Nguyên Bình đào tạo nghề gắn với nhu cầu địa phương
Thứ tư, 00:00, 08/11/2017 Hải Phong Hải Phong
VOV4.VN - Nguyên Bình (Cao Bằng) có gần 60% lao động đã qua đào tạo, chủ yếu ở lứa tuổi từ 40 – 50. Chính vì vậy, việc đào tạo nghề dựa chủ yếu vào nhu cầu hiện tại để định hướng phát triển, tạo việc làm cho người dân. Người dân được đào tạo nghề trên tinh thần không phải chuyển đổi hẳn nghề nghiệp mà nâng cao kỹ thuật để phát triển kinh tế.

 

Nguyên Bình là huyện miền núi của tỉnh Cao Bằng, đa số là người dân tộc Tày, Nùng, Dao và Mông. Trung tâm đào tạo nghề huyện Nguyên Bình đã mở những lớp học nghề tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, như: đào tạo trồng rau an toàn, sản xuất phân vi sinh; quản lý dịch hại tổng hợp hay sửa chữa máy nông nghiệp.

Định kỳ hàng năm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Nguyên Bình sẽ cử giáo viên đến 20 xã, thị trấn trong huyện khảo sát tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu học nghề của bà con. Từ đó, sẽ mở những lớp thực sự cần thiết cho bà con. Học viên được hỗ trợ 30.000 đồng/người/ngày học thực tế theo quyết định 46 của Chính phủ.

Thầy Trương Thanh Cương, giáo viên giảng dạy các môn nông nghiệp của Trung tâm, cho biết, đa số việc truyền dạy kiến thức là lý thuyết kết hợp thực hành. Tuy nhiên, lý thuyết sẽ ít hơn, chủ yếu các học viên được trang bị những kiến thức thực tế trong quá trình học tập. Từ đó, các học viên đã biết sửa những lỗi cơ bản, biết bảo dưỡng, bảo trì máy móc ngay trên đồng ruộng.

Tham gia lớp học từ những khóa đầu tiên vào năm 2013, ông Đinh Văn Ròng, ở xóm Vũ Ngược, xã Minh Thanh, chia sẻ, những kiến thức từ khóa học đã giúp ông tự sản xuất được phân vi sinh với chi phí thấp hơn giá thị trường nhiều lần. Cây thanh long cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ ngôi nhà tre ọp ẹp nằm dưới chân đồi, nay ông Ròng đã xây dựng được căn nhà mới khang trang.

Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Nguyên Bình, cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, những hạn chế, bất cập trong quá trình đào tạo, kinh phí hoạt động hay chính sách đãi ngộ đối với giáo viên đang là những thách thức mà địa phương cần giải quyết.

Một trong những khó khăn đầu tiên là kinh phí hàng năm được giao cho Trung tâm chỉ đảm bảo đào tạo một lượng ít học viên. Năm 2016, nguồn kinh phí giao cho Đề án 1956 là 200 triệu đồng, được lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới, với mức hỗ trợ cho mỗi học viên từ 1,5 – 3 triệu đồng/khóa. Số tiền này chỉ đủ đào tạo nghề cho 140 học viên. Năm nay, kế hoạch đào tạo của Trung tâm là 170 học viên với kinh phí được giao là 500 triệu đồng.

Ngoài ra, có những lớp dạy nghề phải kéo dài thời gian học do ảnh hưởng của mùa vụ. Thực tế, khóa học kéo dài khoảng 3 tháng nhưng có những lớp phải kéo dài đến 5 tháng vì dạy được một thời gian, đến khi vào mùa vụ, bà con lại nghỉ. Đó cũng là một đặc thù rất riêng trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở địa phương.

Bên cạnh đó, nhiều lao động chỉ đăng ký học nghề theo phong trào chứ chưa coi việc học nghề là yêu cầu cần thiết để có thêm việc làm cũng như nâng cao tay nghề. Một số người sau khi học nghề xong vẫn chưa áp dụng kiến thức được học vào cuộc sống, không có vốn để phát triển kinh tế. Đặc biệt, cơ cấu đào tạo nghề hiện nay chủ yếu đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc những nghề phục vụ tại chỗ.

Theo bà Lương Thị Ngư, Phó chủ tịch UBND xã Minh Thanh, cũng bởi địa phương chưa có các khu công nghiệp nên việc đi làm ăn xa của lớp trẻ đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của các hộ gia đình. Do vậy, lớp trung niên ở địa phương chiếm đa số và việc học tập của họ gặp nhiều khó khăn hơn khi vừa phải vướng bận gia đình, dòng họ cũng như tuổi tác.

 

 

 

Hải Phong/VOV4

Hải Phong

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC