Hương thơm từ quế, ấm no từ rừng
Thứ tư, 09:01, 13/03/2024 Khắc Kiên/VOV Tây Bắc Khắc Kiên/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Từ đề án và Nghị quyết đúng đắn của tỉnh, những triền đồi trọc, diện tích đất nương bạc màu ở Lai Châu đã dần được phủ xanh bằng những cánh rừng quế. Diện tích quế đang dần được mở rộng, hương thơm từ quế đang lan tỏa khắp các bản làng, bước đầu mang lại thu nhập ổn định cho người dân và báo hiệu những mùa no ấm đang về.

 

Bản Pắc Ma, xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, nơi sinh sống của hơn 100 hộ đồng bào Thái và La Hủ mùa này bạt ngàn màu xanh của quế.

Cây quế bén rễ nơi đây từ năm 2016 và dần thay thế cho những chòm nương bạc màu trơ trọi cỏ tranh trước đây. Những nương quế xanh tốt đã trở thành cây trồng mũi nhọn ở địa phương, giúp bà con xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.

Chị Vàng Lò Pứ, dân tộc La Hủ, ở bản Pắc Ma, xã Mường Tè chia sẻ: gia đình và một số hộ trong bản bắt đầu thử nghiệm trồng quế từ năm 2016 theo sự vận động của xã và huyện. Qua thử nghiệm cho thấy cây quế có tỷ lệ sống cao, hợp thổ nhưỡng, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Sau hơn 4 năm trồng, diện tích cây quế trồng thử nghiệm đã cho thu tỉa cành, lá và với 1,6ha quế của gia đình hiện tại, mỗi năm cho thu nhập trên 30 triệu đồng.

Từ diện tích quế trồng thử nghiệm ban đầu cho hiệu quả, những năm tiếp theo nhờ được hỗ trợ cây giống, phân bón của Nhà nước, người dân xã Mường Tè đã mở rộng diện tích. Hầu hết diện tích đất nương canh tác bạc màu trước đây đã được bà con chuyển đổi sang trồng quế.

Đến nay, toàn xã đã có hơn 200ha quế và bà con trên địa bàn đang tiếp tục mở rộng diện tích, với mong muốn đưa cây quế trở thành cây trồng mũi nhọn ở địa phương.

Cây quế đã bén rễ tại 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện biên giới Mường Tè và sau hơn 7 năm trồng, đến nay địa phương đã có hơn 2.300ha. Hơn 50% diện tích quế trên 4 năm tuổi đã được người dân cắt tỉa cành, lá để bán, với mức thu nhập bình quân từ 15 - 20 triệu đồng/ha/năm, góp phần vào giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương bình quân hơn 5%/năm trong những năm gần đây.

Ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: "Đối với diện tích quế, sau rất nhiều năm huyện loay hoay, mày mò thực hiện các mô hình liên quan đến nông, lâm nghiệp, đến giờ phút này đã chọn được hướng đi rất là đúng đắn. Đời sống của bà con nhân dân thu nhập từ quế thời gian qua đã có bước đổi thay, xây dựng được nhà cửa khang trang, có thu nhập ổn định lâu dài từ cây quế".

Cùng với việc phát triển vùng nguyên liệu quế, huyện Mường Tè đã tạo điều kiện thuận lợi, mời gọi các nhà đầu tư vào khảo sát, liên kết để trồng, bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Hiện nay nhà máy chế biến các sản phẩm từ quế đầu tiên tại Lai Châu đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động tại huyện Mường Tè. Với công suất tiêu thụ nguyên liệu 100 tấn cành, lá/ngày, nhà máy này đang giúp hàng nghìn hộ dân có nguồn thu ổn định từ việc cắt tỉa cành, lá từ đồi quế của gia đình.

Theo ông Đao Văn Khánh, địa phương đang khuyến khích phát triển cây quế và lấy cây trồng này là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho bà con. Để đảm bảo được mục tiêu này, huyện đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trồng đạt từ 3.800 - 4.000ha và đến năm 2030 trồng được 10.000ha.

Diện tích cây quế trên địa bàn huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đang ngày càng mở rộng và dần trở thành cây trồng chủ lực tại địa phương trong xóa đói giảm nghèo. Niềm tin của người dân về cây quế được củng cố bằng nguồn thu hằng ngày từ việc bán cành, lá quế. Đây sẽ là cơ sở vững chắc để cây quế tiếp tục ăn sâu, bám rễ, trở thành một trong những cây trồng chủ lực, mang đến ấm no sung túc cho đồng bào các dân tộc ở địa phương.

Khắc Kiên/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC