Thầy giáo người Tày ươm khát vọng thoát nghèo cùng Chi bộ bản Mông
Thứ hai, 13:32, 05/02/2024 Công Luận-CTV Thanh Loan/VOV Đông Bắc Công Luận-CTV Thanh Loan/VOV Đông Bắc
VOV4.VOV.VN - Xung phong lên “cắm bản”, giúp những đứa trẻ ở bản người Mông biết đọc biết viết, biết làm phép cộng phép trừ... thầy giáo Hà Lô Tuấn còn được người dân quý mến, được các đảng viên ở bản Khuổi Hẩu, xã Mai Long, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng tin tưởng bầu là Bí thư Chi bộ. Không phụ tấm lòng dân bản, thầy giáo Hà Lô Tuấn luôn phát huy vai trò một người đảng viên, đồng hành cùng đồng bào vượt khó vươn lên.

 

Những ngày đông, nhiệt độ ở bản Khuổi Hẩu xuống thấp, có lúc ở ngưỡng 2-3 độ C. Học sinh được nghỉ học nên thầy Hà Lô Tuấn tranh thủ đến các hộ dân trong bản để nhắc nhở mọi người giữ gìn sức khỏe hay chú ý che chắn chuồng trại sao cho kín gió; lấy thêm trấu, vôi rắc cho nền chuồng gia súc được khô sạch để tránh phát sinh dịch bệnh... Với hơn 90 hộ dân người Mông ở Khuổi Hẩu, thầy giáo Hà Lô Tuấn đã là người thân trong gia đình từ lâu.

Năm 2016, khi mới chuyển từ huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) về trường Tiểu học Mai Long, thầy giáo người Tày Hà Lô Tuấn đã nhận nhiệm vụ “cắm” ở điểm trường Khuổi Hẩu, cách trung tâm xã gần 10 km. Khi ấy, Khuổi Hẩu chưa có đường ô tô đến trung tâm, chưa có điện lưới và phần lớn người dân không biết chữ. 

Ngay khi về điểm trường công tác, thầy Tuấn cùng một giáo viên khác được phân công tham gia sinh hoạt Đảng tại Chi bộ Khuổi Hẩu. Khi đó, Chi bộ chỉ có duy nhất 1 đảng viên là người dân địa phương và hầu như không có nguồn kế cận.

Năm 2017, thầy Tuấn được tín nhiệm bầu là Bí thư Chi bộ với trọng trách khẩn trương xây dựng Chi bộ Đảng, phát triển đảng viên tại địa bàn.

Thời điểm đó đi lại khó khăn, nhất là mỗi khi có mưa nhưng sau mỗi giờ lên lớp, thầy Tuấn với cương vị Bí thư Chi bộ lại cùng Chi ủy, cán bộ Mặt trận Khuổi Hẩu dành thời gian đến thăm từng hộ gia đình, gặp gỡ từng quần chúng ưu tú nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng người để làm công tác phát triển Đảng. Đây là điều không dễ, bởi cả bản Khuổi Hẩu theo đạo nên cần am hiểu văn hóa, tín ngưỡng của bà con.

Để hòa nhập được vào cuộc sống của đồng bào, thầy Tuấn đã tự học thêm tiếng Mông và cố gắng tham gia tất cả các hoạt động cùng người dân trong bản. Với tâm huyết và sự nỗ lực, Bí thư Chi bộ Hà Lô Tuấn đã gây dựng được Chi bộ với 8 đảng viên

“Lúc đầu mình phải cố gắng hòa nhập rất nhiều. Ngay năm đầu tiên, năm thứ hai vào bản tôi đã tham gia tất cả các công việc của bản, vừa nói vừa phải làm được, mà làm bằng hành động là chính. Nhất là các cuộc Đại đoàn kết toàn dân, mình phải tự lên kế hoạch rồi cùng làm với mọi người. Bây giờ nhận thức của bà con thay đổi rất nhiều. Trước đây bà con thấy người lạ, cán bộ lên họ thường né tránh ít khi nói chuyện lắm. Bây giờ từ người già, trẻ, học sinh thấy các thầy giáo từ xa đã chào, mời về nhà tiếp đón niềm nở, nói chuyện rất vui vẻ”. - Thầy Hà Lô Tuấn chia sẻ.

Trăn trở của thầy Tuấn và những đảng viên trong chi bộ là làm sao để Khuổi Hẩu thoát nghèo. Khi thầy Tuấn về bản, 100% các gia đình đều trong diện hộ nghèo. Bản nằm trên lưng núi, đường khó đi nên kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nương ngô và nhà nhiều cũng chỉ có vài nghìn m2 ruộng bậc thang. Con đường từ đầu bản đến cuối bản tới 7-8 cây số đường đồi dốc, đến tận những ngọn núi giáp ranh tỉnh Bắc Kạn cũng không làm khó được đôi chân và sự quyết tâm của người Thầy giáo - Bí thư chi bộ.

Nhận thấy lợi thế địa phương có đồi rừng rộng, những đảng viên ở Khuổi Hẩu đã mạnh dạn cùng bà con trồng thử cây trúc sào để làm vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến ngay tại huyện. Đến nay, một số hộ đã có thu nhập khá từ bán cây trúc cho các thương lái, hiện cây sinh trưởng, phát triển tốt và có thể trồng đại trà.

Ngoài ra, nhiều hộ dân cũng mạnh dạn trồng nghệ, nuôi trâu vỗ béo và cho thu nhập khá. Bí thư chi bộ Hà Lô Tuấn ấp ủ dự định sẽ tìm thêm những loại cây giống, con giống mới để giúp người dân thay đổi cuộc sống.

“Mong muốn nhất là cùng bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cũng liên hệ với các cấp về xem khí hậu, thổ nhưỡng ở đây phù hợp trồng loại cây nào rồi sẽ tuyên truyền theo hướng đó. Đây cũng là vấn đề lớn. Trước mắt bản cần có đường, có đủ điện, nhất là có đường bà con sẽ có thể trồng được cây trúc sào, cây nghệ… Đặc biệt khí hậu lạnh ở đây có thể phù hợp trồng cây dược liệu, có được như vậy kinh tế mới đổi thay được. Nhưng sẽ trồng cây dược liệu gì cho phù hợp, đây cũng là vấn đề nan giải mà riêng bản thân tôi cũng sẽ rất khó thực hiện ngay được”. - Thầy Hà Lô Tuấn chia sẻ thêm.

Phần lớn người dân không biết chữ, nhiều người không nói được tiếng phổ thông, nên thầy Tuấn cùng những giáo viên cắm bản trở thành người hướng dẫn, giúp đỡ bà con từ cách trồng, chăm sóc, chữa trị sâu bệnh theo chỉ dẫn. Từ chỗ còn e dè, nghi ngại ban đầu, đến nay bà con nơi đây đều đã coi thầy Tuấn như một người con của bản.

Ông Hoàng Văn Lự, Trưởng bản Khuổi Hẩu, xã Mai Long cho biết: “Thầy Tuấn về bản đã dạy cho con em, người dân biết chữ, biết đọc, biết viết. Thầy biết nhiều nên chỉ bảo bà con làm nhiều việc tốt theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhất là việc kết nạp được nhiều đảng viên là người trong bản, tôi thấy đây là điều rất đáng quý, bà con trong bản rất tin tưởng thầy Tuấn”.

Không chỉ làm tốt vai trò giáo viên cắm bản, thầy Tuấn còn giúp bà con từng bước thay đổi thói quen sinh hoạt, tập quán sản xuất. Điển hình như vận động người dân hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ trong sản xuất; hướng dẫn bà con ăn ở hợp vệ sinh hơn.

Nhất là qua vận động của các thầy giáo, tình trạng tảo hôn, sinh con thứ ba đã giảm rõ rệt. Nhiều năm qua, Khuổi Hẩu không xảy ra mất an ninh trật tự. Đặc biệt, bản đã có 12 hộ thoát được nghèo, nhiều nhà kiên cố được xây dựng và phần lớn các hộ đã mua được xe gắn máy làm phương tiện đi lại. Bản cũng đã có nhiều học sinh theo học cấp 3 trường huyện, rồi đi học nghề. Năm 2023, hơn 90% số hộ được công nhận gia đình văn hóa, bản Khuổi Hẩu đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”.

Ông Nguyễn Văn Ngân, Bí thư Đảng ủy xã Mai Long cho biết: “Thầy Tuấn luôn nhận được sự tin tưởng của Đảng ủy. Đồng chí luôn gương mẫu chấp hành tốt nhiệm vụ chuyên môn cũng như nhiệm vụ của Đảng ủy giao. Thầy Tuấn được bà con tin tưởng, phụ huynh học sinh yêu quý. Với cương vị Bí thư Chi bộ, đồng chí được các đảng viên, bà con trong bản tin tưởng. Đồng chí nhiệt tình, ân cần đến thăm hỏi, động viên từng gia đình, nhất là vận động con em đến trường cơ bản đầy đủ”.

Dù không có thêm bất cứ khoản phụ cấp nào, nhưng thầy Hà Lô Tuấn vẫn luôn nỗ lực làm tốt vai trò, trách nhiệm của một giáo viên bám bản, một Bí thư Chi bộ hết lòng vì công tác Đảng và gắn bó cùng nhân dân.

Nhiều năm liền, thầy Hà Lô Tuấn được khen thưởng của ngành giáo dục cũng như của cấp ủy địa phương, thầy Tuấn cũng được chọn đại diện cho xã thi “Bí thư chi bộ giỏi cấp huyện”... Nhưng hơn hết, với thầy Hà Lô Tuấn, sự trưởng thành của những học trò, sự phát triển đi lên của bản làng và sự tin yêu của bà con nhân dân mới là phần thưởng ý nghĩa nhất.

 

Công Luận-CTV Thanh Loan/VOV Đông Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC