Xót thương hai anh em cùng mắc bệnh nan y
Thứ năm, 00:00, 04/05/2017 Hoài Thu BT Hoài Thu BT

VOV4.VN - Mất đi hai đứa con gái, một đứa mới lên 3, một đứa mới lọt lòng, chị Chảo Chếu Mảy gần như không thiết tha gì sống nữa. Nhưng nhìn hai đứa con trai nhỏ, sợ chúng bơ vơ, chị lại gắng gượng. Trớ trêu thay, cả hai cậu con trai của chị đều mắc phải căn bệnh Hemophila, bệnh máu khó đông, căn bệnh phải chăm sóc, điều trị suốt đời.

 

Mẹ con chị Chẻo Chếu Mảy (xã Nặm Pung, huyện Bát Xát, Lào Cai) đang ở Trung tâm Hemophilia - Bệnh viện Huyết học và truyền máu Trung ương. Chị gầy gò, gương mặt lam lũ, khắc khổ, đôi mắt trũng sâu ngấn lệ, lúc nào cũng chỉ chực trào nước mắt khi ai hỏi đến hoàn cảnh của mình.

 

Chị khóc nghẹn, ôm khư khư đứa con trai 12 tuổi, như thể chỉ cần buông tay là con sẽ rời xa mình mãi mãi. Hỏi chị tại sao cả hai đứa con trai cùng bị bệnh này mà chỉ có một đứa được đến viện điều trị, chị quay đi cố giấu những giọt nước mắt, bàn tay thô sạm vân vê vạt áo bạc thếch:

 

"Con này 12 tuổi rồi, con thứ hai thì 10 tuổi. Bây giờ thì con thứ hai ở nhà không đưa đi viện được, nghèo lắm không có tiền đủ. Làm nương làm ruộng có 3 cân thóc giống thôi. Ruộng ít đất ít không đủ ăn mấy. Có đi vay, một năm thì  vay mỗi lần 1 tạ".

 

Theo lời kể của chị Mẩy, cháu Tẩn Láo Tả và Tẩn Láo Lở đều phát hiện bệnh khi hơn 1 tuổi. Ban đầu, thấy các con hay bị bầm tím khắp cơ thể, mỗi khi bị một vết thương dù nhỏ nhưng rất lâu cầm máu, anh chị cứ nghĩ không sao. Đến khi các con ngày một lớn, tần suất chảy máu nhiều hơn, khó cầm hơn và các cháu liên tục kêu đau khớp chân tay, không đi học được, anh chị mới đưa con đi khám.

 

Bác sỹ ở Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Lào Cai đã xác định hai cháu cùng mắc căn bệnh rối loạn đông máu và chuyển các cháu về bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. Đây là bệnh mang tính di truyền và phải chăm sóc, điều trị suốt đời.

 

Vẫn biết đây là căn bệnh hiếm gặp và bệnh nhân cần phải được chăm sóc và điều trị thường xuyên, nhưng gia đình anh chị quá nghèo, cái ăn cái mặc còn chưa đủ, lấy đâu ra tiền để đưa con về Hà Nội thường xuyên. Thương con, anh chị cố gắng thay nhau đi làm thuê kiếm tiền, ai thuê gì làm nấy, nhưng công xá chẳng được là bao:

 

 "Đi làm ở đâu cũng cứ đi thôi. Đi Trung Quốc làm thuê, ở đây không có cái gì để làm. Không phải làm ruộng mà đi trồng chuối, đi đeo chuối.  Một ngày được hai trăm thôi. Đi mấy ngày thì lại phải về, con ở nhà ốm suốt".

 

Cứ có chút tiền, anh chị lại tất tả đưa con đi bệnh viện. Những lúc con đau quá, không có tiền, anh chị lại đi vay khắp thôn, có được bao nhiêu cũng đưa con đi. Lần này, vì vay quá nhiều mà cũng không còn chỗ nào để vay nữa, thương tình, em trai của chị Mẩy đứng ra vay ngân hàng hộ 2 triệu đồng. Số tiền không đủ chi phí cho cả nhà xuống viện tại Hà Nội. Cho dù hai cháu đều có bảo hiểm hộ nghèo, nhưng chi phí ăn ở, đi lại cũng mất khá nhiều. Hai vợ chồng bàn tính đưa cháu Tẩn Láo Tả về điều trị trước vì thấy cháu đau nhiều hơn em.

 

Ngày đưa con trai lớn đi điều trị, anh chị phải gửi cháu bé sang nhà nội. Đi mà không dám nhìn con, chị đau lắm, tủi lắm. Chị bảo, biết thằng bé cũng đau nhưng không có tiền thì làm sao đây. Nó biết thương bố mẹ nên không hề khóc, nhưng nhìn vào mắt nó chị biết nó rất buồn. Chị chỉ ước bây giờ có sức khỏe, chị sẽ đi kiếm thật nhiều tiền, đủ để đưa cả hai con đi điều trị.

 

Bác sỹ Trần Thị Quyên, người trực tiếp điều trị cho cháu Tả, nói rằng, vì không có tiền điều trị thường xuyên nên khi vào điều trị tại trung Tâm hemophilia, bệnh của cháu Tẩn Láo Tả đã ở giai đoạn nặng, để lại những hậu quả như chảy máu trong khớp từ lâu.

 

Tuy nhiên, với tình trạng của cháu hiện nay, nếu có điều kiện chữa trị thì khả năng sẽ giảm bớt được rất nhiều di chứng do căn bệnh gây ra, dù bệnh nhân sẽ phải chung sống với căn bệnh này suốt đời. Nếu không, có thể gây ra biến chứng teo cơ cứng khớp và để lại tàn tật cho bệnh nhân.

         

Một đứa con bị bệnh đã là rất vất vả, tốn kém, đằng này vợ chồng chị Mảy và anh Xỉn không may cả hai đứa con đều mắc phải căn bệnh quái ác này.

 

Bạn muốn giúp đỡ hai đứa trẻ đáng thương, xin liên hệ với những người thực hiện chương trình qua số điện thoại: 04 3 8255667.

 

                                                                                                 

 

Hoài Thu/VOV4

Hoài Thu BT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC