Tại các thôn, nóc xa xôi ở huyện miền núi cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, nhiều trường hợp học sinh, thanh niên đang ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đã lấy chồng, sinh con sớm. Người mẹ trẻ Hồ Thị Đinh, ở làng Măng Lâng, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, cưới chồng và sinh con ở tuổi 15 tuổi. Ba của Hồ Thị Đinh qua đời, Đinh bỏ học giữa chừng và lấy chồng sớm. Khi làm vợ, làm mẹ, Hồ Thị Đinh mới cảm nhận hết cái khó, cái khổ. Chưa có kiến thức, kỹ năng chăm con nhỏ, Đinh phải nhờ cậy đến chị em trong làng giúp đỡ. Đến cả quần áo, sữa cho con uống, Đinh cũng phải nhờ cậy bà con hàng xóm giúp đỡ. Giờ đây, người mẹ trẻ người Ca Dong mới thấy hết nỗi khổ vì đã lấy chồng, sinh con quá sớm.
“Tôi mới sinh con lần đầu nên cũng chưa biết tắm cho con, chưa biết chăm sóc con. Khi con đau, tôi cũng không có tiền mua thuốc. Không có tiền mua sữa cho con uống”. - Hồ Thị Đinh cho biết.
Già làng Hồ Văn Lâm, ở xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho rằng, hiện nhiều hủ tục lạc hậu vẫn chưa được xoá bỏ như hứa hôn, quan niệm về quan hệ cận huyết thống, kết hôn với nhau sẽ gần gũi hơn, giữ được của cải. Ngoài ra, trình độ dân trí và nhận thức pháp luật về hôn nhân và gia đình của người dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, nhất là tư tưởng muốn con kết hôn sớm để giảm gánh nặng cho cha mẹ còn xảy ra phổ biến.
“Tôi rất bức xúc trước nạn tảo hôn và người trong họ lấy nhau. Già làng không cho cưới, thậm chí gia đình ngăn cản nhưng hai đứa dẫn đi đâu đó, mang bầu về làng, già làng không làm gì được, rồi phải cho nó lấy nhau thôi”. - Già làng Hồ Văn Lâm chia sẻ.
Tại các trường học ở miền núi, học sinh ở lại trong khu nội trú của trường nhưng gia đình và nhà trường thiếu quan tâm, giám sát dẫn đến việc nhiều trường hợp học sinh mang thai. Thời gian gần đây, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các địa phương miền núi xây dựng mô hình tuyên truyền về đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường, khu dân cư.
Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam phối hợp triển khai rộng rãi mô hình câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”. Các thành viên trong câu lạc bộ phối hợp với các già làng, người có uy tín thường xuyên đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động người dân hiểu về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Các địa phương cũng đã tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, lồng ghép vào những buổi họp làng để tuyên truyền và tư vấn về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... gắn với thông điệp “Không kết hôn sớm, không lấy nhau trong cùng dòng họ”. Chị Hồ Thị Hinh, ở xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, mô hình “Chi hội Phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” ra đời giúp người dân Giẻ Triêng trong xã hiểu hơn về những hệ luỵ của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
“Khi bà con dự lớp tập huấn của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, bản thân tôi sẽ về tuyên truyền, vận động người dân trong làng không để con cái lập gia đình sớm khi chưa đủ tuổi, hạn chế hôn nhân cận huyết thống”. - Chị Hồ Thị Hinh cho biết thêm.
Tỉnh Quảng Nam đang tập trung triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, tỉnh này tập trung làm tốt công tác truyền thông, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Năm ngoái, tại tỉnh Quảng Nam đã giảm 300 trường hợp tảo hôn, giảm 30 trường hợp đối với hôn nhân cận huyết thống so với năm 2021.
“Ban Dân tộc đã phối hợp làm rất tốt, chặt chẽ huyện, sở ban ngành, đặc biệt là xuống các xã để tuyên truyền, vận động. Huyện cũng tạo điều kiện, xã cũng tạo điều kiện để triển khai nhiệm vụ này. Kết quả những năm vừa rồi thì Ban Dân tộc chủ yếu là tập huấn. Thứ hai là phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường tổ chức tuyên truyền cho đối tượng học sinh, nhất là ở cấp THCS, THPT. Thứ ba là qua tờ rơi, phát cho đồng bào với nội dung ngắn gọn dễ hiểu, để họ biết được thế nào là tảo hôn, để họ không lặp lại các vi phạm trái quy định." - Ông A Lăng Mai, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết.
Viết bình luận