Kỹ thuật làm gốm của người M'nông
Thứ ba, 14:38, 30/05/2023 Thu Cúc/VOV4 Thu Cúc/VOV4
VOV4.VOV.VN - Từ bao đời nay, người M’nông R’lâm ở Yang Tao, huyện Lắk, Đắk Lắk vẫn giữ nghề làm gốm cổ truyền.

Làng gốm cổ xưa

Buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao, huyện Lắk, Đắk Lắk nằm êm đềm bên hồ Lắk thơ mộng. Nơi đây chủ yếu là bà con người M’nông R’lâm sinh sống.

Dơng Bắk được coi là buôn duy nhất ở Tây Nguyên hiện còn nghề làm gốm cổ của người M’nông R’lâm.

Nghề mẹ truyền con nối. Phụ nữ đảm nhận các khâu làm gốm, từ khi lấy đất cho đến khi nung thành sản phẩm.

Từ sáng sớm, những người phụ nữ M’nông đã dời căn nhà sàn để đi lấy nguyên liệu làm gốm. Đó là thứ đất sét sạch, dẻo, có màu nâu sẫm đặc trưng, lấy từ các ruộng dưới chân núi Chư Yang Sin. Và chỉ có đất lấy từ các ruộng của buôn Biắk ở Đắc Sang mới làm được gốm bền, đẹp.

Bà H’Piết Uông năm nay đã 75 tuổi, nhưng vẫn giữ nghề mẹ dạy khi bà vừa tròn 18 tuổi. Theo bà, để chọn đất chế tác đồ gốm theo cách cổ xưa, những nghệ nhân trong buôn phải sử dụng loại đất sét lấy ở nơi có nước sạch, không pha cát để khi nung, đất mới không bị nứt, bể. Cho nên, khâu lựa đất được coi là quan trọng nhất để có sản phẩm gốm đẹp.

Bà H’Piết Uôngcho biết, Lấy đất để từ 6 giờ sáng rồi mang nước đến 7 – 8 giờ sáng. Muộn thì không đi lấy đất vì hồi xưa lấy từ sớm hơn. Lấy đất thì chọn khúc nào có đất, khúc nào có cát. Cát không lấy được. Chỉ đất sét thôi. Đất sét ở chỗ Đắc Sang. Tên đất là K’ruông Nên. 5 chỗ Đắc Sang. Nếu loại 7/3 thì đất làm không được đâu con. Hồi xưa thì kiêng, bây giờ thì không kiêng đâu con. Ngày xưa kiêng ăn ớt, bẩn quần áo thì không đi lấy đâu”. 

Tuy nhiên, lấy được đất về không phải làm ngay. Họ sẽ sàng sẩy để lọc tạp chất và rồi phun nước cấp ẩm cho đất là có thể tạo hình được cho gốm. “Nhặt sạn, ủ đất 1 – 2 ngày rồi giã nhuyễn. Không bọc túi nilon nó khô mất” – Bà Huyên P’huck cho biết.

Gốm làm bằng tay không bàn xoay

Những người như bà H’Piết Uông, chị H’Huyên P’huck đều là những người nắm giữ bí quyết làm gốm cổ xưa của người M’nông R’lâm ở buông Dơng Bắk này.

Đất sau khi được sàng lọc, họ đặt lên một thân gỗ to hình trụ làm cối và dùng thân cây nhỏ hơn làm chày giã đều lên đất. Sự kết dính của đất được nhân lên gấp nhiều lần bởi những nhịp chày không ngơi nghỉ. Đất giã càng lâu, độ kết dính càng dai. Từng cục đất dẻo được tách ra sau khi giã mịn và tiếp tục được nhào thêm nữa rồi sử dụng ngay hoặc bọc nilon cẩn thận để trước sân nhà. Lượng đất được giã tùy vào những đồ vật mà họ định tạo tác. Xưa, họ chủ yếu làm nồi, ché, bát… để phục vụ cuộc sống gia đình và nghề làm gốm của người M’nông R’lâm ở Tây Nguyên cung ứng đủ những sản phẩm gốm này cho cả vùng.

Bà H”Piết Uông bảo:“Nếu làm ít thì giã nhanh, nếu làm to thì giã lâu. Nồi to đấy. Làm cái nồi to, làm cái ché to lâu lắm. Mệt lắm. Cố gắng làm”.

Điều mệt mỏi mà bà H’Piết Uông nói không chỉ dừng lại ở khâu giã đất. Nghề làm gốm của người M’nông R’lâm đặc biệt ở chỗ, họ nặn bằng tay và không dùng bàn xoay.

Tại thân gỗ trụ tầm 30 phân, người phụ nữ M’nông cúi gập người, đôi bàn tay chai sần vuốt ve nắm đất. Họ vừa nắn nắn, miết miết tạo hình, vừa di chuyển vòng tròn xung quanh khối trụ. Qua bao nhiêu vòng xoay mỏi mệt như thế những chiếc ché, chiếc nồi hay bát nhỏ dần hình thành. Thi thoảng, họ lấy miếng vải mềm nhúng nước rồi lau vào đất cho đất không khô, dễ tạo hình, vừa tạo độ bóng cho sản phẩm.

Tạo hình sản phẩm được xem là công đoạn khó nhất trong quá trình làm gốm. Bởi nó phụ thuộc hoàn toàn vào đôi tay và trí tưởng tượng của người nghệ nhân. Chính vì thế, mỗi sản phẩm gốm của người M’nông R’lâm là độc bản. 

Dùng lá vẽ hoa văn, lấy trấu làm men

Hỗ trợ cho đôi tay khéo léo là tấm vải, là thanh tre vót mỏng hay vòng tre để nghệ nhân tạo hình cho đồ vật và vẽ hoa văn. Nhìn có vẻ đơn giản nhưng để thuần thục từng động tác làm gốm, những phụ nữ M’nông R’lâm phải mất từ 3 – 5 năm. Và thường họ sẽ được các bà, các mẹ dạy từ khi còn nhỏ.

Sau bước tạo hình, chờ cho sản phẩm ráo bớt nước và khô dần, người thợ bắt đầu tạo hoa văn cho gốm. Những que tre, que củi, lá cây, thậm chí móng tay… người phụ nữ M’nông R’lâm đều có thể tận dụng để vẽ hoa văn cho gốm. Đó có thể là những vòng tròn xung quanh miệng nồi, ché hoặc cũng là hoa văn cách điệu với những hình học đơn giản.

Xưa, hoa văn trên gốm chỉ có hình vòng tròn. Nay, để sản phẩm phong phú, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, họ vẽ thêm hoa văn núi, hoa văn trên thổ cẩm cách điệu.

Sau bước này, chờ cho sản phẩm khô thêm, họ sẽ chuyển sang công đoạn chà láng đánh bóng sản phẩm.

Chị H’Hân Buôn K’rông cho hay, đây cũng là bước quan trọng, người thợ phải canh thời gian cho đất khô đúng cữ nếu không rất khó để đánh bóng. “Sau khi mình làm xong một quy trình gọi là bước đầu xong ví dụ một cái nồi thì mình cũng phải để tầm 5 – 7 tiếng để phơi cho nó ráo. Xong mình dùng cái dụng cụ của mình là một viên đá trắng, phải bóng loáng, nói chung nó đẹp là mình mới có thể kỳ, chà lên cái sản phẩm mình làm, tạo độ bóng. Mình kỳ càng nhiều, độ bóng càng tốt, càng cao. Cái khâu này rất quan trọng. Mình mà để quá lâu thì khô quá thì cũng không kỳ được, không tạo được độ bóng của sản phẩm. Mà mình xem căn là vừa ráo, đầu tiên là mình kỳ cái sản phẩm đó rồi”.

Công đoạn tạo màu men cho gốm cũng khá cầu kỳ. Khi gốm khô hoàn toàn, họ chọn ngày nắng đẹp đi nung gốm. Người M’nông R’lâm nung gốm lộ thiên. Trên nền đất trống, họ lót củi khô rồi xếp gốm lên trên theo thứ tự: vật nhỏ xếp giữa, vật lớn hơn xếp xung quanh, rồi phủ củi, rơm, trấu và đốt. Thời gian nung tùy thuộc vào số lượng gốm. Gốm chín sẽ có màu đen bóng đặc trưng.

Trong xã hội cổ truyền, gốm của những người phụ nữ M’nông R’lâm ngoài dùng trong sinh hoạt gia đình, họ còn dùng để trao đổi lúa và gia súc với các dân tộc trong vùng.

Mặc dù, gốm M’nông đang đứng trước nguy cơ mai một vì sự thịnh hành của đồ gốm công nghiệp. Nhưng ở Yang Tao, những người phụ nữ M’nông vẫn bền bỉ giữ nghề cha ông. Những sản phẩm gốm cổ đã được tạo hình đa dạng từ chén bát, nồi đất, bình hoa đến các con thú… bắt mắt hơn để phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Đặc biệt, khi du lịch tại huyện Lắk phát triển, nghề gốm của người M’nông cũng trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách muôn phương.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng những người phụ nữ M’nông R’lâm ở Yang Tao vẫn không từ bỏ nghề gốm cha ông. Với họ, giữ được nghề gốm là giữ được di sản quý.

Thu Cúc/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC