chuẩn bị trang phục truyền thống để đi chúc phúc và làm các món ăn mặn, ngọt để mang đi cúng dường.

3 ngày Tết chính ở Thái Lan đều có những ý nghĩa đặc biệt, trong đó ngày 13/4 là Ngày của Người cao tuổi, là dịp để thế hệ trẻ thể hiện lòng kính trọng, biết ơn đối với các bậc sinh thành, dưỡng dục. Ngày 14/4 là Ngày Gia đình, là dịp để mọi thành viên trong gia đình quây quần, sum họp, cùng nhau thư giãn và có các bữa tiệc đoàn viên. Ngày 15/4 là Ngày chính thức bước sang một năm mới.

Ông Apibarn Ariyakulkarn, một trí thức đã nghỉ hưu, hiện đang sinh sống tại thủ đô Bangkok kể về những hoạt động mà ông thường làm trong dịp Tết Songkran nhiều năm qua, vào dịp Tết, tôi thường trở về quê thăm bố mẹ, họ hàng và có các bữa tiệc đoàn viên tại nhà hoặc ở nhà hàng. Gia đình tôi thường mời một vị sư đến nhà tiến hành nghi lễ thanh tẩy và làm công đức hồi hướng cho ông bà, tổ tiên đã khuất. Lễ hội Songkran cũng là dịp để tôi tỏ lòng biết ơn với những bề trên đáng kính bằng cách rót nước thơm có pha những cánh hoa lên tay họ và nhận những lời chúc phúc từ họ.

Điểm nhấn quan trọng nhất và ai cũng biết trong dịp tết này là lễ hội té nước. Đối với người Thái, nước biểu tượng cho sự sống, sự đổi mới, sự tinh khiết về thể chất và tinh thần. Hoạt động té nước là nghi lễ có ý nghĩa gột rửa những điều xui xẻo, trút bỏ muộn phiền và mệt mỏi trong năm cũ, đồng thời đem lại sự may mắn và hạnh phúc vào năm mới cho mọi người. Ngoài té nước, bột trắng cũng được người dân Thái Lan sử dụng với ý nghĩa ban phước.

Còn chị Trần Thị Xoan giảng viên đại học ở một tỉnh phía Bắc Thái Lan cho biết, chồng chị là con trưởng trong một gia đình ở tỉnh Nan, Thái Lan. Dù công tác ở xa, vợ chồng chị luôn trở về quê từ trước tết vài ngày để cùng gia đình dọn dẹp, trang trí nhà cửa.

Chị Xoan cho biết về những phong tục truyền thống ở các tỉnh miền Bắc Thái Lan vào dịp tết cổ truyền, có một tục rất hay, ngày xưa chùa muốn xây dựng thì kêu gọi mọi người đóng góp cát. Bây giờ ai cũng có điều kiện hơn, nhà chùa mua cát về sẵn, mọi người sử dụng xô, lấy một lượng cát nhỏ đi qua từng chỗ và cắm xuống như một hình thức đóng góp để xây dựng chùa.

Bên cạnh các nghi lễ mang tính chất gia đình, Tết Songkran cũng nổi tiếng với nhiều hoạt động mang tính chất cộng đồng. Tại hầu khắp vùng miền sẽ diễn ra các cuộc diễu hành, chương trình biểu diễn âm nhạc và các lễ hội lớn trên đường phố.

Sau 3 năm buộc phải hủy hoặc tổ chức quy mô nhỏ do đại dịch Covid-19, Lễ hội Tết Songkran năm nay sẽ chính thức quay trở lại với mọi hoạt động truyền thống. Chính phủ Thái Lan kỳ vọng Lễ hội Songkran sẽ là cơ hội để  thu hút hàng triệu lượt du khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm, nhất là các bữa tiệc âm nhạc hay các trận chiến nước quy mô lớn./.

VOV Thái Lan

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC