Phá rừng ở Đà Lạt ngày càng manh động
Thứ sáu, 08:55, 20/05/2022 Thu Ha bt- 4 ảnh Thu Ha bt- 4 ảnh
VOV4.VN - Mấy ngày qua, hàng trăm cây thông trên rừng phòng hộ bị kẻ gian đốn hạ hàng loạt ngã đổ ngổn ngang. Đây được xem là vụ phá rừng lớn nhất từ trước đến nay xảy ra tại TP Đà Lạt. Đối tượng phá rừng rất manh động, liều lĩnh và coi thường luật pháp.

 

Từ quốc lộ 27C, đi xuyên rừng theo hướng Bắc chừng 3 km mới đến được hiện trường xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng này, đó là lô A, lô B, khoảnh 15, tiểu khu 144B, phường 8, TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Đây là cánh rừng phòng hộ nằm ở khu vực giáp ranh giữa huyện Lạc Dương và Đà Lạt, lâm phần do Ban quản lý rừng Lâm Viên quản lý.

Hàng trăm cây thông 3 lá bị cưa đổ nằm la liệt tại một triền đồi cao, chung quanh được bao bọc bởi màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng thông tươi tốt và tuyệt đẹp. Ngoài việc cưa hạ đồng loạt theo kiểu tận diệt sạch sẽ mọi cây thông lớn - bé, đối tượng còn chặt hạ theo từng khóm thông nhỏ rải rác trên phạm vi rộng.

Đối tượng phá rừng cưa hạ đồng loạt theo kiểu tận diệt 

Trung tá Phạm Thị Thu Hiền, Đội CSĐT tội phạm về kinh tế, chức vụ Công an TP Đà Lạt, thành viên của đoàn khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng này cho biết, hành vi cưa hạ này rất liều lĩnh, đối tượng dùng cưa máy cầm tay để cắt hạ hàng loạt. Với số lượng hơn 400 cây thông bị cưa đổ như thế này thì không thể diễn ra chỉ trong một ngày.

Ngoài liều lĩnh, manh động và coi thường luật pháp, các đối tượng thực hiện hành vi phá rừng còn là những người chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm trong việc cưa hạ cây rừng. Minh chứng cho điều này là tại các vết cắt gốc thông được thực hiện dứt khoát, cắt phẳng và thẳng đều; thông ngã đổ từ nhiều hướng xếp chồng lên nhau nhưng không rối, rất trật tự như nông dân thu hoạch nông sản.

Các vết cắt gốc thông được thực hiện dứt khoát

Bên cạnh đó, vị trí cây rừng bị cưa hạ nằm đúng ranh giới của khu vực giáp ranh thuộc lâm phần do Ban quản lý rừng Lâm Viên quản lý. Việc này chỉ có những người khá am hiểu, thông thuộc địa hình hoặc có sự tiếp tay, chỉ điểm của những người trong ngành lâm nghiệp mới có thể xác định được.

Theo ông Lê Thái Sơn, quyền Hạt trưởng Hạt kiểm lâm TP Đà Lạt, vị trí rừng bị phá nằm sâu trong rừng, việc đi lại để sản xuất và vận chuyển gỗ rất khó khăn, mục đích phá rừng cũng rất khó xác định. Vị trí bị phá là địa bàn hiểm trở, nằm giữa rừng, không có đường đi, không giáp nương rẫy.

Vị trí rừng bị phá là địa bàn hiểm trở,

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho rằng, đây là vụ cưa hạ rừng thông lớn nhất từ trước đến nay xảy ra trên địa bàn. Khu vực này núi đồi hiểm trở, đi lại khó khăn, được xem là khu vực ít có nguy cơ tác động đến rừng. Vì vậy khi vụ phá rừng xảy ra đã khiến lãnh đạo chính quyền địa phương rất bất ngờ. Và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến vụ việc được phát hiện chậm, không kịp thời.

Cũng theo ông Sơn, ngoài số cây rừng bị cưa hạ ngã đổ còn có hơn 100 cây thông khác trong khu vực bị ken, đổ hóa chất cho cây chết từ từ. Nhận định ban đầu là khu vực không có nguy cơ cao thì mật độ tuần tra sẽ giảm đi. Chính vì không xác định đấy là khu vực trọng điểm nên mới chậm phát hiện. Còn mục đích phá rừng thì thường đến hiện trường là nhận định ra ngay, nhưng đối với vụ phá rừng này thì vẫn chưa xác định được. Thành phố đang chỉ đạo cơ quan công an và các ngành tập trung điều tra, tìm cho được thủ phạm vụ phá rừng để xử lý nghiêm. Đồng thời phải xác định cho được mục đích của việc phá rừng.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, ngày 17/5, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm và công khai vụ phá rừng trái phép này. Cùng với đó, ngoài yêu cầu đơn vị chủ rừng khẩn trương lập kế hoạch trồng rừng, phục hồi lại rừng ngay trên diện tích rừng bị phá, UBND tỉnh Lâm Đồng còn chỉ đạo chủ tịch UBND TP Đà Lạt tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định./.

       

       Quang Sáng/VOV Tây Nguyên

 

 

Thu Ha bt- 4 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC