Khởi nghiệp từ cây nghệ nếp của cô gái người Dao
Thứ tư, 00:00, 18/12/2019 Việt Phú BT CT + 2 ảnh Việt Phú BT CT + 2 ảnh
VOV4.VN - Khởi nghiệp dựa trên những thế mạnh về nông sản, sản phẩm đặc sản của địa phương đang được khẳng định là hướng đi đúng của các bạn trẻ người dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao. Bạn trẻ người Dao, Nguyễn Thị Hồng Minh đã biết tận dụng lợi thế này để vươn lên làm giàu.

Nhắc đến câu chuyện khởi nghiệp của mình, cô gái người Dao, Nguyễn Thị Hồng Minh ở thôn Tân Thành, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn chia sẻ: xuất thân từ một  gia đình nông nghiệp, quanh năm chỉ quẩn quanh với ruộng vườn, biết cây nghệ từ bé, nhìn thấy cây nghệ mọc tràn trong vườn, xum xuê cả trên những sườn đồi quanh nhà, nhưng chỉ thấy mẹ dùng để chế biến thức ăn, làm mờ sẹo.. Rồi thỉnh thoảng, Hồng Minh lại thấy mẹ mang ra chợ bán, thu nhập từ củ nghệ cũng không được là bao. Và thật tình cờ, chính Hồng Minh lại có duyên với cây nghệ để rồi say mê với nó. Bởi khi sinh, hai má cô bị nám, xanh xao, gầy gò, không biết dùng thuốc gì để có thể trị nám. Chỉ đến khi được mẹ chăm sóc, lấy những củ nghệ nếp trong vườn nhà nấu các món ăn, bổi bổ cơ thể, chỉ sau hai tháng Minh đã tăng cân và các vết nám cũng mờ dần.

 

Nhận thấy củ nghệ nếp địa phương có chất lượng tốt nhưng giá cả bấp bênh, bị thương lái ép giá, Minh luôn trăn trở, suy nghĩ....Nếu mua nghệ hỗ trợ bà con thì sẽ bán ở đâu, nếu chế biến nghệ sẽ làm những sản phẩm gì, ai sẽ hỗ trợ?  Tất cả các câu hỏi ấy cứ xoay vần trong tâm trí cô. Và đến năm 2010 cô đã bắt đầu làm và kinh doanh các sản phẩm từ nghệ. Ban đầu, vốn ít, Minh cũng chỉ thu mua nhỏ lẻ, công nghệ chế biến thô sơ. Và phải đến năm  2015, cơ duyên giữa cô với nghệ mới thực sự bắt đầu.

Nguyễn Hồng Minh (phải) tại gian hàng giới thiệu sản phẩm nghệ. Ảnh VP

Nói về khó khăn khi điều hành HTX, Minh chia sẻ, ban đầu số vốn thì ít, công cụ máy móc chưa có, hơn nữa con nhỏ, lại thương xuyên phải đi làm thị trường nên việc chăm sóc con cái Minh đều nhờ chồng và ông bà... Vất vả là vậy, nhưng cô không nản chí, sớm hôm suy nghĩ và lặn lội với cây nghệ. Và thành công đến với cô cũng ngoài mong đợi. Ban đầu chỉ là các sản phẩm nhỏ lẻ và rồi Minh đã quyết định thành lập hợp tác xã mang tên gọi Tân Thành.

Điều khiến chị Hồng Minh cùng nhiều thành viên của HTX mừng vui nhất là dù mới đi vào hoạt động nhưng HTX cũng đã có doanh thu, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động và đặc biệt, sản phẩm của HTX đã được tỉnh Bắc Kạn chọn là một trong những sản phẩm để đem đi quảng bá ở các hội chợ thương mại lớn, hội chợ nông sản…

Nguyễn Hồng Minh cho biết,  năm 2017, HTX sản xuất được 125 tấn nghệ tươi, và thu được khoảng 5 tấn thành phẩm để sản xuất tinh bột nghệ, Curcumin nghệ… với giá bán trung bình 580 ngàn/kg tinh bột nghệ và Curcumin nghệ nếp đỏ có giá khoảng 2,4 triệu/kg. Hiện tại HTX đã xuất bán ra thị trường được gần 3 tấn tấn và mặt hàng này của HTX Tân Thành đã có mặt tại một số địa phương như: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Đắc Lắk… Doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 7 thành viên HTX, với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng và tạo việc làm thời vụ cho 16 lao động.

Hiện nay HTX Tân Thành đã có 16 sản phẩm từ cây nghệ nếp. Ảnh VP

Thành công không phụ những người quyết tâm. Với Nguyễn Thị Hồng Minh cũng vậy. Cô vẫn luôn nghiên cứu, tìm tòi để làm sao cho ra đời các sản phẩm sạch, có chất lượng. Còn chuyện quảng bá thì cô chia sẻ “Có lẽ không cần quảng cáo nhiều về công dụng, thành phần trong củ nghệ nếp đỏ của Bắc Kạn, bởi không có sự đánh giá nào công bằng hơn là người trực tiếp sử dụng nó. Chính vì thế mà 16 sản phẩm từ nghệ của Minh như tinh bột nghệ, viên nghệ nếp đen, nghệ  thái lát.. đã có mặt ở nhiều thị trường và được khách hàng đánh giá rất cao về chất lượng.

Với Hồng Minh, cô vẫn chưa dừng lại bởi nông sản địa phương đặc biệt là cây nghệ nếp của bà con vẫn đang chờ cô đứng ra tiêu thụ, bao tiêu. Dự định của cô gái người Dao này sẽ mở rộng diện tích trồng khoảng 5 hecta nghệ. Tính  trung bình 1 hecta sẽ thu được 25 - 30 tấn nghệ tươi nguyên liệu phục vụ tốt cho việc phát triển các sản phẩm từ nghệ. Mong mỏi lớn nhất của Minh là cây nghệ của bà con nông dân trong vùng trồng ra sẽ không còn phải phụ thuộc vào thương lái ép giá, không còn cảnh bỏ hư hỏng ngoài đồng vì không có đầu ra.

Việt Phú/VOV4

Việt Phú BT CT + 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC