Kbang, Gia Lai: Điểm sáng đào tạo nghề vùng dân tộc thiểu số
Thứ tư, 14:29, 12/10/2022 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm luôn được các cấp đảng, chính quyền đoàn thể ở Kbang chú trọng, và coi đây là “chìa khóa” giải quyết nút thắt trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

 

Kbang là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Gia Lai, với hơn 47% dân số, chủ yếu là người Ba Na với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 14%.

Sau hơn 1 tháng tham gia lớp đào tạo nghề nông thôn về “trồng rau an toàn” do Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Kbang tổ chức, 30 chị em người Ba Na ở làng Lợt, xã Kông Bờ La, huyện Kbang đã biết cách trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap.

Chị Đinh Thị Rim,  làng Lợt cho biết, khóa học đã giúp chị biết cách làm đất, bón phân, quản lý dịch hại, thu hoạch và bảo quản rau hiệu quả. Sau lớp học trồng rau an toàn, tôi đã mở rộng thêm diện tích rau sạch ở nhà, các chị ở trong thôn, làng cũng mở rộng và ai cũng có rau sạch tại nhà, không phải mua rau ngoài chợ. Nhiều nhà đã trồng rau mang ra chợ bán để có thêm thu nhập.

Sau khi tham gia khóa đào tạo nghề, nhiều chị em người Ba Na ở làng Lợt, xã Kông Pla đã biết trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap

Tham gia lớp đào tạo nghề sửa chữa máy cày công suất nhỏ, anh Đinh Thách, cho biết: trước đây, anh mua máy móc, nông cụ để tăng năng suất, nhưng mỗi lần máy móc bị hỏng lại phải mang đi sửa. Vì thế, anh quyết định tham gia lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp. Sau khi thạo nghề, anh Đinh Thách đã mở một tiệm sửa chữa máy móc tại nhà để sửa chữa cho bà con trong làng và dạy việc cho các thanh niên chưa có nghề nghiệp ổn định. Đặc biệt, học sửa chữa máy nổ rất có ích cho thanh niên, tạo công ăn việc làm, giảm thiểu tệ nạn xã hội, giúp thanh niên lo làm ăn và phát triển kinh tế cho bản thân.

Còn ở làng Mơ Hven Ôr, xã Kông Lơng Khơng, anh Đinh Văn Bồi là một trong những học viên có nghề nghiệp ổn định sau khi tốt nghiệp nghề nề của Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Kbang.  Với vai trò là tổ trưởng của 2 tổ nề, anh Bồi đã cùng các thành viên có tay nghề nhận các công trình, xây dựng nhà cửa, hàng rào cho bà con tại địa phương. Nhờ vậy, bản thân anh Bồi và các thành viên có việc làm và thu nhập ổn định.

Theo thống kê của Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Kbang, trong năm 2022, toàn huyện đã mở được 5 lớp đào tạo nghề nông thôn, thu hút được 150 học viên là người địa phương. Các học viên được dạy ở các lĩnh vực như: Trồng rau an toàn; Sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, thủy sản; Nuôi và phòng bệnh cho trâu, bò; Sửa chữa máy cày công suất nhỏ; Trồng và chăm sóc cây mắc ca.

Các học viên đang thực hành sửa chữa máy cày công suất nhỏ

Ông Dương Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Để triển khai công tác đào tạo nghề nông thôn đạt hiệu quả, trước hết chúng tôi phối hợp chặt chẽ với huyện, UBND các xã để làm công tác tư vấn nghề. Trên cơ sở đó chọn những nghề sát với nhu cầu để tạo điều kiện cho người học dễ hơn. Sau khi đào tạo, chúng tôi phối hợp với xã để lồng ghép các chương trình mục tiêu để giúp bà con giải quyết việc làm, đồng thời, cùng với cán bộ chuyên môn của xã hướng dẫn bà con phát triển nghề được tốt hơn.

Tính từ năm 2015 đến nay, huyện Kbang đã mở được 76 lớp với hơn 2 ngàn học viên, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số theo học. Sau khi được đào tạo nghề, bà con đã biết áp dụng các kiến thức đã học vào lao động và cuộc sống thường ngày như chăn nuôi gia súc, gia cầm, chăm sóc cây ăn trái, sửa chữa máy móc, từ đó tạo ra công ăn việc làm ổn định, giúp tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm dần qua các năm.

Anh Đinh Văn Bồi (bên phải) là tổ trưởng của 2 tổ nề trên địa bàn xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang

Ông Y Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện đánh giá: Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện thường xuyên phối hợp với các trung tâm đào tạo mở các lớp trung cấp thú y, nông, lâm, sinh liên kết với các công ty trên địa bàn huyện cũng như ngoài địa bàn để tạo ra công ăn việc làm cho những người đã được đào tạo nghề trung cấp. Như ở địa phương là có trại heo xã Sơ Pai, trại bò xã Tơ Tung, các công ty lâm nghiệp tuyển dụng người lao động trên địa bàn huyện giúp nhiều lao động có thu nhập ổn định, số khác thì có việc làm từ những kiến thức đã học.

Việc đào tạo nghề nông thôn bước đầu đã mang lại hiệu quả  trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Kbang. Những lớp đào tạo nghề đã giúp bà con nâng cao trình độ kiến thức, biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lao động và sản xuất nông nghiệp. Góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.

 

 Hoàng Qui/VOV Tây Nguyên

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC